(SKGĐ) Những bệnh nhân đái tháo đường có nhiều nguy cơ bị các bệnh về ung thư gan, dạ dày, tá tràng, bệnh tim mạch, cao huyết áp... Đặc biệt, ở những người bị đái tháo đường tuýp 1 thì nguy cơ mắc bệnh còn cao hơn rất nhiều.
Ảnh minh họa |
Hậu quả khi chữa bệnh đái tháo đường không đúng cách
Theo BS. Lâm Đình Phúc (Phó Chủ tịch CLB Đái tháo đường Hà Nội, Nguyên Trưởng khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết TW): Hiện nay, số lượng người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng cao và gây những biến chứng khủng khiếp là một gánh nặng trong điều trị. Những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh đái tháo đường (đặc biệt ở dạng tuýp 1) có khả năng mắc các bệnh về liệt dạ dày, ung thư gan, tim mạch, tá tràng, các bệnh về mắt… khá cao.
Các bệnh nhân khi mắc đái tháo đường thường là những người cao tuổi, béo phì, hút thuốc lá nhiều, uống nhiều rượu. Các nghiên cứu đang tìm kiếm phát hiện các biến chứng từ bệnh đái tháo đường thường thấy ở những người ngoài 50 tuổi. Bệnh ảnh hưởng ở nam giới nhiều hơn phụ nữ. Khi phát hiện những bệnh ăn theo bệnh đái tháo đường muộn thì bệnh này đã bùng phát rất nhanh, sức đề kháng của cơ thể đã giảm sút nhiều. Đó là nguyên nhân chính làm cho nhiều căn bệnh ấp ủ từ lâu xuất hiện.
Trường hợp của anh Nguyễn Văn Duy (52 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) là một ví dụ. Anh Duy mắc bệnh đái tháo tuýp 1 đã gần 5 năm nay, biết bao tiền của để đổ vào chữa bệnh nhưng cũng chỉ giảm được một phần nhỏ. Nhiều lúc nghĩ tới bệnh tật là anh lại phát nản vì việc chữa trị quá mệt mỏi và tốn kém. Cứ mỗi lần nghĩ tới bệnh tật là anh lại buồn rầu, nhiều lúc anh bỏ không uống thuốc, rồi tìm đến rượu và thuốc lá để giảm đi nỗi buồn.
Càng ngày sức khỏe của anh Duy ngày một sa sút, ăn uống kém hơn trước rất nhiều, cảm giác mau no khi ăn, sụt cân, bụng đầy hơi, thường xuyên có cảm giác khó tiêu, nhiều khi đang làm việc mà bụng đau dữ dội, xuất hiện những biểu hiện rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài... Tuần trước khi vừa đến cơ quan, một cơn đau hành hạ khiến anh không thể nào chịu đựng nổi, đồng nghiệp trong cơ quan đã đưa anh tới bệnh viện nhờ các bác sĩ kiểm tra. Qua nhiều xét nghiệm, các bác sĩ kết luận anh bị liệt dạ dày. Anh Duy lại một lần nữa choáng váng và mệt mỏi với bệnh tật ngày càng nhiều.
Các bệnh ăn theo bệnh đái tháo đường
Khi bạn bị mắc bệnh đái tháo đường lâu ngày, nếu không được điều trị để kiểm soát lượng đường huyết ổn thì thì rất dễ gây ra các biến chứng và nảy sinh nhiều bệnh tật kèm theo, một số bệnh sau đây là điển hình:
1. Bệnh liệt dạ dày
Do việc kiểm soát lượng đường trong máu không tốt ở bệnh nhân đái tháo đường, nên lượng đường lâu ngày sẽ tăng cao gây tổn thương hệ thần kinh, làm xuất hiện các biến chứng như rối loạn cảm giác vận động (do tổn thương hệ thần kinh cảm giác hoặc vận động ngoại biên), và liệt dạ dày nếu gây tổn thương thần kinh phế vị và tại dạ dày. Liệt dạ dày ảnh hưởng đến tiêu hóa thức ăn từ dạ dày xuống ruột khiến cho lượng đường trong máu khó được kiểm soát làm cho liệt dạ dày ngày càng nặng hơn.
