Hợp tác quảng cáo

Giãn tĩnh mạch- nỗi lo của hầu hết các chị em

7:35 AM | 19/03/2019 -
Khỏe +

Không có những triệu trứng rõ rệt, không quá khó chữa nhưng nếu lơ là bạn có thể gặp nguy hiểm với những mạch máu bất thường quanh cổ chân.

Còn trẻ, lại chưa lập gia đình nhưng dạo gần đây chị Lan- biên tập viên của một công ty truyền thông tại Hà Nội cảm thấy chân mình “hình như có vấn đề”.

Ban đầu, chị Lan chỉ thấy hay bị mỏi chân, đau bắp chân thỉnh thoảng hay bị chuột rút, chị tự cho rằng chắc mình ngồi sai tư thế. Nhưng đến lúc vùng da ở mắt cá chân nổi lên nhiều gân đỏ li ti và bắt đầu bị phù, xuống máu như bà bầu thì chị mới giật mình.

Thêm vào đó là những cơn đau mỏi chân ngày càng gia tăng. Lo lắng, chị Lan đến bệnh viện khám và được chẩn đoán đã mắc bệnh giãn tĩnh mạch mạn tính chi dưới, nếu để lâu hơn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Gian tinh mach- noi lo cua hau het cac chi em

Ảnh minh họa

70% người bị giãn tĩnh mạch là nữ

Ở các nước tiên tiến như châu Âu, Mỹ, bệnh lý tĩnh mạch là bệnh rất thường gặp. Theo các thống kê ở Pháp, bệnh giãn tĩnh mạch mạn tính chiếm đến 1% ở nam giới và 4,5% nữ giới ở tuổi trưởng thành. Trong đó có hơn 70% là nữ và khoảng 35% ở những người đang làm việc.

Giãn tĩnh mạch mạn tính là thuật ngữ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch. Khi máu ứ đọng lại sẽ gây ra các biến đổi về huyết động và biến dưỡng tại vùng mô xung quanh, gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng chân, tê, dị cảm, châm chích kiến bò, chuột rút về đêm. Tuy ít gây ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị, bệnh cũng có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành, giãn trướng tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối...

Giãn tĩnh mạch, theo lý thuyết có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể, kể cả ở tay. Nhưng trên thực tế phần lớn các trường hợp mắc phải đều xảy ra ở chi dưới do hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài hơn, phức tạp và chịu ảnh hưởng của trọng lực khi người bệnh phải đứng nhiều.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới cũng thường không rõ ràng và có vẻ như vô hại khiến cho người bệnh rất dễ lơ là và bỏ qua. Một số trường hợp nhầm lẫn với các bệnh lý về xương khớp và đi điều trị ở các thầy thuốc về chuyên khoa xương khớp trong một thời gian dài.

Chưa xác định nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch

Xuất hiện trên thế giới từ lâu nhưng cho đến nay, người ta mới chỉ xác định được những yếu tố nguy cơ có liên quan mật thiết tới bệnh chứ chưa khẳng định một cách rõ ràng nguyên nhân gây ra bệnh. Di truyền là mẫu số chung cho những bệnh nhân này, nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh thì tỉ lệ mắc bệnh ở đời sau tương đối cao, nguyên nhân do những thay đổi về enzyme trong mô liên kết.

- Thống kê cho thấy, nữ thường bị nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp.

- Tăng trọng quá mức cũng là một yếu tố nguy cơ vì lực tác động từ phía trước để hút máu về bị giảm và các dòng trào ngược ly tâm phát sinh do gia tăng áp lực từ ổ bụng.

- Phẫu thuật có thể gây ra biến chứng huyết khối tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch nhất là những phẫu thuật vùng tiểu khung như phẫu thuật trong sản khoa và niệu khoa; các thủ thuật khác như bó bột, bất động lâu trong gãy xương... Tuy nhiên gần đây các yếu tố nguy cơ này đã bớt nguy hiểm.

- Những bệnh phát sinh từ chế độ ăn kiêng nhiều chất bột, ít chất xơ hay bị táo bón cũng rất dễ bị giãn tĩnh mạch.

Đặc biệt, đối tượng rất dễ bị giãn tĩnh mạch là phụ nữ mang thai. Ngay sau khi sinh có thể những biểu hiện này sẽ biến mất. Tuy nhiên, sau khi sinh từ 3-5 năm, phần lớn phụ nữ bắt đầu có những triệu chứng sớm của giãn tĩnh mạch.

Không nên nóng vội khi điều trị giãn tĩnh mạch

Trong điều trị, việc phát hiện bệnh sớm là rất cần thiết để có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh thường bỏ qua các dấu hiệu nên thường chỉ chữa trị khi bệnh đã nặng.

Việc điều trị thường bắt đầu bằng việc thay đổi lối sống và chế độ làm việc tránh đứng nhiều, ăn các loại thực phẩm có nhiều chất xơ và vitamin... Đồng thời kết hợp với việc sử dụng thuốc làm bền thành mạch, chống phù, chống đông máu trong lòng tĩnh mạch như: Venosan, Daplon, Ginkofort... Các loại vỡ tĩnh mạch, nặng hơn nữa bệnh nhân có thể được điều trị bằng các phương pháp ngoại khoa như: phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch bị giảm, sử dụng laser để hủy các tĩnh mạch bị giảm, chích các loại thuốc làm xơ tĩnh mạch...

Cần lưu ý, giãn tĩnh mạch là bệnh mạn tính, thành công của việc điều trị bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất ngoài việc chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả mà còn phụ thuộc vào việc hiểu biết và tuân thủ quy trình điều trị của bệnh nhân.

Nếu không kiên trì điều trị, theo dõi tái khám thường xuyên, khả năng tái mắc bệnh sẽ rất cao. Các chuyên gia về tĩnh mạch học trên thế giới cho biết, khả năng tái phát của bệnh có thể lên đến trên 30%.

 Những dấu hiệu cảnh báo giãn tĩnh mạch

- Nặng chân, mỏi chân sau vài giờ ngồi hay đứng yên.

- Cảm giác tê chân sau khoảng nửa giờ đi bộ.

- Chuột rút trong đêm.

- Chân ngủ không yên nên dễ đạp người bên cạnh.

- Nóng rát dưới lòng bàn chân dù ngồi trong phòng lạnh.

- Sưng cổ chân buổi sáng sớm gây khó khăn khi đi giày.

- Có dấu hằn của giày trên bàn chân dù giày không chật.

 Hải Yến

 

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo