Đau tim là một tình trạng y tế khẩn cấp, người bệnh cần được can thiệp nhanh chóng để tăng cơ hội sống và giảm sự tổn thương tim. Các triệu chứng của cơn đau tim có nhiều sự thay đổi giữa các bệnh nhân, các mức độ nặng nhẹ rất khác nhau.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) ước tính mỗi năm có gần 735.000 người bị đau tim ở nước này và giết chết tới 610.000 người. Thế giới mỗi năm có 7,3 triệu người chết do đau tim. Ở Việt Nam tỷ lệ bệnh nhân đau tim hàng năm tăng từ 15-20%.
Và điều đáng buồn là kẻ giết người thầm lặng này đang có xu hướng tăng và ngày càng trẻ hóa trong xã hội hiện đại khi tỷ lệ người trẻ mắc ngày càng nhiều.
Tỉ lệ bệnh nhân đau tim trên toàn cầu ngày càng tăng |
Tuy nhiên, đau tim là có thể phòng ngừa được. Hiểu rõ nguyên nhân và phát hiện sớm có thể giúp giảm nguy cơ tử vong và có các triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện thậm chí nhiều tháng trước khi cơn đau tim xảy ra.
Nguyên nhân của cơn đau tim
Cholesterol máu lắng đọng, tích tụ sẽ tạo nên các mảng xơ vữa bên trong thành động mạch cung cấp máu đến cơ tim. Các mảng xơ vữa này làm thành động mạch hẹp dần, khả năng cung cấp máu và oxy đến cơ tim giảm.
Khi lòng động mạch bị hẹp đến một mức độ nào đó (thông thường là hẹp hơn 50% khẩu kính lòng mạch), cơ tim sẽ bị thiếu máu và oxy gây nên cơn đau thắt ngực. Nếu bệnh mạch vành không được kiểm soát tốt, tình trạng tắc nghẽn ngày càng xấu đi, một vài động mạch vành có thể bị tắc hoàn toàn và gây cơn đau tim.
Tuy nhiên, bệnh mạch vành trong một số trường hợp không diễn ra từ từ. Các mảng xơ vữa có thể vỡ ra gây tắc động mạch đột ngột, dòng máu đến phần cơ tim bị tắc hoàn toàn, các tế bào của phần cơ tim đó sẽ bị tổn thương vĩnh viễn.
8 dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim
1. Đau ngực
Cảm giác đau ngực theo cơn hoặc căng tức như bị ép bởi vật nặng |
Hầu hết các cơn đau tim liên quan đến sự khó chịu ở vùng ngực trái hay giữa ngực. Cảm giác đau nhói theo cơn hoặc căng tức như bị ép bởi vật nặng. Cơn đau ở ngực thường kéo dài vài phút, nó biến mất và sau đó lại xuất hiện trở lại.
Cần nhấn mạnh rằng không phải ai cũng có cơn đau ngực điển hình, cơn đau có thể nhẹ, thoáng qua nên có thể bỏ qua hay nhầm lẫn với các biểu hiện của bệnh lý khác như triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, trào ngược của dạ dày. Trong một số trường hợp, có thể không có bất kỳ cơn đau ngực nào cả, đặc biệt là ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nên khi muốn xác định một người có bị đau tim không cần kết hợp các triệu chứng chứ không chỉ dựa vào mức độ đau ngực.
2. Khó thở
Cơn đau tim có thể làm giảm khả năng bơm máu đi khắp cơ thể của tim. Khi máy bơm không hoạt động, chất dịch có thể tích tụ vào các mô như phổi. Dịch trong phổi sẽ khiến phổi khó hoạt động, có thể gây ra tình trạng khó thở.
Khó thở có thể bắt đầu sáu tháng trước khi cơn đau tim xảy ra.
3. Ra nhiều mồ hôi
Ra nhiều mồ hôi có thể cho thấy khả năng bạn đang bị đau tim |
Nếu bạn ra nhiều mồ hôi hơn bình thường vào cả ban ngày và ban đêm dù nhiệt độ không khí phù hợp hoặc bạn vận động rất ít, điều này có thể cho thấy khả năng bạn đang bị đau tim. Tuy nhiên, triệu chứng này thường xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn.
4. Choáng ngất
Chóng mặt hoặc cảm giác sắp ngất thường là do máu không lên não được. Từ các vấn đề về nhịp tim, đến các vấn đề về bơm máu lên não, bệnh nhân bị đau tim thường cảm thấy choáng ngất.
