Hợp tác quảng cáo

Đường: Thủ phạm chính gây ra các bệnh về đường ruột

8:00 PM | 19/01/2022 -
Khỏe +

Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều đường có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, làm giảm số lượng vi khuẩn có lợi.

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã nghi ngờ rằng chế độ ăn uống điển hình của phương Tây đóng một vai trò hàng đầu trong tỷ lệ bệnh viêm ruột cao ở các nước công nghiệp trên thế giới.

Nhưng chính xác thì điều gì trong chế độ ăn phương Tây là nguyên nhân chính cho điều này: nhiều chất béo, nhiều đạm động vật, nhiều đường, và ít rau, ít các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây? Từ trước đến này, chất béo và protein động vật được coi là những nghi phạm chính, tuy nhiên ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đường là thủ phạm hàng đầu.

Duong: Thu pham chinh gay ra cac benh ve duong ruot

Nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa tiêu thụ nhiều đường và các bệnh như viêm loét đại tràng.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 2 năm 2016 trên tạp chí Bệnh viêm ruột, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ tích cực giữa thói quen ăn uống “nhiều đường” và nguy cơ mắc bệnh viêm loét đại tràng. 

Đường có thể làm hỏng hệ vi sinh vật đường ruột

Đường từ lâu đã nổi tiếng vì có thể gây viêm nhiễm đối với cơ thể và có liên quan đến một số bệnh, bao gồm bệnh tim mạch, béo phì, ung thư và tiểu đường loại 2. Và trong khi bản chất chính xác của mối quan hệ giữa đường và bệnh viêm ruột vẫn còn chưa được sáng tỏ thì có ngày càng nhiều dữ liệu từ các nghiên cứu trên động vật chỉ ra những tác động có hại của đường đối với hệ vi sinh vật đường ruột.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 10 năm 2020 trên tạp chí Khoa học dịch thuật y học - Science Translational Medicine cho thấy những con chuột tiêu thụ 10% dung dịch đường trong một tuần (ít hơn 15% thông thường có trong hầu hết các loại nước ngọt) đã thay đổi đáng kể thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột  theo hướng xấu. Hai loại vi khuẩn phân hủy chất nhầy trở nên phong phú hơn, dẫn đến xói mòn lớp chất nhầy bảo vệ của ruột, trong khi số lượng vi khuẩn “tốt”, như Lactobacillus, giảm đi, tạo tiền đề cho bệnh viêm đại tràng phát triển.

Hasan Zaki, phó giáo sư về bệnh học tại Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas ở Dallas, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết: “Hoa Kỳ là quốc gia có số dân tiêu thụ đường cao nhất trên thế giới. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng lượng đường tiêu thụ cao cũng có thể góp phần làm tăng tỷ lệ bệnh viêm ruột”.

Tiến sĩ Zaki lưu ý rằng sự gia tăng bệnh viêm ruột trong vài thập kỷ qua song song với sự gia tăng tiêu thụ xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao (HFCS), chất tạo ngọt hàng đầu trong nước giải khát và nhiều loại thực phẩm chế biến, kể cả một số loại được coi là “lành mạnh” như sữa chua có đường. HFCS đã có liên quan đến bệnh dịch béo phì và bệnh tiểu đường loại 2.

Trong khi đó, việc sử dụng đường trong chế độ ăn uống dường như là một thủ phạm quan trọng gây ra bệnh viêm ruột, thì việc thiếu một số chất dinh dưỡng cũng có thể là nguyên nhân. Như các nhà nghiên cứu ở châu  Âu đã phát hiện ra, ăn ít rau sẽ làm tăng nguy cơ viêm loét đại tràng ở những người tiêu thụ nhiều đường và nước ngọt.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo không nên bổ sung quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày đối với phụ nữ và 9 muỗng cà phê đối với nam giới. Trong một lon nước ngọt có ga 0,35L chứa gần 8 muỗng cà phê đường, khi nạp vào cơ thể 1 lon sẽ rất dễ vượt quá giới hạn lượng đường cho phép mỗi ngày. 

Vì vậy để có một sức khỏe tốt, hãy cố gắng tránh xa chế độ ăn uống nhiều đường và áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ từ rau củ và các loại hạt.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp