Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, nhân trần có tác dụng làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật, bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ, làm hạ huyết áp, thúc đẩy tuần hoàn và giảm đau chống viêm hiệu quả.
Ở nước ta, cây nhân trần mọc hoang ở đồi núi, bờ ruộng, bãi trống ở nhiều nơi và tập trung nhiều nhất tại các tỉnh phía Bắc. Dù là loại cây mọc dại nhưng nhân trần được xếp vào một trong những thảo dược quý tốt cho sức khỏe.
Thông thường chúng ta vẫn thấy nhân trần được đun nấu thành nước uống thay chè và nước vối, giúp giải nhiệt hiệu quả trong những ngày tiết trời nóng bức. Nhân trần có vị đắng, mùi thơm, tính bình có tác dụng thanh nhiệt, khu phong, trừ thấp, làm ra mồ hôi, dùng để chữa các chứng bệnh như ăn uống tiêu hóa kém, cảm cúm, vàng da...
Cây nhân trần mọc hoang ở bờ bụi nhưng lại có tác dụng bảo vệ gan và mật cực kỳ hiệu quả. |
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), nhân trần được xem là vị thuốc nam rất tốt cho người bị gan nhiễm mỡ và có đặc tính thúc đẩy khả năng tiết và bài xuất dịch mật, đào thải độc tố, làm mát gan.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, nhân trần có tác dụng làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật, bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ, làm hạ huyết áp, thúc đẩy tuần hoàn, giải nhiệt, giảm đau và chống viêm.
Nhân trần còn có khả năng ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, thương hàn, phó thương hàn, mủ xanh, e.coli, lỵ, song cầu khuẩn gây viêm não, viêm phổi và một số loại nấm. Ngoài ra, nhân trần cũng giúp cải thiện công năng miễn dịch và ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư.
Bài thuốc bảo vệ gan mật từ nhân trần
- Để mát gan lợi mật, thanh nhiệt: Nhân trần và mã đề phơi khô. Mỗi ngày dùng 50 gam hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày.
- Bài thuốc trị viêm gan cấp tính: Dùng nhân trần 18 – 24g, đại hoàng 6 – 8g, chi tử 12g đem sắc uống. Hoặc dùng nhân trần 30 – 45g đem sắc uống mỗi ngày, ngày dùng 3 lần. Hoặc dùng bạch truật 12g, nhân trần 16g, bạch linh, trạch tả, trư linh mỗi vị 12g, quế chi 6g đem sắc uống.
Cây nhân trần phơi khô được dùng làm rất nhiều vị thuốc chữa bệnh. |
- Bài thuốc chữa viêm gan do virus: Dùng nhân trần, lá vọng cách mỗi thứ 16g, lá cối xay 12g đem sắc uống. Hoặc dùng nghệ vàng 8g, nhân trần 16g, quả dành dành 12g đem sắc uống. Nếu bệnh nặng hơn có thể dùng nghệ vàng, vỏ núc nác, nhân trần mỗi thứ 3g với sài hồ nam 2g, rau má 4g, dành dành, hậu phác nam, nhọ nồi mỗi thứ 2g. Đem nhân trần, sài hồ, rau má, vỏ núc nác, nhọ nồi nấu thành cao lỏng. Các dược liệu khác đem phơi khô, tán bột mịn. Sau đó đem trộn đều với cao làm thành viên. Mỗi lần dùng 5g, ngày dùng 2 lần.
Bài thuốc trị viêm túi mật: Dùng bồ công anh, nhân trần cao, quảng uất kim mỗi vị 40g, khương hoàng 16g đem sắc uống.
Lưu ý khi sử dụng nhân trần
- Không nên uống nhân trần hàng ngày: Theo nguyên tắc điều trị, khi mật không tiết ra thì mới cần lợi mật và khi gan có vấn đề thì mới cần nhuận gan. Nếu không có bệnh mà lại uống hàng ngày thì đồng nghĩa với việc bắt gan và mật không có nhu cầu tiết cũng phải tiết, dẫn tới phải làm việc nhiều hơn, dễ tổn tương và mất cân bằng mà sinh ra bệnh.
Nhân trần dù tốt nhưng cũng không nên uống hàng ngày. |
- Không nên pha chung nhân trần với cam thảo: Nhân trần có tình hàn vị cay đắng, tác dụng đào thải còn cam thảo giúp bổ khí, thanh nhiệt, giải độc chủ trị các chứng như hư nhược, ho suyễn, giải độc thuốc... Dù cả hai thứ đều tốt nhưng nếu kết hợp với nhau lại thành không tốt bởi cam thảo có tính giữ nước trong khi nhân trần lại giúp đào thải.
- Phụ nữ mang thai không nên dùng nhân trần: Phụ nữ mang thai, người già, trẻ em dưới 1 tuổi và người có chứng thấp nhiệt nếu không có ý kiến của bác sĩ thì không nên dùng nhân trần. Những người khác khi dùng nhân trần thì nên theo liều từ 10-25 gam/ngày. Nếu dùng nhân trần như thuốc điều trị thì phải hỏi ý kiến bác sĩ điều trị và bác sĩ Đông y.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin