Theo hình ảnh chụp X-quang, tổn thương để lại trên phổi của bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng hơn hẳn so với phổi của những người nghiện thuốc lá.
Những hình ảnh này mới được công bố bởi Tiến sĩ Brittany Bankhead-Kendall (trợ lý giáo sư tại Trung tâm Khoa học Y tế trực thuộc Đại học Công nghệ Texas, Mỹ), người đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 từ khi đại dịch xảy ra vào năm ngoái.
Sự so sánh này được đưa ra với 3 hình ảnh. Hình ảnh đầu tiên là phổi của người khỏe mạnh bình thường, ảnh thứ 2 là phổi của người hút thuốc và cuối cùng là phổi của bệnh nhân COVID-19. Ảnh đầu tiên lá phổi sẫm màu và không có vết tích lạ, ảnh thứ 2 có sẹo, còn phổi của ảnh thứ 3 lại mờ đục vì chất nhầy.
Các bác sĩ đã từng cảnh báo về tác động của “COVID-19 kéo dài” với các triệu chứng mà người mắc COVID-19 mắc phải dù đã khỏi bệnh một thời gian dài, bao gồm các dấu hiệu như mệt mỏi, khó thở, tim đập mạnh, đau khớp, đau cơ và cả “não sương mù”.
Ảnh chụp lá phối của người khỏe mạnh. |
Ảnh chụp lá phổi của người nghiện thuốc lá. |
Ảnh chụp phổi của bệnh nhân COVID-19. |
Theo Tiến sĩ Bankhead-Kendall, những bệnh nhân COVID-19 mà cô điều trị đa số những người trải qua các triệu chứng trên đều bị tổn thương phổi nặng nề. Thậm chí, những người không có triệu chứng này cũng có thể mắc các tình trạng tương tự. Có người cảm giác ban đầu vẫn ổn nhưng qua chụp X-quang phổi thì lại chứng minh điều ngược lại.
Cách thức virus SARS-CoV-2 tấn công phổi
Các dữ liệu nghiên cứu đều cho thấy, bệnh nhân mắc COVID-19 dễ gặp các biến chứng nguy hiểm và phổ biến nhất là viêm phổi. Số liệu cho thấy, 99 người đầu tiên bị viêm phổi nặng do nhiễm COVID-19 thì có đến 3/4 là viêm cả hai lá phổi. Khoảng 14% trong số đó có lá phổi bị tổn hại do hệ miễn dịch gây ra, 11% bị suy đa tạng do nhiễm trùng huyết, còn một số khác có nguy cơ biến chứng trong thời gian điều trị tại bệnh viện như bội nhiễm vi khuẩn.
Virus gây bệnh COVID-19 tấn công phổi qua 3 giai đoạn: Trong những ngày đầu mới nhiễm, virus tấn công dồn dập tế bào phổi, chủ yếu là lớp tế bào bảo vệ lông mao, sau đó làm bong tróc lớp bảo vệ này. Khi đã mất đi lớp bảo vệ, đường hô hấp sẽ bị chất bẩn, dịch lỏng và virus tràn ngập.
Cách thức tấn công của virus SARS-CoV-2 khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 bị viêm cả 2 lá phổi. Sau giai đoạn 1, nếu hệ miễn dịch của người bệnh đủ khỏe thì bệnh nhân có cơ hội hồi phục cao. Sang giai đoạn 3, tổn thương phổi nặng tiếp tục lan rộng dẫn tới suy hô hấp cấp tính với các tình trạng như thở nhanh, khó thở, tím tái… Với những bệnh nhân vào giai đoạn 3 này, kể cả khi bệnh nhân hồi phục, phổi sẽ bị tổn thương nặng và không thể phục hồi.
Các nghiên cứu hiện nay đều cho thấy, khi một người đã bình phục sau COVID-19, quá trình phục hồi phổi không phải lúc nào cũng có thể xảy ra. Virus gây bệnh COVID-19 không chỉ phá hủy tế bào trong túi khí mà còn làm suy yếu các tế bào còn lại.
Các chuyên gia nhận định, phổi những người bình phục sau khi nhiễm COVID-19 có thể trở lại "như bình thường" sau 6 tháng nhưng để hồi phục được hoàn toàn thì có thể phải mát đến 15 năm.
Ở những người bị tổn thương phổi nặng, chức năng phổi giảm đi khoảng 20-30%. Vì vậy, bệnh nhân sau khi xuất viện nên áp dụng các bài tập cho phổi tăng cường thở đồng thời tốt cả cho hệ tim mạch để cơ thể hồi phục dần dần.
Xem thêm: Mùa đột quỵ lại sắp đến, cần thực hiện ngay 10 lưu ý quan trọng này
Phong Vũ
Theo Người đưa tin