(SKGĐ) Các cụ nhà ta có câu “đi, đứng, nằm, ngồi” cứ theo thứ tự đó mà sống lâu. Qua đó có thể thấy “ngồi” đứng ở cuối cùng cũng đồng nghĩa với việc ngồi sống ngắn nhất. Vậy ngồi nhiều có tác hại như thế nào?
Mối nguy đã được báo trước
Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã đồng nhất quan điểm “Sitting can kill you! – Ngồi có thể giết bạn”. Nghiên cứu của của BS. Hidde Van Der Ploeg thuộc ĐH Sydney (Úc) đã chỉ ra rằng, những người ngồi trên 11h/ ngày thì khả năng tử vong do đột quỵ trong vòng 3 năm tăng 4% so với những người ngồi dưới 4 giờ.
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu tác hại của việc ngồi nhiều, GS.TS. Hoàng Công Đắc (Chuyên khoa ngoại, Bệnh viện Medlatec) cho biết: “Người ngồi nhiều một tư thế, ngồi lâu mỏi nên thường xuyên phải thay đổi tư thế khác nhau. Có nhiều tư thế ngồi không chuẩn dễ mắc các bệnh của các cơ quan, có thể một bệnh hoặc nhiều bệnh kết hợp.
Khi ngồi, chân của chúng ta ngừng hoạt động, cứ mỗi phút tiêu thụ thì giảm 1 calo, lượng enzyme chống béo phì giảm 90%, ngồi trên 24 giờ, lượng cholesterol có lợi giảm 20%. Tất cả diễn biến trên kéo theo nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài bệnh tim mạch, ngồi nhiều sẽ dẫn đến một số bệnh thường gặp như: bệnh xương khớp, loãng xương, các bệnh về thần kinh, hệ tiêu hóa…
Một loạt các bệnh chịu ảnh hưởng của ngồi nhiều
Để tránh một loạt các bệnh sau do ngồi nhiều, bạn hãy tranh thủ tối đa thời gian để đứng dậy và đi lại bất kể khi nào có thể:
Béo phì: Những người ngồi liên tục trên 5 tiếng rưỡi mỗi ngày và những người lười vận động sẽ tăng 125% nguy cơ thừa cân, béo phì so với những người thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao và những người ngồi ít hơn 2 tiếng rưỡi mỗi ngày. Đây là kết quả được rút ra từ nghiên cứu của giáo sư Neville Owen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phòng chống Ung thư Úc.
Tim mạch: Theo các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Ung thư Mỹ sau khi khảo sát ở 123.000 người trong hơn 14 năm, thì ngồi lâu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, trầm cảm và béo phì. Khi ngồi nhiều, toàn bộ phần dưới của chúng ta hầu như ít hoạt động, do đó hệ thống tĩnh mạch dễ giãn, hệ thống van tính mạnh bị suy gây phu nề chi dưới buổi chiều, gây ứ trệ tuần hoàn tinh mạch, gây đau nhức dọc theo đường đi của tĩnh mạch. Bên cạnh đó, ngồi quá lâu còn gây ra những tác hại nguy hiểm cho sự chuyển hoá trong cơ thể, nhất là đối với tỉ lệ cholesterol và lượng đường trong máu.
Xương khớp: Trong tư thế ngồi, trọng lượng của nửa cơ thể sẽ dồn về cột sống, điểm chịu áp lực lớn nhất là đốt sống thắt lưng, đốt sống cổ... Do đó, những người ngồi nhiều thường cảm thấy đau mỏi vai gái, thắt lưng, đau đầu hoa mắt, các cơ vai gái hay bị chuột rút. Bởi các vùng cột sống sẽ bị tỳ đè nhiều sẽ làm tăng áp lực, đẩy lồi các đĩa điệm khiến các tổ chức đĩa đệm dễ gây phù nề, lâu ngày sẽ có nguy cơ bị sơ hóa. Việc này gây chèn ép các rễ thần kinh từ tủy sống đi ra, ở vùng thắt lưng và thấp hơn là vùng rễ tập trung đi xuống chi phối đùi cẳng chân gọi là thần kinh tọa.
Các căn bệnh về hệ hô hấp: Theo GS.TS. Trần Văn Sáng, ĐH Y Hà Nội, văn phòng là ổ lây truyền các bệnh qua đường hô hấp vì đó là không gian kín, kém lưu thông không khí. Chỉ cần có người mắc cúm, quai bị phát tán ra mầm bệnh sẽ dễ dàng lây lan cho người khác. Một số bệnh nguy hiểm lây qua đường hô hấp: cúm, quai bị, sởi, lao… Việc phòng bệnh lây qua đường hô hấp khó khăn bởi hít thở là nhu cầu thiết yếu, có thể lây lan ngay từ giai đoạn ủ bệnh, khi người mang mầm bệnh chưa có biểu hiện bệnh.
Chết sớm: Những ai ngồi lâu dễ có nguy cơ chết sớm hơn so với những người khác. Cụ thể, nguy cơ này tăng 40% ở phụ nữ và khoảng 20% ở nam giới. Theo một nghiên cứu của BMJ Open, khi giảm thời gian ngồi xuống dưới 3h/ngày, tuổi thọ dự tính của người Mỹ sẽ tăng lên đến 2 năm. Ngoài ra, khi giảm thời gian ngồi xem TV xuống dưới 2h/ngày cũng sẽ giúp tăng thêm 1,4 năm tuổi thọ nữa.
Suy giảm trí nhớ: Một khảo sát đã được công bố trên tờ Annals of Behavioral Medicine đã phân tích mối liên hệ giữa việc ngồi lâu và trí tuệ con người. Trong 3.5000 người được khảo sát, thời gian ngồi ngoài giờ làm việc tỷ lệ nghịch với sức khỏe trí tuệ của người phụ nữ. Nghĩa là, sau giờ làm việc. Phụ nữ càng ngồi nhiều thì chỉ số thông minh của họ ngày càng giảm đi. Liên hệ này ít hơn đối với nam giới, chỉ thời gian ngồi trước máy tính mới ảnh hưởng đến sức khỏe trí tuệ của họ.
Bệnh thận: Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Leicester (Anh) đã tiến hành phân loại hơn 5.600 người tuổi từ 40-75 theo thời thời gian họ ngồi mỗi ngày và mức độ hoạt động thể chất từ mức trung bình đến nặng. Kết quả cho thấy, phụ nữ ngồi dưới 3h/ngày giảm được hơn 30% nguy cơ bị bệnh thận mạn tính so với phụ nữ ngồi hơn 8h/ngày. Tương tự nam giới ngồi dưới 3h/ngày giảm được hơn 15% nguy cơ bị bệnh thận mạn tính so với nam giới ngồi hơn 8h/ngày.
Chìa khóa chính là vận động - Để hạn chế “chết sớm” vì phải ngồi nhiều, PGS.TS. Hoàng Công Đắc khuyên những người có xu hướng hạn chế vận động, mất cân bằng vận động trong ngày cần: cân bằng các vận động như: ngồi, đứng đi bộ và các hoạt động khác. Ba hoạt động được cho là tốt nhất với người ngồi nhiều: gập thân, đi bộ và nhảy tại chỗ. - Sau giờ làm việc cần tranh thủ đi bộ để bù vào thời gian ngồi làm việc. Nên tập thể dục hợp lý sau mỗi giờ làm việc bằng cách đứng dậy, vươn vai… Nên thư giãn trên ghế bằng thay đổi tư thế ngồi: ngả trên ghế 135 độ và nhắm mắt, thả lỏng người là giải pháp tình thế có thể tận dụng. “Bỏ ngay thói quen dùng ghế có bánh xe để di chuyển trong phòng làm việc, vì đứng dậy đi lại là đã cho thêm một khoảng thời gian sống” tiến sỹ Đắc kết luận. |
Trần Nguyễn