(SKGĐ) Rối loạn tuần hoàn não có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi, thậm chí có cả trẻ em. Các biến chứng của nó gây ra những hậu quả rất nặng nề đối với sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
PGS.TS. Thầy thuốc ưu tú Ngô Đăng Tkục |
SKGĐ đã có một cuộc trao đổi với PGS.TS. Thầy thuốc ưu tú Ngô Đăng Tkục (BS CK.II Nội thần kinh- Khoa Thần Kinh- Bệnh viện Bạch Mai; Hội viên Hội Thần kinh Đông Nam Á; Thành viên Tổ chức Nghiên cứu Não Quốc tế) về vấn đề này.
Xin bác sĩ cho biết rối loạn tuần hoàn não (RLTHN) là gì?
RLTHN hay còn gọi là thiểu năng tuần hoàn não là những bất thường trong việc cấp máu cho não. Nếu ở thể nhẹ sẽ gây ra rối loạn chức năng của não. Nếu nặng thì sẽ dẫn đến đột quỵ với 2 dạng là nhồi máu não và chảy máu não. Khi bị nặng cấp tính sẽ gây ra tử vong cho người bệnh. Trường hợp bệnh nhân được cứu sống thì cũng mắc phải những di chứng nặng nề về sau như liệt nửa người… ở các mức độ khác nhau.
RLTHN có những biểu hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
- Rối loạn tuần hoàn não có nhiều biểu hiện khác nhau. Người bệnh có thể bị đau đau đầu, chóng mặt, hoa mắt theo từng lúc từng cơn rồi mất đi, mất thăng bằng (khó ngồi, khó đứng dậy), nhất là lúc đang nằm mà thay đổi tư thế (nằm nghiêng chuyển sang nằm ngửa). Những triệu chứng này thường tái đi tái lại nhiều lần.
- Cảm giác mệt mỏi, mỏi chân tay ở một bên người; nhiều người bệnh có cảm giác tê bì ở tay chân, đôi khi có cảm giác bị giật ở tay, chân.
- Có thể bị rối loạn trí nhớ, trí nhớ giảm sút, độ tập trung kém và hay quên như đi dạo trên phố rồi quên đường về nhà, quên các vật dụng cá nhân hay gặp người quen mà không thể nào nhớ được tên của họ.
- Một biểu hiện khác của RLTHN là rối loạn cảm xúc: buồn bực, dễ sinh cáu gắt, mức độ kiềm chế cảm xúc kém, buồn vui lẫn lộn. Tình trạng mất ngủ kéo dài hoặc rối loạn giấc ngủ (ngủ ít, ngủ không ngon giấc, đang ngủ lại bị tỉnh giấc không thể nào ngủ lại được nữa…).
- Biến chứng nặng nhất của RLTHN là đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, đây là một dạng RLTHN cấp tính. Thường có biểu hiện trước tiên là đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, méo miệng, liệt chi, dần dần đi vào hôn mê, đại tiểu tiện không tự chủ nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời.
Vậy bác si cho biết những nguyên nhân dẫn đến RLTHN?
- Một số bệnh về hệ tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol, tăng mỡ máu, hẹp lòng động mạch do bẩm sinh hay do chèn ép (u não, xơ vữa động mạch não...), thoái hoá các đốt sống cổ gây chèn ép hệ thống động mạch thân nền hoặc do cục máu trong lòng động mạch đi đến làm tắc nghẽn động mạch não… đóng vai trò rất lớn trong việc đưa đến bệnh RLTHN.
- Các yếu tố về tâm lý cũng tác động rất nhiều gây lên RLTHN như stress, căng thẳng trong công việc, những bất hòa trong đời sống gia đình và các vấn đề xã hội.
Sự thay đổi môi trường, thời tiết, khí hậu như gặp lạnh đột ngột… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.
- Đối với người trẻ, RLTHN có nguyên nhân từ rối loạn thần kinh thực vật. Đặc biệt là phụ nữ với vấn đề kinh nguyệt hàng tháng gây ra những tác động nhất thời dẫn đến RLTHN (3/4 phụ nữ thường bị đau đầu).
- Đối với người già, RLTHN có liên quan đến bệnh cao huyết áp và xơ vữa động mạch làm cho mạch máu não bị xơ vữa, độ mềm mại của thành mạch kém đi gây ra RLTHN.
RLTHN có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh?
RLTHN gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh ở cả mặt trí tuệ và thể chất. Trước hết là sự suy giảm trí nhớ, tính khí thất thường, dễ nổi cáu và khó tập trung khi làm việc gì đó...
RLTHN cũng làm cho sức khỏe người bệnh suy yếu, tạo điều kiện để các bệnh tật khác phát sinh. Ví như bị đột quỵ là biến chứng nặng của RLTHN. Người bị đột quỵ có thể bị di chứng nặng nề tùy theo vùng não bị tổn thương nặng hay nhẹ, chẳng hạn như di chứng vận động, giảm hoặc mất trí tuệ (liệt nửa người, nói ngọng, co cứng, trầm cảm...) thậm chí có thể tử vong.
Bác sĩ có thể cho biết phương pháp điều trị với người mắc bệnh RLTHN?
RLTHN rất khó để điều trị dứt điểm, nó liên quan đến độ vững bền của hệ thần kinh thực vật (dễ mất thăng bằng).
- Trước hết cần xác định các nguyên nhân gây ra RLTHN (như cao huyết áp, mỡ máu, bệnh lý gây rối loạn thực thể… và những nguyên nhân có thể thấy được).
- Trong điều trị để lấy lại thăng bằng của tuần hoàn não, ngoài việc sử dụng các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não, người bệnh cần có tâm lý tốt và chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý.
- Cần tạo môi trường sống thoải mái: tránh những xung đột trong, sống vị tha, bao dung, tránh stress…
Vậy làm thế nào để phòng bệnh RLTHN, thưa bác sĩ?
- Trong cuộc sống hàng ngày cần tạo môi trường sống thân thiện, gần gũi với thiên nhiên và hài hòa các mối quan hệ. Bên cạnh đó nên có chế độ ăn uống hợp lý (ăn nhiều rau, quả, cá; hạn chế ăn nhiều thịt và không nên ăn mỡ động vật).
- Hạn chế đến mức tối đa uống rượu, bia. Nên bỏ thuốc lá hoặc thuốc lào. Tập thể dục đều đặn để ngăn ngừa một số bệnh như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thừa cân vì các bệnh này gián tiếp làm xuất hiện bệnh RLTHN.
- Người cao tuổi không nên tắm nước lạnh khi mới đi ngoài trời nắng về. Về mùa lạnh, cần giữ cho cơ thể được ấm, nơi nằm ngủ tránh gió lùa. Mùa đông mỗi lúc thức dậy, nhất là lúc nửa đêm và gần sáng cần nằm tĩnh dưỡng một lúc mới ngồi dậy, tránh lạnh đột ngột.
- Khi nghi ngờ bị RLTHN, người bệnh cần đi khám sức khỏe kịp thời, những người có nguy cơ cần được đi thăm khám sức khỏe định kỳ. Điều này không chỉ phát hiện và điều trị sớm RLTHN mà còn nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Khuyến cáo Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO) khuyến nghị 6 hành động sau mà những người có nguy cơ bị đột quỵ hay đã từng bị đột quỵ nên làm: - Biết các yếu tố nguy cơ cá nhân của bạn: cao huyết áp, đái thóa đường, và cholesterol trong máu cao. - Vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên. - Tránh béo phì bằng cách giữ một chế độ ăn uống lành mạnh. - Hạn chế uống rượu. - Tránh hút thuốc là và tránh cả khói thuốc lá. - Tìm hiểu để nhận ra những dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ và làm thế nào để hành động. |
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)