Bạn ngại đi khám bệnh vì thấy nhiều lúc thật nhiêu khê, bệnh chưa rõ mà lại bực mình vì nhiều thứ khác. Để thoát khỏi cảnh này, bạn hãy chuẩn bị:
Đi gặp bác sĩ chứ không phải đi dạ hội nên bạn hãy chọn những trang phục lịch sự nhưng thoải mái phù hợp với mục đích khám của mình.
Thử nghĩ nếu bạn mặc chiếc váy liền ôm sát người cho lần đi khám đau bụng, khi bác sĩ đề nghị cần khám phần bụng sẽ thế nào?
Hay khi bác sĩ đề nghị kiểm tra đầu gối mà bạn lại đang mặc chiếc quần jean thì sẽ “thử thách” biết bao! Chẳng ít trường hợp, bệnh nhân khiến bác sĩ bực mình vì trang phục rườm rà, khó thăm khám.
Ảnh minh họa |
Phụ kiện không nên mang theo
Thời hiện đại thì tất nhiên đi đâu bạn cũng mang theo di động. Nhưng đến phòng khám bạn nên tắt máy. Đang trò chuyện với bác sĩ, hay đang làm các xét nghiệm mà chiếc điện thoại đổ chuông thì thật vô duyên, cắt ngang sự tập trung của bác sĩ.
Ngoài ra, bạn cũng không nên mang theo lắm túi xách, vòng vàng nữ trang khi vào phòng khám để tránh bị thất lạc, vướng víu, thậm chí ảnh hưởng đến các máy móc xét nghiệm.
Nên mang theo
Bệnh án, đơn thuốc, các kết quả những lần chiếu chụp gần đây nhất của bạn dù nó được thực hiện bởi các bác sĩ nơi khác. Đây sẽ là một trong những “đầu mối vàng” để bác sĩ lần ra bệnh tật bạn đang mắc phải.
Giao tiếp với bác sĩ
Khi gặp những bệnh nhân không biết cách diễn đạt vấn đề sức khỏe mình đang gặp phải thì việc chuẩn bệnh của bác sĩ sẽ thêm phần khó khăn và kém chính xác. Vì vậy, bạn hãy diễn tả triệu chứng của mình một cách mạch lạc, rõ ràng.
Thay vì nói: “Tôi đau khá lâu rồi” hãy ấn định rõ rằng “Đau 1, 2… tháng rồi”. Và bạn cũng nên nhớ, giao tiếp tốt không có nghĩa là bạn cứ nói thao thao bất tuyệt, mà chỉ nên nói những gì thật cần thiết xoay quanh chủ đề sức khỏe của bạn để tránh làm bác sĩ phân tâm.
Chọn lịch khám
Nếu khám có hẹn trước thì bạn nên gọi trước khi đến và đừng sai hẹn. Nếu khám tại các bệnh viện công thì bạn càng phải đến sớm, xếp hàng chờ. Thực tế là một số bệnh viện hiện nay tự “co rút” giờ hành chính rất “hồn nhiên”. Có khi 10h30 hay 15h30 phòng nội soi, phòng siêu âm đã hết giờ hành chính.
Nên khám vào buổi nào? Tốt nhất là bạn nên đi khám bệnh buổi sáng: - Thứ nhất vì có thể bạn phải thử máu, nhịn ăn là điều tất nhiên. Đi buổi sáng có thể bạn sẽ được khám ngay, thời gian nhịn đói ít, không kéo lê sang chiều. - Thứ hai vì cơ quan bộ phận chưa trải qua một ngày vận động sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Bạn cũng nên tìm hiểu trước về một số quy trình khám bệnh để chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị “sơ đồ” qua các phòng để không lóng ngóng, mất thời gian. Lưu ý cho phụ nữ Muốn kiểm tra ngực thì nên chọn sau ngày hành kinh (ngày 3-13 trong chu kỳ kinh). Đó là vì lúc này lượng estrogen đã hạ xuống khiến ngực mềm mại, là lúc tốt nhất để kiểm tra các khối u hoặc các sự bất thường khác. |
Đức Thành
Theo tạp chí Sống Khỏe