Dưới đây là lời kể của chị L.N.H.N - Một người từng mắc COVID-19 không triệu chứng. Mong rằng qua bài chia sẻ này mọi người có cái nhìn đúng hơn về COVID-19 nói chung và những người mắc COVID-19 “không triệu chứng” nói riêng nhé!
Những ngày đầu tiên mắc COVID-19, tôi luôn cảm thấy đau nhói ở lồng ngực. Nhất là mỗi khi cười mạnh, vận động mạnh, tim sẽ đau nhói, đập nhanh và cảm thấy rất khó thở. Lúc đó, tôi cứ nghĩ do mình tập thể dục quá sức nên cơ thể bị ảnh hưởng. Tôi chủ quan và để mặc cơn đau cứ kéo dài như thế. Rồi ngày nọ, tôi bắt đầu bị sốt, ho khan và đau nhức toàn thân. Nghĩ mình bị cảm thông thường, tôi uống hạ sốt ngay nên sức khỏe cũng ổn và hầu như không còn triệu chứng.
Mãi cho đến khi hay tin một đồng nghiệp trong công ty dương tính với COVID-19. Tôi và một số đồng nghiệp khác lần lượt cũng nhận kết quả dương tính. Tôi rất lo, hoang mang và hụt hẫng, nhưng vẫn cố gắng lạc quan. Tôi cũng không trách móc hay đổ lỗi gì đồng nghiệp đã lây bệnh cho mình, vì hiểu rằng, việc cần làm thời điểm đó là động viên nhau cùng vượt qua, để không ai bị sa sút tinh thần giữa mùa dịch. Và bài học đầu tiên tôi học được chính là COVID-19 rất phức tạp, lây lan nhanh, chỉ cần chúng ta lơ là không tuân thủ 5K một khoảnh khắc thôi là đã đủ để nhiễm bệnh.
Tôi may mắn vì là một trong những người nhiễm COVID-19 không triệu chứng. Trong quá trình nhập viện điều trị, có vài ngày đầu tôi bị mất khứu giác, đau họng. Còn quãng thời gian sau đó, tôi không triệu chứng. Nhờ vậy mà tâm lý tôi cũng thoải mái hơn. Tôi nhận được kết quả âm tính liên tiếp vào ngày 26/6, 29/6 và được phép xuất viện vào ngày 30/06/2021.
Là một người từng trải qua một tháng cách ly và điều trị tại bệnh viện dã chiến, tôi thấy việc đưa F0 không triệu chứng vào khu cách ly chính là để dễ quản lý, hạn chế tối đa việc lây nhiễm ra cộng đồng. Tôi cũng thấy rất nhiều F0 tự khỏi bệnh mà không cần sử dụng bất kỳ viên thuốc điều trị triệu chứng nào. Bác sĩ chỉ hỗ trợ y tế khi bệnh nhân bị sốt trên 38,5 độ C, hoặc khi có các biến chứng nặng cần sự can thiệp của bác sĩ.
Vì thế, tôi nghĩ, những trường hợp F0 không triệu chứng được cách ly và điều trị tại nhà có thể hoàn toàn yên tâm nếu thấy cơ thể vẫn đang ổn, không có hiện tượng khó thở, suy hô hấp, không có bệnh nền như đái tháo đường, béo phì, bệnh về tim, phổi…Việc điều trị tại nhà sẽ giúp F0 luôn giữ được tâm lý tốt, sinh hoạt thoải mái. Được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, điều này rất quan trọng trong việc nâng cao đề kháng và đẩy lùi COVID. Dù là một F0 không triệu chứng nhưng vẫn cần một chế độ chăm sóc tốt để nhanh chóng khỏi bệnh. Hãy bổ sung Vitamin C, uống nhiều nước, tránh các đồ ăn thức uống lạnh, ăn hết khẩu phần ăn, tránh bỏ bữa. Nên ăn ngủ đúng giờ, tập thể dục vừa sức, dùng nước muối sinh lí để vệ sinh khoang miệng. Đặc biệt, F0 lạc quan nhưng nhất định không được chủ quan. Không nên đi lại lung tung, thực hiện nghiêm việc cách ly tại phòng riêng, đeo khẩu trang thường xuyên để tránh lây cho người thân và cộng động. Và dù bạn bị lây hay là nguồn lây, tuyệt đối đừng để những lời bàn tán, trách móc của người xung quanh mà ảnh hưởng đến tâm lý mình. Vì bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều có thể nhiễm COVID-19.
Với tôi, COVID-19 không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng lại gây ra những tiếc nuối, tổn thương không thể nào chữa lành… Khi tôi mắc COVID-19 cũng là lúc dì tôi qua đời vì bệnh ung thư quái ác. Tôi không thể về thăm người dì lần cuối. Đó là nỗi tổn thương và hối hận nhất đối với tôi. Và tôi biết, không riêng gì tôi, COVID-19 cũng đã lấy đi rất nhiều những ngày bình yên, những ngày được đoàn tụ bên người thân của tất cả mọi người. Khiến con xa cha mẹ, vợ xa chồng, bạn bè cũng lâu rồi chưa có dịp gặp gỡ. Thương nhất là các cô chú anh chị y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, các anh chị tình nguyện viên, họ cũng đã hy sinh khoảnh khắc sum họp của mình để hoàn thành sứ mệnh cứu người, mang lại cuộc sống bình yên thường nhật, mà vốn dĩ nó luôn diễn ra. Chỉ mong cho dịch mau chóng qua đi, để tất cả chúng ta ai cũng được sum họp bên người mình yêu thương.
Mất mát, tổn thương, sức khỏe giảm sút, trì hoãn là những điều tiêu cực mà COVID-19 đã mang đến. Thế nhưng nếu nhìn ở mặt tích cực, COVID-19 cũng giúp tôi nhận lại rất nhiều. Đó là tình yêu thương, sự quan tâm của người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau những ngày tháng miệt mài trong công việc, được sống “chậm” lại để chiêm nghiệm nhiều về cuộc đời. Tôi cũng đã ký xác nhận tham gia nghiên cứu quan sát bệnh nhiễm trùng mới nổi. Cung cấp mẫu thử của mình cho việc nghiên cứu chủng virus mới. Tôi mong bản thân có thể đóng góp cho quá trình nghiên cứu của y bác sĩ, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Mong rằng ai trong chúng ta cũng hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh, không xa lánh kỳ thị người đã và đang nhiễm COVID-19, tuân thủ 5K và hợp tác điều trị tốt với bác sĩ. Với diễn biến phức tạp, chủng mới, biến thể mới của virus thì ta không thể nói trước điều gì. Cẩn trọng cho sức khỏe bản thân cũng chính là đang bảo vệ gia đình, người thân của bạn.