Hợp tác quảng cáo

Ngủ cũng phải biết cách

2:30 PM | 12/01/2015 -
Khỏe +

Giấc ngủ là liều thuốc phục hồi sức khỏe tốt nhất mà mỗi người đều có thể có mà chẳng phải mất đồng chi phí nào vậy thì tại sao chúng ta lại lãng phí liều thuốc ấy?

Ngủ thừa hay thiếu đều gây phiền hà

Chị Hoàng Linh Anh (40 tuổi, ở Phú Mỹ Hưng, Q7, Tp.HCM), nhân viên truyền thông của một hãng thời trang vốn là người rất thích… ngủ. Công việc của chị Linh Anh khá thoải mái về thời gian nên buổi sáng chị thường ngủ nướng thêm một ít. Trung bình mỗi ngày chị ngủ từ 9-10 tiếng. Những ngày cuối tuần được nghỉ ngơi lại không có kế hoạch gì chị thường tự nuông chiều bản thân bằng cách cho phép mình ngủ đến trưa và thường bỏ qua bữa sáng.

Thế nhưng việc thỏa mãn sở thích bản thân lại đem đến cho chị những rắc rối về sức khỏe. Mỗi khi ngủ dậy chị hay bị mệt mỏi, cùng với cảm giác đau lưng, đau đầu. Chị phát hiện ra sức khỏe của mình có phần đi xuống, đáng lo ngại nhất là dạo gần đây chị hay bị khó thở và có cảm giác tức ngực.

Chị Linh Anh đã tìm đến bác sĩ khám để làm rõ nguyên nhân những biểu hiện xuống dốc của sức khỏe. Kết quả kiểm tra khiến chị không thể tin vào tai mình là chị có biểu hiện bị suy tim. Bởi từ trước đến nay chị vẫn tin vào sức khỏe bản thân và tiểu sử gia đình không có ai bị bệnh về tim mạch.

Cũng từng sững người như chị Linh Anh khi nghe thông báo mình bị đái tháo đường ở tuổi 45, anh Nguyễn Hoàng Anh (ở Tam Phú, Thủ Đức, Tp.HCM) kể. Anh vốn là kiến trúc sư nên thường thức đêm để hoàn thành bản vẽ cho kịp tiến độ. Những lần thức đêm như thế anh đều uống nhiều cà phê cho tỉnh táo và luôn thấy công hiệu. Thói quen thức khuya và uống cà phê đấy được anh duy trì trong nhiều năm và mọi việc đều êm xuôi.

Nhưng kể từ khi bước sang tuổi 40 anh bắt đầu bị mất ngủ triền miên. Rất nhiều đêm, dù không cần phải hoàn thành bản vẽ nào anh cũng chẳng tài nào ngủ được trước 2 giờ sáng. Tính ra trung bình anh chỉ ngủ từ 4-5 tiếng/ngày. Vì thiếu ngủ nhiều như thế cơ thể anh bắt đầu bị suy nhược.

Khi đến đợt kiểm tra sức khỏe của công ty qua xét nghiệm bác sĩ phát hiện anh bị đái tháo đường. Không tin tưởng vào kết quả kiểm tra ở công ty, anh đã đến khám lại ở Bệnh viện Đại học Y, Hà Nội dược cho chắc chắn, nhưng kết quả vẫn không thay đổi, bấy giờ anh mới tin mình bị bệnh đái tháo đường.

Ngủ ngon cho sức khỏe vàng

BS. Lâm Đình Phúc (Nguyên trưởng khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết TW; Phó Chủ tịch Hội người Đái tháo đường, Hà Nội) thì, ăn và ngủ là nhu cầu không thể thiếu của con người. Giấc ngủ đêm sau một ngày làm việc giúp cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi nhanh hơn.

Vì khả năng của các tế bào thần kinh là có giới hạn. Con người không thể làm việc liên tục, bởi vì trong lúc hoạt động các tế bào tiêu hao một số năng lượng lớn mà sau đó cần thiết phải được bù đắp ngay. Nếu không được ngủ các tế bào thần kinh sẽ bị phá hủy.

Từ lâu những vấn đề liên quan đến giấc ngủ đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm và nghiên cứu. Dựa vào các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã thấy rằng giấc ngủ kém dễ dẫn đến sự gia tăng cortisol trong cơ thể con người. Đây là một loại hormone làm tăng huyết áp, tăng mức đường huyết và có tác động kháng miễn dịch thường được giới khoa học gọi là “hormone căng thẳng". 

Giấc ngủ kém cũng liên quan tới việc tăng tiết insulin sau bữa ăn khiến nhiều người bị đái tháo đường. TS. James Gangwisch, một nhà nghiên cứu về giấc ngủ ở trường đại học Columbia, Mỹ cũng khẳng định rằng ngủ không đủ có mối liên quan chặt chẽ đến việc mất cân bằng hormone làm ảnh hưởng đến sự ngon miệng, làm tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường, và huyết áp tăng cao.

Chiếu vào những biểu hiện của chị Linh Anh, BS. Lâm Đình Phúc cho rằng không chỉ ngủ ít mới gây hại, việc ngủ quá nhiều cũng gây hại không kém. Ngủ quá nhiều sẽ làm tăng đáng kể lượng cholesterol trong máu đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tim mạch của chị Linh Anh. Còn anh Hoàng Anh do công việc phải thường xuyên thức khuya, ngủ ít đi có thể làm cho đường huyết của anh cao hơn đây là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường.

BS. Phúc cho biết, để tận dụng hết những công dụng của giấc ngủ thì phải có một giấc ngủ khoa học. Từ khoa học nghe có vẻ cao siêu nhưng thực ra để có một giấc ngủ đúng rất đơn giản. Bạn chỉ cần bảo đảm ngủ cho đủ giấc (với người lớn ngủ khoảng 8 tiếng đồng hồ một ngày) và khi ngủ phải chú ý chất lượng của giấc ngủ, ngủ say và ngủ ngon giấc còn quan trọng hơn ngủ thời gian dài hay ngắn.

Chất lượng của giấc ngủ được đánh giá là khi tỉnh dậy bạn cảm thấy toàn thân thoải mái, không còn cảm thấy mệt mỏi, đầu óc tỉnh táo, tinh thần khoan khoái, có thể đi vào công tác và học tập với tinh thần vui vẻ và hào hứng.

Giấc ngủ quan trọng là vậy nên đối với những người thườngng xuyên ngủ không được tốt, phải tìm ra nguyên nhân để ngủ cho ngon giấc tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Một cách giúp giấc ngủ ngon là ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian từ 30 phút đến một tiếng trước khi lên giường đi ngủ. Chỉ có giấc ngủ mới đem lại một sự nghỉ ngơi để phục hồi lại sức khỏe.  

 Diệp Hương

Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp