Hợp tác quảng cáo

Nắng nóng: Những cảnh báo cho người đái tháo đường

10:51 AM | 25/08/2014 -
Khỏe +

(SKGĐ) Thời tiết nắng nóng, với đa số mọi người đều rất uể oải và phải đương đầu với nhiều nguy cơ bệnh tật. Và với người bệnh đái tháo đường, sự cẩn thận càng phải đặt lên hàng đầu bởi nhiều nguy cơ bủa vây…

 99edaithaoduong

Lâu lắm mới có dịp nghỉ dài ngày nên anh Trung ở Thủ Dầu Một, Bình Dương tổ chức cho cả gia đình đi du lịch biển. Lần này anh quyết đưa mẹ anh đi cùng vì bà rất thích biển nhưng vì say xe nên nhiều lần sợ không dám đi. Thế nhưng, sau chuyến đi, anh Trung suýt rớt nước mắt khi nhìn đôi chân mẹ phồng rộp.

Đây là hậu quả khi bà dạo chân trần trên cát nóng, những người khác thấy nóng thì tránh hoặc chạy cho nhanh, nhưng bà vốn bị đái tháo đường, khả năng cảm giác của bàn chân giảm đi rất nhiều nên bà không thấy quá nóng.

Do đi quá lâu trên cát nóng nên chân bà bị bỏng, phồng rộp hết cả lên. Cả anh Trung và gia đình đều không biết điều này. Cho đến khi hỏi bác sĩ, bác sĩ cho biết rằng, không chỉ làm mất cảm giác có thể gây bỏng chân tay, trời nắng nóng còn gây ra nhiều nguy cơ khác với người bệnh đái tháo đường.

Người bệnh cần cẩn trọng khi ra nắng

BS. Nguyễn Huy Cường (Phòng khám Nội tiết - Đái tháo đường, số 1 ngõ 133 đường Thái Hà) cho biết, nếu chúng ta ở dưới ánh mặt trời nắng quá, lâu quá thì các tia tử ngoại có thể ảnh hưởng làm bỏng da, với người bệnh đái tháo đường có đặc thù riêng là nó kéo theo chuyện mất nước. Đặc biệt, người bệnh đái tháo đường nếu đi chân trần dưới trời nắng đề phòng bỏng chân, ví dụ như đi tắm biển và đi dạo trên bờ cát nóng như trường hợp của mẹ anh Trung trên.

Với người bình thường sẽ cảm nhận được cái nóng, người ta có thể nhón chân hoặc chạy nhanh qua vùng cát nóng, và tìm cách phòng vệ để không bị bỏng. Nhưng với người bệnh đái tháo đường, chân của họ không có được cảm giác như thế, nếu nóng 10 có thể người ta chỉ cảm nhận được 5 thôi, họ tưởng bình thường nhưng thực ra rất nóng. Việc thiếu nhạy cảm như thế khiến họ dễ bị bỏng.

Do đó, khi đi dưới trời nắng, người bệnh đái tháo đường không nên đi chân trần, nên đi giày dép vừa chân. Không nên ở dưới trời nắng quá lâu (chỉ nên dưới 1 giờ), không nên ở ngoài trời khi ánh nắng gay gắt. Nếu bắt buộc phải đi dưới ánh nắng gắt thì nên có biện pháp bảo hộ như bôi kém chống nắng, mặc áo quần chống nắng để da không phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời…

Người bị bệnh đái tháo đường hay không bị đều có nguy cơ tổn thương võng mạc nếu nhìn trực tiếp vào ánh nắng mặt trời. Ở người bệnh đái tháo đường, mắt càng dễ bị tổn thương hơn, do đó cần chú ý bảo vệ mắt khi đi dưới trời nắng, đặc biệt là không nhìn trực tiếp vào mặt trời khi nắng gay gắt.

Những người đang sử dụng thuốc chống đái tháo đường sulphonylureas cũng cần chú ý cẩn thận hơn, vì thuốc có thể làm da tăng nhạy cảm với ánh nắng.

Bên cạnh đó, nếu đi xa vào mùa nắng nóng luôn mang theo thuốc bên mình và cũng cần chú ý bảo quản cẩn thận. Trời nóng quá có thể gây ra biến tính của một số thuốc, ví dụ như insulin phải bảo quản trong mát. Nếu với nhiệt độ dưới 300C thì không sao, nhưng khi di chuyển cần chú ý tránh ánh nắng trực tiếp, không để gần nơi sinh nhiệt như động cơ ô tô. Khi có điều kiện thì nên để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Thực ra ánh nắng mắt trời vào buổi sáng và chiều mát rất tốt cho sức khỏe mọi người, người bệnh đái tháo đường cũng có thể phơi nắng vào lúc này. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã cho thấy, tắm nắng có thể giúp giảm nguy cơ bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Nghiên cứu được thực hiện ở Đại học Chicago (Mỹ) cho thấy, những bệnh nhân thiếu vitamin D có mức đường huyết cao hơn, nguy cơ kháng cự insulin, huyết áp và bệnh tim nhiều hơn. Vì vậy, họ cho rằng, việc phòng ngừa thiếu vitamin D bằng cách tắm nắng hoặc uống vitamin bổ sung là cách để kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường.

Nắng nóng làm đường huyết tăng giảm thất thường

Bác sĩ Cường cũng nhấn mạnh, với thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng lớn nhất với người đái tháo đường là mất nước. Nhất là trong những chuyến đi dài, đi xa, nhiều người ngại đi vệ sinh nên ngại uống nước, họ sẽ bị thiếu nước, máu sẽ bị đông vón lại có thể dẫn đến đông tắc mạch máu.

Để tránh mất nước người bệnh nên uống nước thường xuyên và uống thành từng ngụm nhỏ. Tuy nhiên, cũng nên tránh việc để khát nước quá người bệnh lại dùng nước đường, nước ngọt, nước uống có ga để giải khát. Nếu sử dụng những loại nước này thì sẽ làm lượng đường trong máu tăng. Theo bác sĩ Cường, nếu chỉ sử dụng nước uống có ga không thì không sao, nhưng nên hạn chế uống những loại nước có đường.

Bác sĩ Cường cho biết thêm, nếu bình thường người bệnh có thể uống nước lọc, nhưng nếu ra mồ hôi nhiều quá thì uống nước lọc cũng không tốt, lúc đó họ cần phải uống viên bổ sung muối, chống mất nước. Không nên dùng osterol, vì loại này có cả muối và đường glucoze, người đái tháo đường không nên uống có thể làm tăng đường máu.

Vào mùa nóng, nhiệt độ cao có thể khiến người bệnh mệt mỏi, uể oải, chán ăn. Việc người bệnh ăn ít đi có thể khiến họ bị hạ đường huyết. Do đó, họ nên duy trì chế độ ăn uống gần gần như những ngày khác.

Mùa nóng cũng có thêm một nguy cơ với người bệnh đái tháo đường nữa, đó là có rất nhiều hoa quả ngọt như nhãn, vải, xoài... Nếu những người bệnh vô tình ăn nhiều các loại hoa quả này thì có nguy cơ làm tăng đường huyết. Theo bác sĩ Cường, thì thực ra lượng đường ở hoa quả có tùy từng loại, nhưng tầm từ 8-15g/100g quả. Lượng đường này còn ít hơn ở một số loại thực phẩm có tinh bột như khoai, sắn ở mức 22-26g/100g củ.

Điều quan trọng là phải tính toán được lượng đường vào cơ thể. Nếu người bệnh muốn ăn nhiều hoa quả ngọt thì nên giảm bớt lượng cơm hoặc các loại thực phẩm giàu tinh bột khác. Ngoài ra người bệnh có thể ăn một số loại hoa quả nhiều nước, ít đường như cam, bưởi, dưa hấu…

Thanh Thư

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp