Khi bị cảm mạo, cùng với việc sử dụng phương pháp xông trị cảm thì cạo gió cũng là một cách chữa trị khá phổ biến trong dân gian Việt Nam.
Vào thời điểm giao mùa, khí hậu thay đổi thất thường khiến cho mọi người rất dễ mắc triệu chứng cảm mạo, đặc biệt là người có sức đề kháng yếu. Cạo gió, đánh gió là một trong những phương pháp khá hiệu quả, nhanh chóng giúp người mắc triệu chứng cảm mạo nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy kịch và đạt hiệu quả.
Trường hợp của chị Tuyết Mai (Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp.HCM) là một người rất hay mắc hiện chứng đau đầu, toàn thân toát mồ hôi, chân tay lạnh ngắt mỗi khi thay đổi thời tiết. Cứ mỗi lần thời tiết đang nóng sang lạnh hay đang lạnh sang nóng một cách đột ngột như thế là chị lại có những biểu hiện đau đầu, nặng vai, người gây gây sốt… Chị thường phải nhờ người thân trong gia đình thực hiện phương pháp cạo gió cho chị. Mỗi lần cạo gió xong là chị cảm giác nhẹ hẳn người, cảm giác nóng râm ran trong người nhưng lại rất khoan khoái.
Một trường hợp khác, đó là chị Nguyễn Thi Vinh- một nữ lao công trong công ty vệ sinh môi trường Hà Nội. Công việc của chị là quét dọn rác tại một đường phố trong nội đô, công việc thường làm theo ca tối. Nhiều hôm đi làm về, chị cảm thấy trong người rất khó chịu, đau đầu, người lúc nóng lúc lạnh. Những lúc như thế chị lại nhờ chị bạn trọ cùng phòng cạo gió chỉ với đồng xu bằng bạc, ít dầu gió. Cạo gió xong, cơ thể chị cảm thấy nhẹ nhõm, đầu không còn đau như trước nữa, chị cho biết phương pháp cạo gió trị cảm mạo thật là tiện lợi và hữu ích.
Theo Đông y, những người có chân khí yếu, tức là sức đề kháng yếu, các yếu tố ngoại sinh rất dễ xâm nhập vào cơ thể (Đông y gọi là lục dâm, đó là sáu yếu tố: phong, hàn, thử, thập, táo hỏa). Nếu dính phong hàn thì gọi là cảm phong hàn, phong nhiệt gọi là cảm phong nhiệt. Ở những người có chân khí yếu, người già, trẻ em rất dễ gặp phải cảm mạo, tức là khi cơ thể quá nóng hoặc quá lạnh, quá ẩm… khi thời tiết thay đổi đột ngột hay khi vào thời điểm giao mùa rất dễ mắc phải. Tùy vào trượng hợp cụ thể, tưng người và từng loại cảm khác nhau mà chúng ta tiến hành cạo gió.
Lương y Lê Xuân Hải (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Duy Hưng, Trần Duy Hưng, Hà Nội) cho biết: Cạo gió có khá nhiều phương pháp nhưng hình thức phổ biến, thông dụng nhất đó là kĩ thuật cạo gió theo chiều xuôi. Cạo gió thường được đánh theo chiều xuôi, có nghĩa là đánh từ trên xuống, ta có thể tiến hành cho người mắc cảm theo thứ tự từ đầu, từ gáy qua hai bên vai, đánh dọc theo sống lưng, chủ yếu là theo các đường kinh lạc trong cơ thể, từ phía trước ra phía sau, từ cổ, ngực bụng, theo hai cánh tay và các gan bàn tay, gan bàn chân.
Với cạo gió, có thể sử dụng các loại dầu, các cây củ như gừng, trầu không, lá tía tô, cúc tần.. các loại này giã nát lấy nước rồi tẩm bong, trà mạnh vào cơ thể người mắc cảm. Phương pháp cạo gió trị mạo cảm mang lại hiệu quả khá cao, là phương pháp rất thông dụng trong dân gian ta. Với những dụng cụ sẵn có, việc cạo gió cũng khá đơn giản, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải biết kỹ thuật cạo gió một cách khoa học để đạt hiệu quả cao nhất.
Một số cách cạo gió đơn giản
1. Cạo gió toàn thân: Xoa dầu lên vùng trán, tay chân, lưng ngực. Sau đó dùng tay xoa từ vùng giữa trán sang 2 bên xuống đến cổ, rồi cánh tay đến các đầu ngón tay, vùng ngực bụng, rồi đến mặt ngoài chân xuông đến mu bàn chân, sau gáy đến mặt sau cánh tay, lưng đến chân rồi bàn chân. Với những vùng khác trong cơ thể, chúng ta cũng thực hiện cạo theo cách từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, mỗi vùng cạo chỉ nên kéo dài tử 2-5 phút.
2. Dùng bạc hay đồng tiền bằng bạc: Chọn những vật dụng bằng bạc, hình tròn, bề mặt nhẵn, vật dụng làm bằng bạc có tác dụng phát tán và lưu thống khí huyết, Dùng khăn mùi xoa bọc miếng bạc hay đồng tiền bạc cùng lòng trắng trứng gà vừa luộc xong chà xát lên người bệnh từ trên xuống, làm liên tục từ 10-20 phút.
3. Dùng gừng: Dùng khăn mùi xoa bọc củ gừng tươi giã nát, rồi xoa lên người bệnh từ trên xuống. Có thể kết hợp gừng với rượu xoa bóp.
4. Dùng lá trầu: lá trầu không vò nát rồi xoa lên vùng cần cạo gió.
5. Dùng dầu gió: Bôi dọc cột sống thắt lưng và dùng đồng bạc hoặc thìa inox để cạo. Ngoài ra, cũng có thể phối hợp cạo gió với day bấm một số huyệt, hay châm cứu. Tuy nhiên, nhữn điều trên chỉ mnag tính tham khảo, không được cạo gió một cách tùy tiện.
Chú ý khi cạo gió: - Đánh gió trong phòng kín, giữ ấm vào mùa đông, mùa hè không được để quạt thổi trực tiếp vào người bệnh, người bệnh cần được ủ ấm sau khi cạo gió. - Cơ thể thả lỏng thư giãn, các dụng cụ phải sạch sẽ. - Không nên cạo gió quá lâu, không nên cạo quá mạnh tay khiến người bệnh đau, rát. - Không nên cạo gió cho người mắc bệnh da liễu, người mắc bệnh tim mạch, phụ nữ có thai, trẻ em. - Không nên cạo gió một cách tùy tiện, chỉ nên đánh gió khi người bị cảm mạo (cảm mạo phong hàn hay phong nhiệt), đau đầu, đau lưng,trong trường hợp sốt không ra mồ hôi. - Sau khi cạo gió nên uống một bát trà gừng hoặc một bát cháo có tía tô với hành, hoặc một cốc nước sôi để nguội có pha chút muối, nằm yên trên giường, không nên ra ngoài vì dễ nhiễm lạnh và không để lạnh tới cơ thể, đặc biệt không được tắm sau khi cạo gió. |
Linh Trần (thực hiện)
Bài viết có sự tư vấn của Lương y Lê Xuân Hải,
Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Duy Hưng, Hà Nội
Theo tạp chí Sống Khỏe