Đi bộ được xem là một phương pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì vậy, nó là môn thể dục được nhiều người cao tuổi ưa chuộng.
Ảnh minh họa |
Thân thiện với người bệnh tim
Được chẩn đoán là suy tim cấp độ 1, bà Hoàng Thị Thanh (62 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) được các bác sĩ khuyên nên vận động và tập những bài thể dục nhẹ nhàng. Đã hai năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, buổi sáng và chiều tối khi đẹp trời hai ông bà lại đi bộ quanh vườn hoa Lý Thái Tổ khoảng nửa giờ. Sức khỏe và tinh thần bà Thanh có nhiều biến chuyển tốt, bà thấy ăn uống ngon miệng hơn, ngủ ngon hơn, cơ thể khỏe khoắn hơn và bà thấy cuộc sống có nhiều niềm vui hơn.
Giống như những môn thể thao khác, đi bộ giúp tăng cường sức khỏe. Nó thích hợp với những bệnh nhân tim mạch vì không cần tiêu tốn nhiều sức lực, động tác đơn giản, có thể tự điều chỉnh cường độ và thời gian luyện tập.
Phòng ngừa và điều trị tiểu đường
Các nhà khoa học trên thế giới đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu và tìm ra những tác dụng to lớn mà đi bộ đem lại. Đi bộ giúp giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt, qua đó có thể cải thiện độ mỡ trong máu và tăng cường sự dẻo dai của thành mạch để điều hòa huyết áp. Đi bộ cải thiện tuần hoàn huyết, gia tăng sự trao đổi chất, làm tăng mật độ xương nên có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống các chứng loãng xương và viêm đa khớp ở tuổi già. Thông qua việc kiểm soát béo phì và làm tăng độ nhạy của tế bào đối với insulin, đi bộ là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa cũng như điều trị bệnh tiểu đường type 2.
Về mặt nội tiết, đi bộ đều đặn không những làm giảm nội tiết tố stress mà còn giúp tăng tiết serotonin và dopamin, những chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng làm tinh thần phấn chấn, lạc quan giúp chống trầm cảm. Do đó có thể xem đi bộ là một liệu pháp chữa trầm cảm có hiệu quả chẳng khác gì các loại thuốc uống.
Phối hợp với chế độ ăn uống hợp lý, ít chất béo bão hòa, chứa chất arginine (trứng, thịt và thịt gia cầm, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả, rau củ, ngũ cốc và các loại đậu), mỗi ngày đi bộ khoảng trên 3km là một liệu pháp chữa rối loạn cương dương khá hiệu quả.
Giảm nguy cơ tử vong do ung thư
Một nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên Cứu Ung Thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ) được đăng trên tạp chí The American Journal of Medicine số tháng 11/2006 đã cho biết đi bộ đều đặn có thể làm tăng đáng kể sức đề kháng, ngăn chặn cảm cúm và nhiều trường hợp nhiễm trùng khác.
Hội Nghiên Cứu Ung Thư Hoa Kỳ cho biết, thực hành đi bộ có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư vú, ung thư ruột già và ung thư tử cung. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống còn của những người bị ung thư này đã tăng đến 54% nếu đi bộ từ 30-60 phút mỗi ngày. Những nhà khoa học cho rằng, đi bộ đã làm gia tăng các loại tế bào bạch cầu và những loại kháng thể chống lại sự xâm nhập hoặc phát triển của các loại vi trùng, vi khuẩn gây bệnh.
Nhưng không phải lúc nào cũng tốt
Đi bộ cũng giống như những môn thể thao khác, nó sẽ phát huy tác dụng nếu thể trạng của bạn phù hợp. Có nhiều người sau khi luyện tập đi bộ thì đau khớp gối hoặc các khớp khác, đặc biệt là những bệnh nhân đau khớp. Cơn đau này không giảm đi mà ngày một tăng, tỷ lệ thuận với thời gian đi bộ, trong lượng cơ thể, độ dốc, độ gập ghềnh của đường tập.
BS CKII. Nguyễn Mạnh Hải, Phó trưởng Lão khoa, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, thực tế nhiều bệnh nhân đau khớp dù thấy đau cũng vẫn cố gắng tiếp tục tập đi bộ, vì tin rằng sẽ cải thiện được tình hình. Nhưng như thế sẽ chỉ dẫn đến hậu quả là khớp ngày càng tổn thương nhiều hơn. Khi cảm thấy đau tức là dấu hiệu báo động của cơ thể, lúc đó cần phải giúp cơ quan bị bệnh được nghỉ ngơi để hồi phục trở lại. Khớp xương cũng vậy, sự nghỉ ngơi lúc này rất cần thiết và cũng là phương pháp giúp giảm đau. Nếu cứ đi bộ trong khi viêm khớp gối, chắc chắn bạn sẽ bị đau hơn. Tương tự, việc đi bộ với người bị viêm đa khớp cấp sẽ làm cho khớp đau nhiều hơn, đẩy nhanh quá trình biến dạng khớp, thậm chí không đi lại được. Vì vậy, việc làm tốt nhất cho sức khỏe lúc này là nghỉ ngơi, khi các khớp hết sưng thì sẽ tập đi bộ trở lại.
Đối với người cao tuổi bị thoái hóa khớp gối, các lớp sụn khớp bị hư hỏng, trục xương cong vào trong. Càng đi nhiều, vận động nhiều càng làm khớp hư thêm. Từ đó dẫn đến cơn đau khớp khi bệnh nhân đứng hay đi. Vì thế với những bệnh nhân này, người ta khuyến cáo phải hạn chế đi lại. Khi đi bộ, cần phải có nạng hay gậy nâng đỡ để giúp giảm tải trọng lên bề mặt khớp hư.
Vì vậy, người cao tuổi cũng cần thận trọng khi chọn đi bộ để tập luyện. Trước khi bước vào luyện tập cần có sự tư vấn kỹ càng của bác sĩ về mức độ vận động cũng như thời gian đi bộ cần hay sự ảnh hưởng của những bệnh tính khác có liên quan.
Thận trọng với các tai biến - Người quá béo đi bộ có thể đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp gối và khớp đốt sống do đó những người thừa cân nên chọn phương pháp tập luyện khác ít tác động đến cột sống và khớp gối. - Người cao tuổi có bệnh cao huyết áp đi bộ vào sáng sớm cần giữ ấm toàn thân. Phải khởi động toàn thân tại chỗ từ 20 phút làm cho cơ thể ấm lên rồi mới bắt đầu tiến hành tập luyện. - Nên chọn đường bằng phẳng ít xe cộ lưu thông để tránh va chạm gây tai nạn hoặc vật cản dẫn đến té ngã, gãy xương vì tầm nhìn của người già bị hạn chế. - Nên đi theo nhóm để có thể giúp đỡ nhau nếu có sự cố xảy ra trong khi tập luyện. Có đông người trò chuyện cũng sẽ kích thích tinh thần tập luyện hơn.
Hoàng Linh
Theo tạp chí Sống Khỏe