2. Bệnh tim mạch
Phần lớn các tổn thương mạch máu trong bệnh đái tháo đường đều là hậu quả của việc rối loạn chuyển hóa lipid, mà trong đó hiện tượng tăng đường huyết là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh ra bệnh và thúc đẩy bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Nếu không điều trị kịp thời những rối loạn chuyển hóa sẽ phát sinh ra những mảng xơ vữa động mạch và dẫn đến các biến chứng tắc động mạch.
3. Bệnh tai biến mạch máu não
Các bệnh nhân đái tháo đường thường bị nhiễm mỡ máu, có lượng cholesterol trong máu vượt quá khả năng cho phép, nhất là cholesterol có hại làm cho quá trình xơ vữa động mạch càng trở nên trầm trọng hơn, nguy cơ tai biến mạch máu não càng cao. Điều quan trọng là các yếu tố này thường xuất hiện đồng thời ở bệnh nhân đái tháo đường. Do vậy, nguy cơ tai biến là rất có thể nếu không được kiểm soát và điều trị bệnh đúng đắn.
Phải điều trị song song cả bệnh đái tháo đường và các bệnh ăn theo
Theo bác sĩ Phúc, cùng với việc điều trị các bệnh “ăn theo” bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 phải tiêm insulin. Tuy nhiên, việc lựa chọn insulin, liều lượng insulin, phối hợp với các loại thuốc hạ đường huyết và phải tùy thuộc vào từng người mà không có công thức chung nào cả. Do vậy, khi chữa đồng thời hai loại bệnh phải tuân theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đề ra.
Tác dụng phụ của việc điều trị các biến chứng này khác nhau, nên tùy vào cơ địa mỗi người, thậm trí khác nhau từ lần điều trị này tới lần điều trị khác. Để hạn chế tác dụng phụ của việc điều trị là rất khó khăn bởi, vì các mô và tế bào khỏe mạnh cũng bị tổn thương. Các bác sĩ sẽ cố gắng đưa ra phác đồ điều trị nhằm hạn chế tối thiểu tác dụng phụ và có thể xử lí tác dụng phụ bất cứ khi nào.
Bên cạnh đó, người bệnh phải luôn để cho tâm lý mình thoải mái, vui vẻ và sẵn sàng đối mặt với căn bệnh này, cũng như lường trước được những biến chứng của nó. Kiểm soát, duy trì và ổn định đường huyết sao cho luôn ở mức độ an toàn. Việc làm này rất cần thiết và có thể nói là quan trọng nhất trong các nguyên tắc điều trị bệnh đái tháo đường. Vì vậy, bạn hãy lựa chọn cho mình một giải pháp thật an toàn hiệu quả bền lâu để một cuộc sống khỏe mạnh.
Có thể bạn chưa biết? - Một nghiên cứu trên diện rộng tại Mỹ cho thấy, những bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 3 lần người bình thường. Virus viêm gan C có thể tương tác với bệnh đái tháo đường và làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan của người bệnh. - Ở các nước châu Âu và Mỹ, biến chứng mắt do bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở những người trong độ tuổi lao động (20-65 tuổi). Ngay khi được phát hiện căn bệnh này đã có khoảng 20% số bệnh có biến chứng mắt, còn sau khi bị bệnh từ 10 năm trở lên thì có tới 3/4 số bệnh nhân sẽ bị biến chứng mắt. - Theo các số liệu thống kê cho thấy, 65% bệnh đái tháo tử vong là do tai biến mạch máu não. Biến chứng thần kinh xuất hiện ở khoảng 50% bệnh nhân ĐTĐ với các dấu hiệu ban đầu như tê bì, bỏng rát, đau bắt đầu ở đầu ngón và lan dần lên phía trên. Một số biến chứng khác cũng có thể được phát hiện như nhiễm trùng dai dẳng ở miệng, da, chân, phổi... |
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)