Hợp tác quảng cáo

Kỳ 3: Người trẻ mắc COVID-19 không đáng ngại?

7:00 PM | 29/07/2021 -
Khỏe +

Đây là lời kể của anh Hoàng P. - Một người trẻ khỏe, có thói quen chơi thể thao, nhưng khi mắc COVID-19 anh lại gặp biến chứng viêm phổi phải vào phòng hồi sức. Sau khi sức khỏe dần hồi phục, anh có chia sẻ một vài trải nghiệm thực tế trong quá trình điều trị lên trang Facebook cá nhân.

Bài đăng thu hút gần 2 nghìn lượt chia sẻ trong vòng 20g đầu tiên. Nhưng bên cạnh những comment an ủi, động viên, cũng có không ít những comment tiêu cực khiến anh phải ẩn bài viết đi... Ban biên tập Sức khỏe Gia đình chúng tôi rất hân hạnh được lắng nghe chia sẻ, trải nghiệm thực tế từ anh!


Ngày đầu tiên khởi phát bệnh, người tôi ớn lạnh, nhức mỏi kinh khủng. Cơ thể cũng sốt nhẹ tầm 37 độ. Tôi cảm thấy mình có gì đó không ổn, nên tôi tự cách ly riêng một phòng vì nhà còn có bố mẹ trên 80 tuổi, con trai nhỏ thì mới 4 tháng tuổi mà thôi... Sau một đêm, sốt vẫn không hạ, tôi bắt đầu sốt cao hơn khoảng 38 độ. Tôi đến trung tâm y tế phường để khai báo triệu chứng và được chỉ định đến Bệnh viện Quận Bình Thạnh để làm xét nghiệm. Tại bệnh viện, một người mà tôi tiếp xúc qua công việc thông báo với tôi bạn ấy đã dương tính với COVID-19 nguồn lây liên quan giáo hội. Bệnh viện ngay lập tức cách ly tôi và lấy mẫu ngay trong ngày.

Sáng hôm sau, tôi được thông báo đã dương tính với COVID-19, và được chuyển xuống bệnh viện dã chiến C.G. Ngay sau đó, bố mẹ, vợ, con trai tôi cũng làm xét nghiệm và lần lượt có kết quả dương tính với COVID-19… Bản thân tôi trước đây biết COVID-19 lây nhanh, nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ nghĩ COVID-19 lại hiển hiện ngay trong chính ngôi nhà của mình. Tôi hoang mang, bế tắc, suy sụp tinh thần khiến tôi mệt và đuối hơn… Lúc đó tôi mong mọi chuyện chóng qua, tôi mong cho bố mẹ và vợ con tôi đều khỏe mạnh....

Đến ngày thứ 4 bị bệnh, tôi bắt đầu có dấu hiệu mất hết vị giác, khứu giác. Tôi mệt nhiều hơn, tức ngực, khó thở nhiều hơn. Mỗi lần thở cảm giác ngực cứ như bị một tảng đá đè lên, đau rất đau. Dù vậy, tôi vẫn ráng ăn được nửa phần cơm do bệnh viện cung cấp để có sức chiến đấu, chống chọi với bệnh dài lâu. Đến ngày thứ 5 tôi kiệt sức và ngất xỉu trong nhà vệ sinh. Sau đó tôi tỉnh lại và gượng bò ra hành lang. May sao có một anh bệnh nhân đi vệ sinh hỗ trợ gọi cấp cứu. Bác sĩ bảo phổi của tôi đã bị viêm. Sau một ngày rưỡi ở phòng áp lực âm, được truyền nước biển, tôi được cho về phòng thông thường để tiếp tục theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên, tôi không ăn được gì trong 3 ngày sau đó. Mệt mỏi, cô đơn, suy nghĩ tiêu cực cứ bủa vây lấy tôi…

Ky 3: Nguoi tre mac COVID-19 khong dang ngai?

