Hợp tác quảng cáo

Khi trí nhớ đến tuổi “xế chiều”

2:15 PM | 24/11/2014 -
Khỏe +

(SKGĐ) Bước qua tuổi lục tuần, người cao tuổi có nhiều nguy cơ suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân và những người xung quanh.

Nhớ nhớ, quên quên

“Dạo này mẹ em càng ngày càng lẫn. Nói câu trước câu sau cụ quên luôn. Có bữa cụ cầm chiếc khăn trên tay mà cứ hỏi hết người này người khác ‘Đứa nào giấu cái khăn của mẹ đâu rồi', có lần cụ uống thuốc sau bữa trưa rồi sau đó 5 phút cụ lại đi tìm thuốc uống tiếp. Em không ngăn lại thì chẳng biết sẽ ra sao. Từ hôm đó là nhà em nhất định không cho cụ tự uống thuốc nữa, theo dõi đơn thuốc, đến giờ thì lấy cho cụ uống. Nhưng có lúc đưa cho cụ cụ gạt đi ‘Mẹ uống rồi, sao lại bắt mẹ uống nữa?’. Bác cả em sang chơi chưa ngồi nóng chỗ cụ đã bảo tối rồi sao không về nhà đi”. Chị Hồng Ngân (Quận 1, Tp.HCM) thở dài giãi bày với mấy cô bác hàng xóm. Mẹ chị năm nay đã bước sang tuổi 69, cái tuổi đã có nhiều sự thay đổi về thể chất và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

“Ông chú em ở Bình Thạnh cũng chẳng khác mấy đâu. Tuy kém tuổi bố em nhưng lại bị lẫn sớm. Lần trước em vào thăm, tá hỏa lên vì ông vào tủ lôi ra hàng mấy triệu, toàn tiền dành dụm con cháu biếu, đem đi cho mấy bác tổ dân phố đi thu phí vệ sinh… Ông mà đi chơi đâu xa xa cách mấy ngõ là quên đường về. Đi khám thì các bác sỹ nói đây là một dạng của bệnh sa sút trí tuệ do tuổi tác rất thường gặp ở người có tuổi”, cô hàng xóm góp chuyện.

Rối loạn trầm trọng và kéo dài

Không chỉ riêng mẹ chị Ngân, sa sút trí tuệ là bệnh khá phổ biến ở người cao tuổi, BS. Phan Hữu Phước, Trưởng khoa Lão học, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Tp.HCM cho biết. Bệnh nhân sa sút trí tuệ sẽ bị giảm trí nhớ, khả năng xét đoán, định hướng không gian và thời gian, ngôn ngữ, tư duy trừu tượng. Sự sa sút này đủ nhiều để ảnh hưởng đến hoạt động xã hội, nghề nghiệp và hoạt động sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Người mắc bệnh sa sút trí tuệ sẽ trải qua sự suy giảm không thay đổi được cả về chức năng và trí tuệ kéo dài từ 2-10 năm, cuối cùng là bệnh nhân hoàn toàn bị lệ thuộc.

Biểu hiện sớm của sa sút trí tuệ thông thường là giảm trí nhớ và nhận thức như quên mất mình vừa nói gì và lặp lại rất nhiều lần, không nhớ để đồ dùng cá nhân ở vị trí nào, xuất hiện những thói quen, hành động không giống với tính cách thường ngày như đột nhiên hoang phí khi lúc trước là một người rất tiết kiệm… Một số bệnh nhân thì không có dấu hiệu gì đặc biệt nên người thân thường bỏ sót các triệu chứng bệnh.

Đến giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân có thể bị giảm khả năng với những sinh hoạt thường ngày như tắm rửa, thay quần áo, quên mất phòng ngủ ở đâu, hướng ra cổng đi như thế nào… Từ những nhầm lẫn do kém phán đoán dễ dẫn đến ngã, vấp và khoảng 25% bệnh nhân bị hoang tưởng.

Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào người thân, không nhận ra bất cứ ai xung quanh mình, những phản xạ như ăn uống cũng quên mất. Đến giai đoạn này, bệnh nhân chỉ nằm liệt giường, tai biến tăng tần suất như mất nước, kém dinh dưỡng, viêm phổi…

Cần chẩn đoán sớm và điều trị

Nguyên nhân chính dẫn đến sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là bệnh Alzheimer (bệnh thoái hóa não nguyên phát, căn nguyên chưa rõ ràng) và các bệnh do nguyên nhân mạch máu (nhồi máu não, xuất huyết não, hệ quả của tiểu đường…). Chẩn đoán sa sút trí tuệ chủ yếu dựa vào hai lĩnh vực của hoạt động tinh thần là: Suy giảm trí nhớ và Rối loạn một hay nhiều hoạt động nhận thức (ngôn ngữ, thị giác, cảm xúc, nhận thức…).

Việc điều trị suy giảm trí nhớ phụ thuộc nhiều vào giai đoạn phát hiện bệnh. Nếu bệnh được phát hiện càng sớm có thể điều trị hoặc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Những loại thuốc hiện nay được dùng để điều trị sa sút trí tuệ ở người cao tuổi như: Thuốc ức chế men Cholinesterase, Estrogen thay thế, nhóm thuốc Statins…

Bên cạnh đó, thực hiện những bài tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cải thiện trí nhớ, làm chậm quá trình lão hóa và giảm sa sút trí tuệ. Thực hiện chế độ ăn điều độ, hợp lý như giảm ăn muối; bổ sung đầy đủ các vitamin B12, B6, folat trong khẩu phần ăn sẽ làm giảm nồng độ homocystein; bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia... sẽ giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch, nhũn não và tai biến mạch máu não.

BS. Phan Hữu Phước khẳng định: Sa sút trí tuệ là một trong những trạng thái bệnh lý đáng sợ nhất của tuổi già, một ám ảnh của người cao tuổi. Khi tiếp xúc với người bệnh cao tuổi, việc quan trọng là phải động viên, làm cho họ yên tâm.

10 dấu hiệu báo trước bệnh Alzheimer

1. Mất trí nhớ ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày

2. Khó khăn hoàn tất các công việc thường làm

3. Có vấn đề về ngôn ngữ

4. Mất định hướng về thời gian và nơi chốn

5. Khả năng phán đoán kém hay suy thoái

6. Có vấn đề về suy nghĩ trừu tượng

7. Để nhầm chỗ các vật dụng

8. Tính tình và tập tính thay đổi

9. Cá tính thay đổi

10. Mất sáng kiến

 Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp