(SKGĐ) Khi bị nghẹt mũi và bạn xì mũi không đúng cách có thể làm cho tai của bạn gặp rắc rối...
Từ nghẹt mũi đến ù tai
Thời tiết đang độ giao mùa, mưa nắng thất thường nên gần đây bác Phạm Thị Quế (Thanh Xuân – Hà Nội) khốn khổ vì nghẹt mũi. “Lúc bên trái, khi lại chuyển sang phải, xì mũi cũng chỉ thông được một lúc lại nghẹt. Khổ nhất là về đêm, lúc đi ngủ, cả hai bên mũi cứ như bị ai đổ bê tông, đặc quánh, đành phải thở bằng miệng. Sáng ra đau cổ, khô họng không chịu được. Đã thế vài hôm sau, không chỉ nghẹt mũi mà còn bị ù tai, ngồi ngay bên cạnh mà chẳng nghe thấy người ta nói gì”, bác Quế phàn nàn. Cứ tưởng bệnh xoàng nên bác lần lữa mãi mới chịu đi khám. Khi đến bệnh viện thì bác sỹ cho biết vòi nhĩ của bác đã bị viêm, khiến tai bị ù, giảm thính lực.
Giải thích về tình trạng viêm vòi nhĩ do nghẹt mũi, viêm xoang, BS.CKI. Tai Mũi Họng Nguyễn Hồng Dũng (Phòng khám 63, Lê Quốc Hưng, phường 12, Q.4, Tp.HCM) cho biết: Sở dĩ từ nghẹt mũi có thể dẫn đến ù tai, điếc tai là vì “tai và mũi thông nhau qua vòi nhĩ nhằm giúp cho hòm nhĩ luôn cân bằng áp suất. (Vòi nhĩ còn được gọi là ống thính giác kéo dài từ phần dưới của hòm nhĩ tới phần trên của họng; Mũi hầu đưa không khí bên ngoài vào tai giữa thông qua vòi nhĩ). Bình thường khi nhai hay ngáp, lỗ vòi nhĩ mở ra, không khí từ vùng vòm hầu đi vào tai giữa, giữ cân bằng áp suất trong và ngoài màng nhĩ.
Còn khi bị nghẹt mũi, dịch nhờn tiết ra nhiều, niêm mạc mũi phù nề khiến cho lưu thông không khí bị hạn chế hoặc tắc nghẽn hoàn toàn. Áp suất hòm nhĩ tai giữa âm hơn so với bên ngoài, màng nhĩ sẽ bị hút vào trong, gây cảm giác ù tai, nghe kém. Mặt khác, nếu xì mũi không đúng cách sẽ tống chất nhờn kéo theo cả vi khuẩn lên tai, làm viêm tắc vòi nhĩ, khiến tai càng bị ù hơn”.
Có thể gây điếc
Viêm tắc vòi nhĩ do viêm nhiễm vùng mũi họng không phải là trường hợp hiếm gặp. Bởi khi viêm mũi họng, niêm mạc vùng mũi họng gần cửa vào vòi nhĩ cũng bị sưng lên làm tắc cửa vào vòi nhĩ. Vi trùng từ mũi họng cũng có thể đi vào vòi nhĩ làm viêm toàn bộ ống vòi nhĩ.
Theo BS. Vũ Hải Long, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện 115, Tp.HCM: Vòi nhĩ một khi bị viêm sẽ trở nên sưng phù làm bít tắc đường thông khí. Không chỉ gây ra tình trạng mất cân bằng khí áp giữa trong và ngoài màng nhĩ gây đau tai, giảm thính lực; viêm tắc vòi nhĩ còn dễ gây ra viêm tai giữa, thậm chí là điếc tai nếu để kéo dài. Lý do là vì “vòi nhĩ không thông thoáng sẽ gây ra tình trạng thiếu ôxy cục bộ ở niêm mạc; cùng với áp lực âm tính kéo dài gây tăng tính thấm mao mạch làm thoát dịch ra tai giữa. Dịch tích tụ lâu ngày không có đường thoát sẽ tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi gây viêm tai giữa.”
Ngoài ra, bác sĩ Long nhấn mạnh: Cách nhanh nhất khiến vi trùng từ mũi họng vào tai gây viêm tai là xì mũi không đúng cách. Cố sức hỉ mũi khi mũi đang bị nghẹt sẽ làm dịch bẩn “tống” ngược lên vòi mang theo vi khuẩn vào hòm nhĩ, gây viêm tai giữa.
Cách xì mũi đúng
Xì từng bên, bịt một bên mũi, há miệng, rồi xì mũi bên kia; làm tương tự với bên còn lại. Tốt nhất bạn nên nhỏ hoặc xịt nước muối sinh lý 0,9% vào mũi, để nước muối làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi, xoang, rồi nhẹ nhàng hỉ sạch theo cách trên.
Tự thông vòi nhĩ tại nhà - Bước 1: Làm sạch mũi bằng cách nhỏ nước muối sinh lý 0,9% hỉ sạch dịch nhầy; nhỏ thuốc co mạch để làm thông mũi. (Bạn bắt buộc phải hỉ sạch dịch mũi và làm thông mũi trước khi thực hiện phương pháp này, nếu không dịch mũi sẽ tràn vào hòm nhĩ gây viêm tai giữa). - Bước 2: Hít hơi vào phổi sau đó ngậm miệng, bóp chặt hai cánh mũi và thở mạnh dồn hơi ra mũi. Chú ý: Mũi lúc này bị bịt nên nên không khí bị nén sẽ đẩy mở cửa vòi nhĩ và thoát lên hòm nhĩ. Không khí đẩy vào màng nhĩ làm cho màng nhĩ căng phồng ra ngoài sẽ tạo ra một tiếng “zắc”.
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)