Một số tư thế trong yoga có thể kích thích tuyến tuỵ sản sinh ra insulin, giúp kiểm soát lượng đường trong máu bệnh nhân tiểu đường.
Yoga không chỉ đem lại sức khoẻ dẻo dai về mặt thể chất cho con người mà còn có khả năng điều khiển những yếu tố bên trong của cơ thể. Nhiều chuyên gia đánh giá, yoga có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 thông qua một số tư thế giúp cơ thể sản sinh ra insulin, kiểm soát đường trong máu hiệu quả.
Hỗ trợ điều trị tiểu đường với tư thế Vajrasana
Vajrasana là một tư thế giúp kích thích hoạt động của dạ dày bạn. Theo đó, có thể kích thích tuyến tuỵ hoạt động và sản sinh ra insulin.
Để thực hiện phương pháp này, bạn hãy:
- Ngồi thẳng và gập hai chân về phía sau sao cho hai gót chạm hông. Để hai bàn tay lên đầu gối, thẳng lưng và cổ.
- Hít thật sâu cho bụng phình to. Thở ra từ từ cho đến khi bụng lép. Trong lúc thở ra, hãy đẩy hết hơi để bụng lép và cúi cong người về phía trước. Hít vào thì trở lại tư thế ngồi thẳng đứng.
- Động tác này sẽ nên tập từ 10-15 lần cho người mới bắt đầu.
Hỗ trợ điều trị tiểu đường với tư thế Kapalbhati
Tư thế này cũng kích thích sự hoạt động của dạ dày và tuyến tuỵ như tư thế Vajrasana.
Thực hiện động tác:
- Ngồi vắt chéo hai chân (xếp bằng), lưng thẳng đồng thời tay để thả lỏng, đặt lên hai đầu gối.
- Thở mạnh, đẩy không khí qua mũi sao cho trong bụng hết khí. Lúc này bụng sẽ lép và ép sát vào phía cột sống. Sau đó để tự cơ thể hít khí vào mà không cần bất cứ nỗ lực nào.
- Khi mũi đã tự động hít khí vào, tiếp tục thở mạnh ra, ép lép bụng một lần nữa, rồi tự động hít vào. Tiếp tục như vậy khoảng từ 20-25 nhịp thở (1 lần). Giữ nguyên tư thế và thực hiện 10 lần sẽ có kết quả.
Hỗ trợ điều trị tiểu đường với tư thế Sarvangasana
Tư thế này giúp lưu thông máu toàn bộ cơ thể, đặc biệt hơn là giúp chuyển hoá lượng đường trong máu thông qua khả năng tiêu thụ năng lượng hiệu quả.
Để thực hiện nó, bạn cần:
- Nằm ngửa trên sàn nhà, thả lỏng cơ thể, hai bàn tay để song song bên thân. Tiếp theo, hãy thở ra đồng thời nâng hai chân bạn từ từ lên khỏi mặt sàn một góc khoảng 60 độ. Trong lúc đưa chân lên, hãy cố gắng hít vào.
- Tiếp tục nâng hông và chân của bạn thẳng đứng sao cho chân bạn tạo ra một góc 90 độ so với sàn nhà.
- Giữ tư thế này sao cho bạn cảm thấy thoải mái trong khi hít thở chậm và sâu thông qua bụng.
- Để trở lại tư thế ban đầu, uốn cong đầu gối của bạn và đặt lòng bàn tay của bạn trên sàn nhà. Dần dần hạ đường cong cột sống, đưa cơ thể xuống thảm. Khi toàn bộ lưng chạm sàn, đầu gối thẳng, hít một hơi thở sâu và từ từ hạ chân xuống đất trong khi thở ra.
T.H
Theo tạp chí Sống Khỏe