Sâu răng là một bệnh phổ biến không chỉ ở trẻ em mà ngay cả người trưởng thành cũng dễ dàng mắc phải. Sâu răng không chỉ khiến người bệnh gặp khó khăn trong ăn uống mà nó còn khiến họ tự ti trong giao tiếp.
Sâu răng rất dễ xảy ra nếu bạn vệ sinh răng miệng không đúng cách. Tuy Y học ngày một phát triển nhưng tỷ lệ người bị sâu răng vẫn không ngừng tăng lên. Ở nhiều quốc gia phát triển, tỷ lệ này lên tới 90% dân số. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây biến chứng như viêm tủy răng, viêm quanh cuống răng, thậm chí là viêm hạch , viêm tủy xương và nhiễm trùng huyết.
Đây cũng là bộ phận duy nhất trên cơ thể không tự phục hồi mà chỉ có thể chữa trị. Bởi vậy những kiến thức cơ bản về sâu răng sau đây chúng ta nên lưu ý.
Nguyên nhân dẫn đến sâu răng
Theo Giáo dục Việt Nam, trong nhiều kẻ thù của răng có thể nói đường là kẻ thù nguy hiểm nhất. Trớ triêu thay đường lại là thực phẩm chính để tạo ra năng lượng cần thiết cho mọi hoạt động của con người nói riêng và mọi sinh vật nói chung (kể cả hàng triệu vi trùng đang ở sẵn trong miệng của chúng ta).
Người ta thường đơn giản giản rằng đường chính là những thứ đồ ngọt mà chúng ta ăn uống hằng ngày. Nhưng thực ra có những thứ rất ngọt (như đường hóa học) lại không phải là carbonhydrate, ngược lại tinh bột là một thứ carbonhydrate chính hiệu lại không có một chút vị ngọt nào cả.
Có thể chia carbonhydrate ra làm hai loại: đơn giản và phức tạp. Đường đơn giản thường có trong thức ăn như trái cây, mật ong, sữa và các sản phẩm của sữa; đặc biệt một loại đường rất thông dụng, tên là sucrose, có nhiều trong mía ăn và các sản phẩm của nó như kẹo, syrups và các loại nước giải khát. Đường phức tạp (polysaccharide) tạo thành do nhiều phân tử đường nối kết với nhau được tìm thấy trong thịt cá (glycogen) hay trong bánh mì, gạo, ngũ cốc (tinh bột).
Các loại đường phức tạp được phân hóa bằng sự nhai với sự xúc tác của các men tiêu hóa có trong nước bọt. Điều này giải thích tại sao một miếng thịt hay một nhúm cơm khi nhai lâu sẽ có vị ngọt (vì bị phân giải thành những loại đường đơn giản hơn.) Nhưng cũng chính từ cái mùi vị ngọt ngào đó mà xã hội loài người biết đến hai tiếng sâu răng.
Phòng ngừa sâu răng
1. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách
Trước hết đánh răng, dùng chỉ chà răng thường xuyên và đúng cách giữ một vai trò quan trọng trong việc đập tan mọi hạ tầng cơ sở (bợn răng) của vi trùng, làm cho chúng không có nơi trú ẩn .
2. Khám răng định kỳ 6 tháng/ lần
Mặc dù bạn là người rất kỹ lưỡng trong việc giữ gìn vệ sinh răng miệng, nhưng thử hỏi chỉ với kem, bàn chải và chỉ chà răng không thôi bạn có bảo đảm cho chính mình rằng hàm răng của bạn đã được bảo vệ một cách đầy đủ hay chưa?
Hơn nữa, chỉ có nha sĩ mới có đầy đủ phương tiện và khả năng chuyên môn để chẩn đoán, điều trị và đưa ra những lời khuyên cần thiết cho hàm răng của bạn. Nên nhớ rằng nếu đợi đến khi răng đau rồi mới đi gặp nha sĩ thì việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn, có khi phải chữa tủy răng, mỗ nướu răng hay phải nhổ răng vì đã quá muộn.
3. Sealant
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên việc dùng những chất liệu nha khoa phủ trên bề mặt nhai của răng hàm và răng tiền hàm (occlusal seal) đã chứng minh được sự hữu hiệu trong việc bảo vệ men răng.
4. Fluoride
Những nghiên cứu khoa học cho thấy fluoride ngoài việc làm cho men răng trở nên cứng hơn (remimeralization) còn là một độc tố với nhiều lọai vi trùng. Do vậy, Fluoride là một vũ khí vô cùng lợi hại trong việc phòng ngừa sâu răng.
5. Thay đổi thói quen ăn uống
Nhu cầu năng lượng của cơ thể nên được thu nạp từ những loại đường có trong trái cây, rau đậu, ngũ cốc, tinh bột. Hạn chế tối đa dùng những loại đường được chế biến từ sucrose (bánh kẹo, syrups, nước ngọt). Trái cây rau quả còn có nhiều chất sợi (fiber): ở miệng làm sạch răng, vào đến ruột thì có thể giúp cho cơ thể chúng ta điều hòa tiêu hóa, phòng chống đuợc nhiều bệnh hiểm nghèo.
Nếu phải uống soda, cam chanh thì nên dùng ống hút (cam chanh có tính acid sẽ làm mỏng men răng.)
6. Nên súc miệng ngay sau ăn ngọt
Tránh những thức ăn dẻo ( sticky food): loại thức ăn này rất dễ bám quanh răng và làm cho vi trùng được tiếp tế lương thực một cách liên tục và đầy đủ.
7. Từ bỏ thói quen ăn ngọt giữa các bữa ăn
Ăn vặt làm tăng thời gian các chất acid (sản phẩm của sự lên men thức ăn) tiếp xúc với bề mặt răng và vì vậy sẽ làm tăng khả năng bị sâu răng lên rất nhiều lần.
Với những phương pháp như giữ gìn vệ sinh răng miệng, áp dụng nha khoa phòng ngừa khi cần thiết (sealant, fluoride), thay đổi thói quen ăn uống và nhất là khám răng định kỳ mỗi 6 tháng, dễ thấy rằng - dù ở sẵn trong miệng - vi trùng cũng khó có thể hoàn thành điệp vụ phá hoại của chúng.
Đến đây hẵn chúng ta đồng ý rằng “làm thế nào để ăn đủ lượng đường cần thiết cho cơ thể mà răng vẫn tốt” đã không còn là nan đề nữa. Nói một cách khác phòng ngừa sâu răng là một nhiệm vụ khả thi: tất cả tùy thuộc vào sự nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm của chính chúng ta.