Gai cột sống là một trong những bệnh lý xương khớp phổ biến nhất hiện nay. Hơn nữa, bệnh lý này gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đời sống hàng ngày.
Bệnh gai cột sống không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do gây đau nhức mà nó còn có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không chữa trị kịp thời gây biến chứng. Vì vậy việc phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.
![]() |
Bệnh gai cột sống là gì?
Gai cột sống là một căn bệnh thoái hóa cột sống xảy ra khi các gai xương hình thành tại khu vực giao nhau của các đốt cột sống. Các gai cột sống này là sự phát triển thêm ra của xương tại nơi đầu đốt sống, đĩa sụn, dây chằng quanh khớp do viêm khớp cột sống mạn tính, chấn thương hay sự tích tụ canxi ở các dây chằng, gân tiếp xúc với đốt sống gây ra.
Tùy vào vị trí xuất hiện của gai trên đốt sống mà phân ra thành: Gai cột sống cổ, gai cột sống lưng. Người bệnh gai cột sống nặng không chỉ rất khó chịu vì các cơn đau mà đôi khi còn bị hạn chế vận động. Các gai cột sống cọ vào nhau hay cọ vào các dây thần kinh khiến bạn có thể bị đau vùng thắt lưng, vai, cổ, đau lan xuống cánh tay, chân…
Bệnh gai cột sống tỷ lệ thuận với độ tuổi, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao, đặc biệt là lứa tuổi 40 trở lên, người lao động nặng, dân văn phòng và cả phụ nữ ở tuổi mãn kinh. Đối tượng thường gặp nhiều hơn là nam, nữ giới có nguy cơ ít hơn. Đa số những người trên 60 tuổi thường có những gai xương này mà không biết và chỉ tình cờ tìm ra khi chụp hình X-quang cơ thể.
Đôi khi một người bị gai cột sống nhưng không có biểu hiện gì trong suốt nhiều năm nên không cần phải điều trị.
Triệu chứng của bệnh gai cột sống
![]() |
Bệnh gai cột sống không có những triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, người bệnh cảm thấy đau và thường gặp là đau vai, đau thắt lưng, tay bị tê do gai cọ xát với xương hoặc cọ xát với dây chằng, rễ dây thần kinh. Đau làm hạn chế vận động cổ, vai, thắt lưng. Dần dần, cơ bắp yếu đi, đặc biệt là ở tay và chân. Bệnh nhân có dáng đi vẹo vọ hoặc lưng còng xuống. Một số ít các trường hợp, chèn ép thần kinh nặng gây bí tiểu, táo bón, đại tiểu tiện không tự chủ, bệnh nhân trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Đó là biến chứng nặng cần phải được phát hiện và điều trị nhanh chóng.
Một số biểu hiện gai cột sống như:
- Xuất hiện đau ở cổ, thắt lưng, đặc biệt là khi đứng hoặc đi.
- Cảm giác bất thường hoặc mất cảm giác ở phần cột sống liên quan.
- Có thể bị đau giữa thắt lưng lan tỏa xuống vùng hông và đau dọc xuống hai chân nếu gai cột sống lưng.
- Nếu bị đau vùng cổ, kéo lên đỉnh đầu gây đau buốt nửa đầu, chóng mặt, buồn nôn, nặng thì cơn đau lan xuống vai và cánh tay làm tê tay thì có thể nạn đang bị gai cột sống cổ.
- Cơn đau sẽ giảm đi nếu nghỉ ngơi và hoạt đọng nhje tăng lên khi đi lại hay vận động nhiều và giảm khi nghỉ ngơi.
- Do thần kinh bị chèn ép nên cơ bắp yếu đi, đặc biệt là ở tay và chân.
- Bệnh nhân gai cột sống sẽ mất kiểm soát đường đại tiểu tiện nếu ống tủy bị thu hẹp quá.
- Mất cân bằng cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh gai cột sống
![]() |
Tổn thương khớp do thoái hóa khớp là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các bệnh về xương. Khi viêm xương khớp phá vỡ sụn đệm các đầu xương, cơ thể bạn sẽ cố gắng sửa chữa điều này bằng cách tạo ra các gai xương gần khu vực bị hư hỏng.
Thông thường, gai cột sống hình thành sau khi sụn khớp hoặc dây chằng các đốt sống bị tổn thương do thoái hóa hay chấn thương. Đệm giữa các khớp xương và xương sống của bạn có thể bị mòn theo thời gian làm xương bị tổn thương. Điều này khiến bạn bị gai cột sống. Không chỉ có tình trạng chấn thương, thoái hóa theo thời gian, lao động nặng nhọc, tai nạn mà việc mắc các bệnh như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, lupus, bệnh gout, béo phì hay yếu tố di truyền (đĩa đệm yếu hơn so với người khác) cũng có thể khiến các khớp xương bị hư tổn.
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến gai cột sống:
Viêm khớp cột sống mạn tính: Quá trình viêm ảnh hưởng đến phần sụn đốt sống, lâu ngày phần sụn này bị hao mòn dần, bề mặt trơn láng của sụn trở nên thô ráp và cuối cùng hai bề mặt xương tiếp xúc, cọ xát lên nhau, gây đau. Điều này thúc đẩy cơ thể kích hoạt một quá trình tự điều chỉnh để khắc phục hiện tượng trên. Thế nhưng, kết quả của quá trình chỉnh sửa này lại là sự hình thành gai xương.
Sự tích tụ canxi ở các dây chằng, gân tiếp xúc với đốt sống: Trường hợp này thường gặp trong thoái hóa cột sống ở người lớn tuổi, đó là sự tích tụ canxi dưới dạng calcipyrophosphat. Sự thoái hóa cột sống có thể xảy ra ở xương đốt sống, đĩa sụn, các dây chằng bám quanh khớp. Quá trình thoái hóa làm mất nước (chiếm 80% thành phần tạo nên sụn) và biến đổi một số chất khiến sụn khớp dễ bị canxi hóa dẫn đến gai cột sống.
Chấn thương cột sống: Chấn thương làm hư hại xương hoặc khớp ở cột sống và phản ứng của cơ thể trong quá trình sửa chữa nơi bị tổn thương sẽ dẫn đến sự hình thành gai cột sống. Trong trường hợp này, gai cũng có thể hình thành từ sự tích tụ canxi ở dây chằng đã dày lên do phản ứng viêm.
Điều trị bằng cách nào?
![]() |
Nếu có gai nhưng không gây đau thì không điều trị. Xu hướng điều trị của bệnh gai cột sống là điều trị bảo tồn, và sẽ cắt bỏ gai khi thật cần thiết. Cần phát hiện và điều trị là nguyên nhân gây ra gai cột sống.
Đầu tiên, người bệnh phải nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng, giảm áp lực lên các vùng bị đau. Có thể dùng nẹp cổ, đai lưng... để giảm bớt gánh nặng lên các đốt sống bị bệnh. Bác sĩ sẽ cho dùng thuốc để khống chế đợt đau cấp của bệnh. Thường dùng các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, nhóm giãn cơ, tiêm cạnh cột sống bằng thuốc chống viêm steroid.
Ngoài ra cần điều trị hỗ trợ giúp giảm đau và tăng vận động như mát-xa, châm cứu, vật lý trị liệu. Hồng ngoại, điện xung, điện dẫn thuốc, siêu âm dẫn thuốc thường có kết quả tốt. Sau khi bệnh nhân qua cơn đau cấp cần tập phục hồi chức năng vận động.
Điều trị phẫu thuật là biện pháp cuối cùng khi người bệnh bị đau nghiêm trọng, mạn tính, có chèn ép vào tủy, chèn ép các rễ thần kinh ở cột sống gây nên rối loạn đại tiểu tiện, mất cảm giác, liệt.
Phòng ngừa gai cột sống thế nào?
Trước tiên, bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ canxi, vitamin D, C, K, E, muối khoáng đồng, kẽm mang gan, magie. Tăng cường ăn rau quả, hạn chế chất béo nhất là mỡ động vật. Không hút thuốc. Duy trì trọng lượng cơ thể vừa phải, tránh thừa cân béo phì.
Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các động tác cử động vùng cột sống cổ và vùng cột sống thắt lưng, vận động các phần cột sống về tất cả các hướng. Buổi sáng tiến hành các bài tập thở khoảng 10-15 phút. Tránh hoặc hạn chế các tư thế lao động nguy hiểm, không mang vác nặng. Lao động hợp lý xen kẽ với nghỉ ngơi, dùng ghế ngồi có tựa lưng.
Ánh Dương
Theo tạp chí Sống Khỏe