5. Ợ nóng
Ợ nóng thường xuyên cũng có thể là một dấu hiệu bệnh tim đang tiến triển dần dần. Trào ngược axit và trào ngược dạ dày thực quản không chỉ liên quan tới dạ dày. Nếu tim không bơm máu tối ưu, có rất ít máu chảy tới ruột gây trở ngại cho quá trình tiêu hóa, do vậy gây trào ngược axit. Nếu bạn bị trào ngược axit một thời gian và đối mặt với các triệu chứng tương tự và phải uống thuốc, bạn nên đi khám tim để sàng lọc.
6. Phình tĩnh mạch cổ
Trái tim là một cỗ máy bơm đẩy máu đi khắp cơ thể. Nếu tim bị tổn thương, như khi bị đau tim, máy bơm sẽ ngừng hoạt động. Điều này có thể khiến máu trào ngược vào các tĩnh mạch dẫn về tim, dẫn đến các tĩnh mạch cổ bị phồng lên.
7. Mệt mỏi
Khi bị đau tim, bạn có thể mệt mỏi ngay cả khi làm những việc nhẹ nhàng |
Bạn có thể bị mệt mỏi do áp lực công việc, thiếu ngủ. Nhưng mệt mỏi do bệnh tim có biểu hiện khác. Năng lượng dự trữ sẽ chỉ còn đến giữa ngày, và bạn có thể mệt mỏi ngay cả khi làm những việc nhẹ nhàng, như ngồi vào bàn và tập trung làm việc. Điều này cho thấy tim bạn đang phải gắng sức để bơm máu và đảm bảo nhu cầu hoạt động.
Mệt mỏi thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Ước tính cho thấy 70% phụ nữ bị mệt mỏi. Tình trạng này có thể gây ra mệt mỏi cực độ, thiếu sinh lực và động lực. Mức độ mệt mỏi tăng vào cuối ngày.
8. Rụng tóc
Rụng tóc là một hiệu ứng quen thuộc của tuổi già. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó cũng có thể là triệu chứng của cơn đau tim. Các chuyên gia cho biết người bệnh đột nhiên rụng tóc do nồng độ cortisol - hormon stress – tăng cao hơn trong cơ thể.
Cách xử trí cơn đau tim
Khi xuất hiện cơn đau tim, bạn nên dừng ngay các hoạt động đang làm, bạn có thể nằm xuống hoặc dựa theo tư thế nửa nằm nửa ngồi, tránh di chuyển. Thông thường cơn đau sẽ tự qua đi khi nghỉ ngơi như vậy, tuy nhiên nếu cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên dùng thuốc và gọi cấp cứu ngay.
Những cách để hạn chế cơn đau tim
Để phòng chống căn bệnh này, mọi người cần:
Chế độ ăn uống phù hợp:
Để hạn chế cơn đau tim, chúng ta cần có chế độ ăn uống hợp lý
Có khẩu phần ăn hợp lý, giảm tinh bột, giảm mỡ. Ăn trái cây, ăn ít thịt thay bằng cá. Thay thế bơ và pho mát bằng các sản phẩm từ dầu thực vật như dầu ô liu. Không nên dùng thực phẩm bổ sung trước khi tham khảo ý kiến bác hoặc các chuyên gia. Một số chất bổ sung (ví dụ như beta-caroten) có khả năng gây hại.
Lối sống lành mạnh:
Không nên hút thuốc lá: nếu đã từng hút thuốc thì nên cai thuốc vì sức khỏe của chính mình Không nên uống rượu,bia: uống nhiều rượu, và thức uống có cồn làm tăng huyết áp, nồng độ cholesterol và tăng nguy cơ xuất hiện cơn đau tim khác. Kiểm soát cân nặng: nếu đang trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì, bạn nên giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách kết hợp thể dục và chế độ ăn kiểm soát calo dành cho người béo phì.
Thường xuyên tập luyện thể dục
Luyện tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp người bệnh kiểm soát cân nặng, ổn định huyết áp, nhịp tim cũng như đường huyết. Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn các động tác vừa phải, nhẹ nhàng và tăng dần cường độ. Tuyệt đối tránh những hoạt động thể lực nặng như nâng tạ, chạy bộ hay những bài tập đòi hỏi phải căng, duỗi cơ liên tục.
Trên thực tế, không hiếm các trường hợp đột tử do đau tim, ngừng tim xảy ra đối với vận động viên khỏe mạnh, thanh niên và trẻ em… Vì vậy, tốt nhất bạn nên chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng, đừng chờ “nước tới chân mới nhảy”. Hãy cố gắng thực hiện lối sống lành mạnh và nhận biết sớm những triệu chứng của cơn đau tim, trong tương lai có thể dự phòng được cơn đau tim cũng như tránh được các hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin