Bệnh tiểu đường trở thành căn bệnh phổ biến trong lối sống ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Lượng đường cao trong máu có thể ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan của cơ thể, bao gồm cả làn da.
Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường hoặc tình trạng tiền tiểu đường đều nhận thấy một số vấn đề về da hoặc bị rối loạn da vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Một số tình trạng da phổ biến của người mắc bệnh tiểu đường
Trong một số trường hợp, những thay đổi trên da là dấu hiệu của sự khởi phát của bệnh tiểu đường hoặc nếu bạn đã mắc bệnh tiểu đường, điều đó có nghĩa là bạn cần được điều chỉnh kịp thời.
Da khô, kích ứng, đỏ và ngứa
Lượng đường trong máu tăng dẫn đến việc cơ thể hút chất lỏng từ các tế bào da để sản xuất nước tiểu, do đó làm cho da khô và nứt nẻ. Một lý do khác khiến da khô là bệnh thần kinh do tiểu đường, đặc biệt là ở chân và bàn chân.
Da khô có xu hướng trở nên ngứa và khi chúng ta gãi sẽ dẫn đến các vết nứt trên da, tạo cơ hội dễ dàng cho các yếu tố lây nhiễm xâm nhập vào da dẫn đến viêm, đỏ và kích ứng trên da.
Lượng đường trong máu tăng dẫn đến việc cơ thể hút chất lỏng từ các tế bào da để sản xuất nước tiểu, do đó làm cho da khô và nứt nẻ - (Ảnh: Indianexpress). |
Nhiễm nấm
Nhiễm nấm có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng những người mắc bệnh tiểu đường dễ bị hơn. Các loại nấm thường gặp ở người bệnh tiểu đường là nấm candida albicans, nấm ngoài da, nấm da chân, ngứa ngáy và nhiễm trùng nấm âm đạo tái phát.
Nhiễm khuẩn
Những người bị bệnh tiểu đường bị nhiễm vi khuẩn nhiều hơn bình thường. Nhọt, viêm nang lông, lẹo trên mí mắt và nhiễm trùng quanh móng tay thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh Necrobiosis Lipoidica
Trên da xuất hiện những mụn bán nhỏ trông tương tự như mụn nhọt nhưng nếu bỏ qua sẽ biến thành những mảng da sưng và cứng, có màu vàng hoặc nâu đỏ. Các dấu hiệu khác là da sáng bóng xung quanh vết sưng, ngứa da đau và các mạch máu nổi rõ.
Bệnh gai đen (Acanthosis nigricans)
Đây thực sự là một tình trạng tiền tiểu đường, trong đó da ở nách, bẹn hoặc cổ chuyển sang màu rất sẫm, dày và mịn như nhung. Tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến khuỷu tay, bàn tay và đầu gối.
Xơ cứng ngón tay (Digital sclerosis)
Dù không liên quan đến việc sử dụng quá nhiều thiết bị kỹ thuật số nhưng nó lại gây khó khăn khi muốn dùng các thiết bị này. Các triệu chứng xơ cứng ngón tay bao gồm da tay căng như sáp và cứng các ngón tay.
Da dày lên cứng gây khó cử động ngón tay và bệnh có thể lan xuống ngón chân, bắp tay, đầu gối, mắt cá, thậm chí là khuỷu tay.
Mụn nước tiểu đường
Bệnh thần kinh do tiểu đường gây ra các vết phồng rộp đột ngột xuất hiện trên da xung quanh khuỷu tay, bàn chân hoặc cẳng chân. Chúng không đau và tự lành.
Loét do tiểu đường
Mức đường huyết cao gây tổn thương các dây thần kinh, khiến cơ thể khó nhận biết và chữa lành vết thương. Vết loét và vết thương hở, đặc biệt là vết thương ở chân mất nhiều thời gian để chữa lành và thường không được chú ý.
Bệnh da do tiểu đường hoặc đốm ở ống chân
Các đốm nâu không đau trông giống như vết đen xuất hiện ở phía trước chân. Một số người cũng nhận thấy vảy và vết lõm trên da. Tình trạng này xảy ra do những thay đổi trong mạch máu.
Các mảng vàng xung quanh mí mắt
Đây là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường được kiểm soát kém. Những mảng này thường chỉ ra lượng chất béo cao trong máu.
Các mảng vàng quanh mí mắt là dấu hiệu của bệnh tiểu đường - (Ảnh: Indianexpress). |
Xơ vữa động mạch
Tình trạng này khiến mạch máu dày lên dẫn đến rụng tóc, da mỏng, bóng, móng chân dày và đổi màu, vết thương chậm lành.
Những người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường trong gia đình cũng nên theo dõi các triệu chứng của bệnh bạch tạng và bệnh vẩy nến.
Các biện pháp khắc phục tình trạng da của người bị tiểu đường
Người bị bệnh tiểu đường nên thực hiện các biện pháp chăm sóc da sau đây để hạn chế các vấn đề về da.
- Giữ cho da sạch và khô, đặc biệt là ở những vùng da có vấn đề như nách, dưới vú, kẽ ngón chân và quanh vùng bẹn.
- Kiểm tra cơ thể thường xuyên để nhận biết kịp thời bất kỳ ván đè về da nào
- Tránh tắm nhiều nước nóng
- Dưỡng ẩm hai lần một ngày
- Dùng son dưỡng môi thường xuyên
- Điều trị vết thương ngay lập tức
- Uống nhiều nước
- Không làm phồng rộp hoặc cố gắng cạo da
- Thoa kem chống nắng SPF 40 mỗi ngày
- Điều trị vết cắt và vết thương ngay lập tức
- Bổ sung các loại thực phẩm như quế, nha đam, quả mọng, cà chua, sữa đông, sả… trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Thường xuyên dùng thuốc, tập thể dục và chế độ ăn uống có kiểm soát để kiểm soát bệnh tiểu đường giúp kiểm soát hầu hết các vấn đề về da. Thực hiện chăm sóc da đúng cách cũng sẽ giúp hạn chế các tình trạng về da của người bị tiểu đường.
Ánh Dương
Theo Người đưa tin