Ngày thứ 7 bị bệnh, tôi bắt đầu ho liên tục, vẫn bị mất vị giác, khứu giác. Ho do COVID-19 lạ lắm, không phải do ngứa cổ mà là vì không thể giữ hơi được lâu trong phổi. Việc thở vẫn khó hơn một chút, kèm theo choáng khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi hoặc đứng. Dấu hiệu tích cực là tôi cảm thấy cơ thể mình dần khỏe hơn sau cột mốc ngày thứ 8,9. Tất cả các triệu chứng tôi vừa kể trên đều hết vào 1 tuần sau đó. Và tôi khỏi bệnh sau 34 ngày điều trị.

Là một người từng trải và vượt qua COVID-19, tôi khá đồng tình với việc thành phố thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà. Nhưng đọc kỹ bạn sẽ thấy ngành y tế đến hiện tại không bỏ F0 tự chống chọi. Các trường hợp F0 vẫn phải đến viện điều trị, sau 10 ngày sức khỏe ổn định sẽ được cho về nhà. Dựa theo kinh nghiệm bản thân của mình, tôi thấy, khoảng thời gian cần theo dõi sát sao nhất chính là 10 ngày đầu tiên. Đặc biệt từ ngày 7-8 là khoảng thời gian người nhiễm COVID-19 có thể gặp phải các biến chứng nặng. Lúc này, virus tấn công dồn dập tế bào phổi, khiến một số bệnh nhân COVID-19, điển hình như tôi bị viêm phổi. Giờ nghĩ lại, nếu tôi không được cấp cứu và đưa vào phòng áp lực âm kịp thời vào ngày thứ 7 nhiễm bệnh, tôi cũng chưa biết mình sẽ ra sao. Nói tóm lại, qua được cột mốc 10 ngày thì đã vượt qua bão táp. Thời gian còn lại là chờ cơ thể hồi phục.

Sau 10 ngày “căng thẳng” này, hệ miễn dịch sẽ giúp cơ thể dần hồi phục. Tôi chỉ cần theo dõi sức khỏe, uống đủ nước, ăn đủ chất, sinh hoạt nghỉ ngơi và nhất là phải thoải mái tinh thần thì bệnh sẽ khỏi và hết nhanh hơn. Lúc này, nồng độ virus cũng giảm, khả năng lây nhiễm là rất thấp, nên F0 và những người xung quanh có thể an tâm. Việc đưa F0 về nhà sau 10 ngày điều trị ở cơ sở y tế tôi thấy có khá nhiều cái hay. Đầu tiên là giúp làm giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, giúp bác sĩ có thời gian, có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những ca bệnh biến chuyển nặng. Tiếp đến, là giúp tâm lý người bệnh đỡ xáo trộn, sinh hoạt thoải mái hơn, có chế độ ăn dinh dưỡng hơn do được người nhà chăm sóc chắc chắn sẽ mau khỏi hơn.


Khi đón nhận bệnh với thái độ lạc quan, tôi thấy mình nhẹ nhõm và kiên cường hơn.

Trường hợp của tôi, do cả nhà 7 người đều dương tính nên chẳng ai có thể chi viện cho ai. Tôi và bố mẹ được điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở vùng ngoại ô nên điều kiện sinh hoạt không tốt bằng so với vợ và con trai. Tôi biết những nơi khác cũng vậy, không đến mức thiếu thốn như khu tôi đã từng ở. Thiếu một số nhu yếu phẩm thiết yếu, những suất ăn hàng ngày cũng trễ, nhưng biết làm sao hơn khi đội ngũ y tế đều cố gắng hết mức có thể rồi. Chuẩn bị tâm lý từ trước, nên tôi cảm thấy điều này vẫn có thể chấp nhận được… Từ kinh nghiệm của mình, tôi khuyên những F0, F1 khi đi cách ly, điều trị nên chuẩn bị quần áo, vật dụng vệ sinh cá nhân kèm theo lương khô để dùng khi cần.

Ky 3: Nguoi tre mac COVID-19 khong dang ngai?

