(SKGĐ) Tôi là giáo viên, công việc giảng dạy thường xuyên đứng nhiều. Đã gần 2 tháng nay tôi thường bị đau ở vùng mắt cá chân. Cơn đau âm ỉ cả ngày lẫn đêm, tăng lên mỗi khi vận động. Cả vùng gót chân cũng bị sưng nhẹ, tấy đỏ. Tôi vẫn thường xuyên luyện tập thể dục hàng ngày. Xin bác six tư vấn giúp tôi đã bị bệnh gì, cách chữa trị? (Thu Nga, Quảng Ninh)
Trả lời: Theo mô tả thì rất có thể bạn đã bị mắc chứng viêm gân. Đây là tình trạng viêm hoặc kích ứng của dây chằng, xuất hiện phổ biến nhất trên vai, khuỷu tay, cổ tay và gót chân.
Gân là đoạn tận cùng của cơ, nối cơ với xương và có khả năng chịu được sức căng. Gân có cấu tạo chủ yếu từ các bó sợi collagen xếp song song nhau, mỗi bó được bao bọc bởi một lớp vỏ mô.
Cấu trúc gân gồm: bó sợi collagen, elastin, chất nền và tế bào. Các bó được bao trong bao gân để tạo thành gân. Gân cũng chính là nơi chịu đựng tình trạng quá tải và sự va chạm trong các hoạt động. Nguy cơ có thể dẫn tới viêm gân, viêm bao gân, rách gân, thậm chí đứt gân. Vỏ hoạt dịch chỉ có mặt ở một số gân nhất định như gân xương chày sau, gân cơ gấp ở cổ tay.
Trường hợp của bạn có lẽ do tư thế đứng nhiều nên bị viêm gân cấp độ nhẹ, chưa đến mức nghiêm trọng. Bạn chỉ cần nghỉ ngơi, kết hợp với uống thuốc giảm đau và viêm là có thể hồi phục.
Để tránh bị viêm gân cần tránh:
- Sai tư thế trong hoạt động thể thao, tập luyện quá sức và căng thẳng.
- Mang vác nặng, leo trèo cầu thang.
- Đi giày cao gót thường xuyên
- Sử dụng một số loại thuốc: fluroquinolon, statin, chống đông đường uống, thuốc điều trị nội tiết...
- Mắc một số bệnh nội khoa: viêm khớp, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, bệnh hệ thống…
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)