Một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường là tổn thương về võng mạc khiến mắt mờ dần một cách đầy… đáng tiếc.
Bị bệnh muôn phần là do tâm lý
Rất nhiều người đang chờ đến lượt khám bệnh tại Bệnh viện Mắt TW, Hà Nội. Bà Trần Thị Huế, 60 tuổi, ở Trung Tự (Hà Nội) rưng rưng nước mắt kể, đây không phải lần đầu bà đến đây, căn bệnh của bà được các bác sĩ kết luận là võng mạc bị tổn thương, do biến chứng của bệnh tiểu đường.
“Tôi bị tiểu đường từ hơn 10 năm nay, hai năm nay gần đây, thấy mắt mờ dần, tôi đã đến khám chuyên khoa mắt. Các bác sĩ điều trị cho tôi bằng laser, nhưng gần một tháng trôi qua, mắt tôi lại tái phát, không thể làm được nhiều việc như trước đây. Lần này, bác sĩ tiếp tục trị bằng laser với hy vọng mắt sáng trở lại”, bà Huế nói.
Theo bác sĩ Trần An (Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TW, Hà Nội): Bà Huế là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân do chủ quan, phó mặc khi có những lời cảnh báo của bác sĩ. Hàng nghìn bệnh nhân đến Bệnh viên Mắt TW trong tình trạng mắt đang ở giai đoạn mờ dần, nên việc chữa trị của các bác sĩ phần nào gặp khó khăn.
Ở giai đoạn nặng như bà Huế, các bác sĩ sẽ tiến hành bắn tia laser để ngăn chặn tác động không tốt do bệnh tiểu đường gây ra, sau đó tiếp tục tiêm tiêm avastin trực tiếp vào mắt để giúp duy trì được thị lực.
Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ số người mắc bệnh võng mạc đái tháo đường, nhưng thực tế cho thấy số bác sĩ trong các bệnh viện chữa căn bệnh “tai quái” võng mạc tiểu đường còn quá ít so với số bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện này, và đang ngày càng gia tăng qua các năm.
Nguyên nhân chính theo bác sĩ Trần An là do tâm lý chủ quan. Khi mắc bệnh tiểu đường, các bệnh nhân chủ yếu điều trị tại khoa nội tiết, chỉ đến khi thấy mắt mờ, suy giảm thị lực mới bắt đầu tìm đến khoa mắt, lúc này thực tế thị lực đã giảm rồi.
Người tiểu đường bên cạnh chế độ ăn uống và luyện tập, còn phải có tư tưởng lạc quan, yêu đời thì bệnh tình mới ổn định và giảm bớt. |
Tiểu đường và nguy cơ mù lòa
Khi mắc bệnh tiểu đường, đường huyết và huyết áp của người mắc bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt trong một thời gian dài khiến các mạch máu nhỏ ở võng mạc bị tổn thương, lượng protein trong máu tăng. Bên cạnh đó, sự thay đổi của tĩnh mạch làm cho thành mạch dày và giòn hơn nên dễ vỡ, giảm chức năng cung cấp máu cho võng mạc.
Chính sự thay đổi này, mạch máu ở võng mạc bị bít lại, tạo ra vùng thiếu ôxy, khiến cơ thể tự bảo vệ bằng mạch máu mới. Do đó để có máu cung cấp nuôi võng mạc, nhiều mạch máu mới xuất hiện, nhưng là mạch máu yếu. Vì thế, khi mạch máu này vỡ ra, máu thoát vào thủy dịch ngăn cản ánh sáng đến võng mạc. Từ đó, người bệnh nhìn mọi vật xung quanh mờ dần, các đốm trước mắt hay triệu chứng “ruồi bay”.
Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mùa lòa cao gấp 20 lần so với những người không mắc bệnh. |
Tổn thương này thường kéo dài nhiều năm. Bên cạnh đó, còn một số dấu hiệu khác như: Dao động tầm nhìn, tối hoặc trống rỗng khu vực tầm nhìn, nhìn đêm kém, nhìn màu sắc kém.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mù gấp hơn 20 lần so với người không mắc căn bệnh này. Những bệnh nhân sau 10 năm mắc căn bệnh đái tháo đường có biến chứng về võng mạc cao nhất. Sau đó nếu không chữa trị, thời gian kéo dài, bệnh nhân có dấu hiệu về mắt nặng hơn.
Các nghiên cứu mới đây cũng cho thấy, tiểu đường là nguyên nhân chính (chiếm tới hơn 80%) gây ra bệnh mù lòa ở tuổi 20-65. Do đó, khi có dấu hiệu cần điều trị sớm để ngăn chặn tác hại.
Bác sĩ Trần An cảnh báo, điểm khác lạ của căn bệnh võng mạc tiểu đường này là thường không có triệu chứng, còn nếu có triệu chứng thì khi đó dấu hiệu tổn thương đáy mắt quá rõ rệt. Lúc này phải soi đáy mắt mới phát hiện được, nhiều khi phải chụp võng mạc bằng chất cản quang mới quan sát được hết tổn thương.
Hiện nay, ở một số nước phát triển như Mỹ, Nhật với hệ thống kĩ thuật hiện đại phát hiện các tổn thương của bệnh rất tốt, từ đó việc kiểm soát điều trị bệnh võng mạc tiểu đường tốt hơn.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có điều kiện tốt về cơ sở hạ tầng, các thiết bị nhập khẩu để truyền tải hình ảnh về bệnh võng mạc tiểu đường rất đắt, do đó, số lượng người mắc bệnh võng mạc đái táo đường ngày càng tăng. Các bệnh nhân mắc bệnh chỉ được theo dõi, quản lý tại trung tâm nội khoa.
Nguyên nhân một phần do tâm lý bệnh nhân, khi thấy biểu hiện rõ ràng của bệnh mới bắt đầu chạy chữa nên việc chữa trị nhiều khi không còn kịp. Đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa có loại thuốc nhỏ mắt nào hay viên thuốc nào điều trị có hiệu quả biến chứng võng mạc do tiểu đường gây ra.
Bác sĩ đưa ra lời khuyên, nếu bạn đã bị bệnh tieur đường thì nên giữ đường huyết và huyết áp ổn định, nên đi khám mắt 1 năm một lần hoặc theo chỉ dẫn của các bác sĩ. Trường hợp có thai nên khám nhãn khoa 3 tháng 1 lần. Khi có dấu hiệu như: nhìn mờ, triệu chứng ruồi bay trước mắt, hay nhìn bị chói, ấn nhẹ vào mắt cảm giác đau, giảm thị lực đột ngột thì nên đi khám tại trung tâm bảo vệ mắt.
Bạn nên biết Các tổn thương của bệnh võng mạc tiểu đường chia thành: bệnh võng mạc tiểu đường sớm và tăng sinh. - Bệnh võng mạc tiểu đường sớm là loại phổ biến nhất của bệnh võng mạc đái tháo đường. Khi mắc bệnh này, các bức thành của ác mạch máu ở võng mạc suy yếu, chỗ phình ra tuy nhỏ nhô ra từ các thành mạch, đôi khi bị rò rỉ, hoặc chảy chất lỏng và máu vào võng mạc. Sợi thần kinh trong võng mạc có thể bắt đầu sưng lên. Đôi khi phần trung tâm của võng mạc bắt đầu sưng lên, được gọi là phù nề điểm vàng. Bệnh nhân mắc bệnh này có thể không cần điều trị ngay. Tuy nhiên, bác sĩ mắt sẽ theo dõi chặt chẽ mắt để xác định xem khi nào cần điều trị. - Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh là loại nặng nhất của bệnh võng mạc đái tháo đường. Khi đã mắc bệnh này, các mạch máu bất thường phát triển trong võng mạc. Đôi khi các mạch máu mới phát triển hoặc bị rò rỉ chất jelly rõ ràng, trung tâm của mắt có chất trong như pha lê. Cuối cùng, mô sẹo kích thích bởi sự tăng trưởng của các mạch máu mới. Phương pháp điều trị tốt nhất là bằng laser. |
Thu Hương
Bài viết có sự tư vấn và trả lời của TS, BS. Trần An
Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TW, Hà Nội
Theo tạp chí Sống Khỏe