Về cách thức chữa trị, tôi thấy phần lớn người dân đều nghĩ rằng, khi đến bệnh viện sẽ được uống thuốc và chữa trị như các bệnh thông thường. Nhưng thực tế, việc người bệnh không được phát thuốc là điều bình thường. Vì COVID-19 chưa có thuốc trị, các bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng còn lại phụ thuộc vào hệ miễn dịch của người bệnh. Nếu người bệnh không có triệu chứng nặng thì bệnh viện sẽ không can thiệp, vì bệnh sẽ thuyên giảm và hết khi cơ thể người bệnh sản sinh kháng thể. Rất nhiều người khi đi cách ly không hề biết các thông tin này, vì vậy nhiều người sinh ra tâm lý bực tức, cảm thấy bị bỏ mặc khi bệnh viện không cấp phát thuốc hay can thiệp chữa trị.

Bản thân tôi là người hoạt động thể thao cường độ cao. Trước khi mắc bệnh, tôi tập võ 2 ngày/tuần, đá banh 2 ngày/tuần, các ngày còn lại tôi chạy bộ. Tôi không có bệnh nền. Nhưng khi mắc COVID-19 tôi lại có những triệu chứng nặng. Tuy nhiên ba vợ tôi thì lại khác, ông đã 85 tuổi và hiện có trên 4 bệnh nền (ung thư phổi, thoái hóa khớp, tiểu đường….) nhưng khi dương tính ông không có triệu chứng gì (kể cả ho sốt, mất vị giác) và khỏe nhanh sau đó. COVID-19 dạy tôi dù khỏe cũng không được chủ quan, lơ là.

Ky 3: Nguoi tre mac COVID-19 khong dang ngai?

Sau khi sức khỏe dần ổn định, tôi có viết một bài đăng lên trang Facebook cá nhân nhằm chia sẻ tình trạng bệnh và khuyến khích mọi người ai đang khỏe mạnh nên tuân thủ 5K, không đi lung tung và khai báo y tế. Thế nhưng sau bài đăng, hình ảnh và các thông tin của tôi bị dư luận bẻ đi khá nhiều hướng, có tốt có xấu. Tuy nhiên, hướng tiêu cực là khá nhiều, họ cho rằng tôi câu like, chứ những người mắc bệnh nước khác họ toàn tự chữa ở nhà, không ảnh hưởng gì. Nhiều người khác còn cho rằng tôi “gây họa", "thiếu ý thức", "chắc đi chơi nhiều nên nhiễm bệnh"... Bản thân tôi không quan tâm lắm về chuyện người khác nghĩ và nhìn tôi như thế nào. Nhưng tôi buồn khi biết một bộ phận không nhỏ người dân đang coi nhẹ sự nguy hiểm của COVID-19. Một khi đã coi thường bệnh, hẳn họ sẽ không tuân thủ 5K 100%.

Nhiều người khác thì nhắn tin hỏi thăm tôi về kinh nghiệm chữa trị, vượt qua COVID-19. Tôi thấy đây là tâm lý phổ biến của khá nhiều người Việt. Tin vào trải nghiệm của người thật, việc thật, và “bán tín bán nghi” vào những khuyến cáo chính thống từ cơ quan y tế. Thực tế tôi không trách những người này được, vì kinh nghiệm khi đi chữa trị từ tôi sẽ mang tính chân thực hơn so với các hướng dẫn có phần rập khuôn trên báo đài. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, tôi vẫn mong mọi người hãy tuân thủ 5K- đây là cách bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội tốt nhất. Nếu đến lượt tiêm vaccine hãy đi tiêm, không nên chần chờ!

Sau 34 ngày điều trị, tôi quý trọng cuộc sống trước đại dịch nhiều hơn, yêu hơn  khoảng thời gian gia đình sum vầy, và cảnh giác hơn với căn bệnh này. Không phủ nhận, COVID-19 làm xáo trộn cuộc sống của gia đình tôi rất nhiều, nhưng may thay, giờ đây bố mẹ và vợ con tôi đều trở về khỏe mạnh, an yên. Cuộc sống hậu COVID-19 của tôi vẫn bình thường, hàng xóm vẫn thăm hỏi và gửi quà động viên rất nhiều. Hiện tại TP.HCM đang trong giai đoạn giãn cách, tôi mong mọi người đừng chỉ sợ bệnh bằng lời nói, hãy có những hành động bảo vệ cho bản thân và gia đình bằng cách đeo khẩu trang ngay cả trong nhà, không ra khỏi nhà khi không có việc cấp bách…

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp