Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 12 tháng 7 rằng họ sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp thứ 2 vào tuần tới để quyết định xem bệnh đậu mùa khỉ có gây ra mối đe dọa sức khỏe toàn cầu hay không khi các ca bệnh tăng lên 9.200 người.
Tháng trước, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đã từ chối tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu để đối phó với bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng do tình trạng nhiễm trùng đã gia tăng đáng kể trong vài tuần qua, tổ chức dự kiến sẽ cân nhắc xem có nên đưa ra cảnh báo cao nhất khi ủy ban khẩn cấp triệu tập lại vào tuần tới hay không.
Tổng giám đốc WHO, Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Ủy ban khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ sẽ họp lại vào tuần tới và xem xét các xu hướng, mức độ hiệu quả của các biện pháp đối phó và đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia và cộng đồng đang đối mặt với dịch bệnh bùng phát”.
WHO hiện không cho biết ngày nào ủy ban sẽ họp trong phiên họp khẩn cấp.
Cơ quan này cho biết khoảng 9.200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo trên 63 quốc gia trong năm nay, tăng từ hơn 6.000 trường hợp vào ngày 4/7. Ba trường hợp tử vong do virus đã được báo cáo cho đến nay.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, hầu hết mọi người trong đợt bùng phát dịch bệnh gần đây nhất đang hồi phục trong vòng 2-4 tuần. Nhưng virus gây ra phát ban đau đớn có thể lan ra khắp cơ thể. Những người đã nhiễm virus cho biết phát ban, trông giống như mụn nhọt hoặc mụn nước, có thể rất đau.
Lần cuối cùng WHO ban hành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu là vào tháng 1 năm 2020 để đối phó với đợt bùng phát COVID-19 và tháng 3 sau đó tuyên bố đây là một đại dịch.
Không có quy trình chính thức nào để WHO tuyên bố đại dịch theo các quy định khẩn cấp của tổ chức này, có nghĩa là thuật ngữ này được định nghĩa một cách lỏng lẻo. Năm 2020, cơ quan này tuyên bố COVID là một đại dịch trong nỗ lực cảnh báo các chính phủ về mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng đáng báo động của virus Sar-CoV-2.
Trái ngược với COVID-19, bệnh đậu khỉ không phải là một loại virus mới. Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện bệnh đậu mùa khỉ vào năm 1958 trên những con khỉ nuôi nhốt dùng để nghiên cứu và xác nhận trường hợp đầu tiên con người bị nhiễm virus này vào năm 1970 tại quốc gia Zaire, nay được gọi là Cộng hòa Dân chủ Congo.
Trái ngược với COVID-19, bệnh đậu khỉ không phải là một loại virus mới. |
Bệnh đậu mùa khỉ nằm trong cùng họ virus với bệnh đậu mùa, mặc dù nó gây bệnh nhẹ hơn. WHO và các cơ quan y tế quốc gia đã có nhiều thập kỷ kinh nghiệm chống lại bệnh đậu mùa, bệnh đã được tuyên bố là đã xóa sổ vào năm 1980.
Cuộc chiến chống lại bệnh đậu mùa thành công sẽ cung cấp cho các quan chức y tế những kiến thức quan trọng để chống lại bệnh đậu mùa ở khỉ.
Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là rất bất thường vì nó đang lây lan rộng rãi ở các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu, nơi thường không tìm thấy virus.
Châu Âu là tâm chấn toàn cầu của đợt bùng phát, báo cáo hơn 80% trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận trên toàn thế giới vào năm 2022. Hoa Kỳ đã báo cáo hơn 760 trường hợp ở 37 tiểu bang, Washington, D.C. và Puerto Rico.
Trong lịch sử, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ở mức độ thấp ở các vùng xa xôi của Tây và Trung Phi, nơi các loài gặm nhấm và các động vật khác mang virus. Trước đây, sự lây truyền giữa người với người là tương đối hiếm, với virus thường nhảy từ động vật sang người.
WHO cho biết cộng đồng quốc tế đã không đầu tư đủ nguồn lực để chống lại bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi trước khi dịch bệnh bùng phát hiện nay.
Xem thêm: 5 thói quen tập thể dục vào mùa hè dễ gây đột tử: Từ 40 tuổi nên tránh tuyệt đối
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin