“Bệnh nhân ung thư nên tự cứu mình trước tiên. Một khi đã buông xuôi thì điều kiện y tế dù tốt đến đâu cũng không thể cứu được”, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Hằng, chủ nhiệm bộ môn Tâm lý lâm sàng, PGĐ Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Tâm lý, trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội khẳng định.
Tuyệt vọng = tự giết mình
Ung thư - với nhiều người đó được coi là bản án tử. Chính vì thế, không hiếm những trường hợp khi mới nghe tin này từ bác sĩ đã suy sụp, không thiết sống nữa với lý do đằng nào cũng chết. Tâm lý đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều trị bệnh, bởi lẽ, sự bi quan, giận dữ sẽ khiến cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng bị căng thẳng, sức đề kháng suy giảm. Đấy là chưa kể đến không ít người vì chán đời mà từ chối hợp tác với bác sĩ.
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, một tinh thần lạc quan sẽ giúp cơ thể tiết ra những hormone có lợi, hữu ích cho quá trình trị bệnh. Thực tế đã chỉ ra rằng, đáp ứng thuốc ở những người có niềm tin, có ý chí sống luôn tốt hơn ở những người chỉ biết chờ chết. Bên cạnh đó, khát khao được sống của bệnh nhân cũng là một yếu tố quan trọng giúp các bác sĩ có thêm động lực chiến đấu với tử thần.
Bàn về yếu tinh thần trong điều trị bệnh ung thư, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Hằng, chủ nhiệm bộ môn Tâm lý lâm sàng, PGĐ Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Tâm lý, trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội khẳng định: “Tại sao có những người vẫn sống khỏe mạnh rất lâu sau khi biết mình bị bệnh, nhưng cũng có những người không trụ nổi quá 2 tháng? Sự khác biệt cốt lõi không phải do điều kiện vật chất, điều kiện y tế mà chính là từ tâm họ mà ra. Một người mà lúc nào tâm trạng cũng u uất, buồn rầu thì chắc chắn không bao giờ khỏe mạnh được”.
Chính bởi thế, PGS Hằng cho rằng: với người bị ung thư, tinh thần được coi là yếu tố vô cùng quan trọng, do đó hãy quẳng nỗi lo đi mà sống. Bà nhấn mạnh: “Bệnh nhân ung thư nên tự cứu mình trước tiên. Một khi đã buông xuôi thì điều kiện y tế dù tốt đến đâu cũng không thể cứu được”.
Quẳng gánh lo đi
Không ai muốn đối mặt với ung thư, thế nhưng, một khi nó đã ghé thăm bạn, thay vì than thân trách phận, tuyệt vọng, muốn tìm đến cái chết, hãy sống mạnh mẽ như một chiến binh. Tinh thần này có thể không “hô biến” căn bệnh, song nó sẽ giúp cuộc sống của bạn trở nên có ý nghĩa.
Để làm được việc này, đừng suốt ngày ngồi ủ ê, buồn bã trong phòng một mình. Bạn có thể tham gia những bài tập nhẹ nhàng vì nó không chỉ có tác dụng lưu thông khí huyết mà còn cải thiện tâm trạng. Trong thời gian này, nếu có ai đó mời bạn tham gia những hoạt động cộng đồng vừa sức, đừng từ chối bởi đó là cách khiến bạn thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, cũng như sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị hơn. Gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè cũng là cách giúp bạn có thêm những nụ cười, có thêm sự chia sẻ. Bên cạnh đó, đọc một cuốn sách có ý nghĩa, xem một bộ phim hay, thậm chí là viết hồi ký... là những việc rất nên làm để quên đi sự hiện diện của ung thư trong cuộc sống.
Dù trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng không được có suy nghĩ mình là kẻ sắp chết, là gánh nặng của những người xung quanh. Điều này chỉ đúng khi lúc nào bạn cũng mang tâm trạng u uất khiến bạn bè, người thân bị lây nhiễm sự phiền não đó. Hãy tưởng tượng rằng ung thư thực chất chỉ là một chướng ngại vật đo độ bền của ý chí.
“Hãy sống trọn vẹn mỗi ngày, với mỗi cơ hội mà bạn có. Đây chính là lý do không phải ngẫu nhiên mà những bệnh nhân ung thư là Phật tử thường hay sống khá lâu”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng khẳng định.
An Nhiên
Theo tạp chí Sống Khỏe