"Âm nhạc là nhà hòa giải giữa cuộc sống thể xác và cuộc sống tâm linh" - Beethoven
Trong giới thể thao, mọi người vẫn truyền tai nhau câu chuyện vận động viên maraton Haile Gebrselassie người Ethiopia đã dành được huy chương vàng Olympic Sydney 2000 có một phần nhờ sự trợ giúp từ âm nhạc. Vì mỗi khi tập luyện hay thi đấu, anh ta đều yêu cầu được nghe bản nhạc Scatman. Phải chăng Scatman là loại ma túy được “chính danh định phận” giúp Haile Gebrselassie đi đến thành công?
Ảnh minh họa |
Nhạc lý trị liệu có từ khi nào?
Liệu pháp âm nhạc được xem là phương pháp chữa bệnh độc đáo hiện đại của thế kỷ 20 khi mà phân tâm học và tâm lý trị liệu phát triển. Nhưng thực chất trong nhiều tài liệu xưa cũ hơn người ta đã thấy được nét sơ khai của liệu pháp này.
Trước công nguyên, các nhà triết học Hy Lạp như Pythagoras Asistole và Platon đã đề cao sự ảnh hưởng của âm nhạc tới con người. Họ cho rằng âm nhạc là nhân tố chủ chốt tổ chức cuộc sống này nên họ cùng nhau ca hát các bài ca ngợi thần Apollo để chữa bệnh thể xác lẫn tinh thần.
Lợi ích khi nghe nhạc Hiệp hội Âm nhạc Trị liệu Mỹ (AMTA) cho biết, âm nhạc thường được sử dụng trong điều trị các bệnh nhân có rối loạn tâm thần, vấn đề liên quan đến lão hóa, bệnh Alzheimer, các tổn thương não bộ, khuyết tật thể chất và các cơn đau... Cơ chế chữa bệnh của âm nhạc là chúng tác động đến người nghe bằng giai điệu, ca từ, tần số khiến người nghe bộc lộ cảm xúc, khống chế và giảm căng thẳng, tăng hưng phấn, tăng cường miễn dịch… Về cơ bản, các bệnh nhân khoa tâm thần thu được nhiều lợi ích nhất từ phương pháp trị bệnh này. |
Ở phương Đông, Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng ngũ âm (cung, thương, giốc, chủy, vũ) trong âm nhạc ứng với ngũ tạng trong cơ thể người (tỳ, phổi, gan, tim, thận). Mỗi âm thanh khác nhau tác động đến các tạng khác nhau giúp điều chỉnh chức năng từng bộ phận. Còn ở Việt Nam, trong lịch sử ca trù, dân gian lưu truyền rằng tiếng đàn, tiếng hát của ông tổ Đinh Lê (thế kỷ 15) có thể giải được sầu uất, chữa được bệnh nan y, đau nhức…
Nhưng những điều đó đã gần như bị quên lãng trong thời gian dài và chúng chỉ sống lại trong thời Đại chiến. Thực tế, trong Đại chiến I, II đã cho thấy các binh lính, thương nhân doanh trại nào được nhạc sỹ, ca sỹ đến biểu diễn phục vụ thường xuyên sẽ có tinh thần và ý chí sống cao hơn những doanh trại ít được phục vụ âm nhạc hơn. Chính vì thế năm 1944, âm nhạc trị liệu được chính thức coi là phương pháp điều trị trong y khoa và ứng dụng đầu tiên tại Đại học Michigan (Mỹ). Nhưng tiếc thay, phương pháp ứng dụng âm nhạc trong điều trị này chỉ dừng lại ở đây và chưa được nhân rộng.
Mãi đến những năm 1990, phương pháp nhạc lý trị liệu này mới được các nhà khoa học thế giới đầu tư nghiên cứu một cách công phu. Gần đây, trường Đại học Brunel (Anh) đã tiến hành cuộc nghiên cứu trên 7.000 người tham gia chạy maraton với âm nhạc. Nghiên cứu đã cho thấy tác động tích cực của âm nhạc đến chất lượng bài tập và sức khỏe người tham gia khi chúng giúp người chạy tăng khả năng vận động và sức chịu đựng dẻo dai hơn, tinh thần phấn chấn hơn…
Không phải đến ngày nay mà trước đây, nhiều nghiên cứu về sự ảnh hưởng của âm nhạc đến sức khỏe người đã được tiến hành. Chúng đã chỉ ra rằng nếu chọn được dòng nhạc thích hợp cho mình, nhạc sẽ giúp mọi người điều hòa được nhịp tim, tránh các cơn đột quỵ và âm nhạc còn có khả năng điều dưỡng giúp bệnh nhân sớm bình phục.
Như vậy rõ ràng âm nhạc có tác động tích cực đến thể chất. Vì vậy mà âm nhạc đã chính thức được đưa vào phác đồ trị liệu trong y học hiện đại. Tại một số bệnh viện tâm thần của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, bạn có thể bắt gặp hình ảnh các bệnh nhân ngồi trong căn phòng tràn ngập những giai điệu du dương từ những bản nhạc kinh điển. Đó chính là một buổi trị liệu có kiểm tra, hướng dẫn của bác sĩ và “thuốc uống” chính là các bản nhạc.
Ảnh minh họa |
Những ứng dụng ở Việt Nam
Tại Việt Nam, nhạc lý trị liệu vẫn còn là phương pháp mới mẻ. Giáo sư bác sỹ Nguyễn Văn Thọ (Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 2) được xem là người áp dụng một cách bài bản đầu tiên liệu pháp này ở Việt Nam vào những năm 2000. Thực chất đó là một dạng liệu pháp tâm lý đang ứng dụng rộng rãi trong y học hiện đại. Theo bác sĩ Thọ, âm nhạc trị liệu hiện nay có hai hình thức:
1. Tích cực chủ động: bằng cách để bệnh nhân hát, di chuyển theo tiếng nhạc, viết bài hát, chơi nhạc cụ.
2. Tiếp thụ GIM (Guided Imagery and Music): bằng cách nghe cảm nhận và tưởng tượng.
Trong đó thì hình thức tiếp thụ GIM phổ biến nhất hiện nay. GIM lựa chọn các bản nhạc kinh điển của Beethoven, Mozart, Rachmaninov... Bệnh nhân được nằm trong không gian yên tĩnh thư giãn. Âm nhạc được bật lên, bệnh nhân được bác sĩ khuyến khích nói về những gì mình tưởng tưởng ra.
Bác sĩ lợi dụng những khoảng lặng của bản nhạc để đặt câu hỏi cho người bệnh như: Bạn thấy mình ở đâu?; Bạn bị thu hút bởi điều gì?... Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân đi sâu vào trải nghiệm và họ trò chuyện cùng nhau. Thời gian cho một buổi trị liệu khoảng 45-60 phút.
Phương pháp này giúp bệnh nhân nâng cao cảm xúc chữa trị chứng lo âu, trầm cảm, sang chấn tinh thần, hoảng sợ vì bị xâm hại… Hiện nay, các bệnh viện như: Viện Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), Bệnh viện Tâm thần Trưng ương 2… đều đã có ứng dụng liệu pháp này.
Chọn nhạc mà nghe
Nên chọn thời gian và không gian nghe cho từng loại nhạc.
- Buổi sáng nên nghe những bản nhạc vui nhộn, tươi mới để “tăng lực” cho não bộ, khởi động một ngày sảng khoái.
- Khi thấy đau nhức hãy nghe nhạc jazz.
- Khi vướng mắc công việc hãy nghe nhạc rock and roll để kích thích tìm hướng giải quyết.
- Lúc cần kích thích não bộ hãy nghe bản nhạc cổ điển.
- Buổi tối nên nghe bản nhạc tiết chấu chậm chạp để chuẩn bị giấc ngủ.
Vụ án “Bản nhạc ma mị” Nhạc sỹ người Hungary, Rezso Seress sáng tác bài Szomoru Vasarnap (Gloomy Sunday) vào năm 1932 trong lúc thất tình. Khi được phát hành, bài nhạc có giai điệu và ca từ buồn thảm đã khiến hàng trăm người nghe tìm đến cái chết bằng cách tự tử. Khắp thế giới, liên tiếp có bài tường trình về những cái chết liên quan đến bài hát này. Ca sỹ chết trong lúc hát. Người ta chết trong lúc nghe… Làn sóng tự tử sau khi nghe Gloomy Sunday tràn sang các nước Anh, Mỹ… khiến nhiều quốc gia đã phát đơn kiện tác giả, cấm phát hành. Bài hát đã đem lại nhiều vụ tự tử đến nỗi các nhạc sĩ không dám chơi bài ấy, ca sỹ cũng sợ không dám hát... Khi Thế chiến 2 bùng nổ, người ta mới bắt đầu quên đi bài hát ấy u buồn và ám ảnh ấy. Vào thời điểm này Cơ Quan Truyền Thông Anh Quốc quyết định nới lỏng lệnh cấm bài hát. Đài BBC cho phát thanh "Gloomy Sunday" trên làn sóng điện, nhưng bấy giờ bài nhạc chỉ còn là một hợp tấu khúc (orchestral piece). Từ ấy bài hát được sửa lại theo lối hoà âm hợp khúc nàỵ… Về sau, để giải thích cho hiện tượng tự tử bí hiểm từ bài nhạc này, các chuyên gia tâm lý học cho rằng, thực chất bản nhạc ấy không phải là lời nguyền như truyền tụng. Nó chỉ là giọt nước tràn ly! Khi xã hội Âu, Mỹ khủng hoảng, ý chí sinh tồn của con người vì thế cũng giảm, nên khi nghe bản nhạc buồn da diết này họ cang thêm chán sống. |
Đức Thành
Theo tạp chí Sống Khỏe