Nhồi máu cơ tim là nguyên nhân nguy hiểm hàng đầu đe doạ tính mạng con người. Theo ước tính, cứ sau 40 giây lại có một người ở Hoa Kỳ lên cơn nhồi máu cơ tim. Vậy, nhồi máu cơ tim là bệnh gì? Bệnh xảy ra là do đâu? Làm thế nào để nhận biết và điều trị kịp thời, hiệu quả?
1. Bệnh nhồi máu cơ tim là gì?
Đau tim, còn được gọi là nhồi máu cơ tim, xảy ra khi một phần cơ tim không nhận đủ máu. Khi nguồn cung cấp oxy nuôi dưỡng tim bị cắt, cơ tim sẽ hoại tử gây triệu chứng đau ngực dữ dội. Tùy theo bao nhiêu cơ tim bị hủy, bệnh có thể nhẹ hoặc nặng. Thời gian trôi qua càng lâu mà người bệnh không được điều trị để phục hồi lưu lượng máu, cơ tim bị tổn thương càng lớn. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Thực tế, một cơn nhồi máu cơ tim có thể kéo dài trong nhiều giờ. Do đó, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu nghi ngờ bản thân đang gặp phải tình trạng nguy hiểm này. Đa số các cơn nhồi máu cơ tim bắt đầu bằng cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng trong một vài trường hợp, nhồi máu cơ tim có thể diễn ra trong âm thầm và không bộc lộ bất kỳ dấu hiệu nào.
2. Triệu chứng của nhồi máu cơ tim
Triệu chứng cảnh báo nhồi máu cơ tim khác nhau ở nam và nữ - (Ảnh: Freepik). |
Đừng chờ đợi để được trợ giúp nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu cảnh báo đau tim nào sau đây. Một số cơn đau tim đột ngột và dữ dội, nhưng hầu hết chúng bắt đầu từ từ, với cảm giác đau nhẹ hoặc khó chịu. Hãy chú ý đến cơ thể và gọi cấp cứu ngày nếu bạn gặp phải các tình trạng dưới đây:
Khó chịu ở ngực: Hầu hết các cơn đau tim liên quan đến cảm giác khó chịu ở vùng giữa ngực kéo dài hơn vài phút hoặc nó có thể biến mất và sau đó trở lại. Cảm giác khó chịu có thể cảm thấy như bị đè nén, ép chặt, đầy hơi hoặc đau.
Khó chịu ở các vùng khác của cơ thể: Các triệu chứng có thể bao gồm đau hoặc khó chịu ở một hoặc cả hai cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày.
Khó thở: Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra khi người bệnh có cảm giác khó chịu ở ngực.
Các dấu hiệu khác: Các dấu hiệu có thể khác bao gồm đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn hoặc choáng váng.
Nên lưu ý rằng các triệu chứng cảnh báo nhồi máu cơ tim khác nhau giữa nam và nữ.Trong đó, triệu chứng ở nam giới thường là đau hoặc nặng ngực, đau hoặc khó chịu ở phần trên của cơ thể, nhịp tim nhanh hoặc bất thường, khó tiêu, khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, chóng mặt, choáng váng, toát mồ hôi lạnh.
Triệu chứng điển hình ở phụ nữ bao gồm: mệt mỏi bất thường trong vài ngày, rối loạn giấc ngủ, lo lắng, chóng mặt, khó thở, khó tiêu, buồn nôn/ nôn, đau lưng, vai hoặc cổ họng.
Điều quan trọng cần biết là không phải ai cũng bị đau ngực dữ dội. Điều này đặc biệt xảy ra với nhiều phụ nữ. Cơn đau thường có thể nhẹ và bị nhầm với chứng khó tiêu.
Vì vậy cần phải kết hợp các dấu hiệu để xác định xem một người có đang bị đau tim hay không chứ không phải mức độ nghiêm trọng của cơn đau ngực.
3. Nguyên nhân gây bệnh nhồi máu cơ tim là gì?
Theo các chuyên gia, bệnh mạch vành (CHD) là nguyên nhân hàng đầu gây ra các cơn đau tim. Bệnh mạch vành xảy ra khi các mạch máu chính cung cấp cho tim bị tắc nghẽn do tích tụ cholesterol, quá trình này sẽ tạo thành các mảng bám trên thành mạch máu. Trước một cơn đau tim, một trong các mảng vỡ ra, gây ra cục máu đông phát triển tại vị trí bị vỡ. Cục máu đông có thể ngăn chặn nguồn cung cấp máu cho tim, gây ra nhồi máu cơ tim.
4. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim
Những người trên 65 tuổi có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn - (Ảnh: Freepik). |
Một số yếu tố có thể khiến bạn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Một số yếu tố bạn không thể thay đổi, chẳng hạn như tuổi tác và bệnh sử gia đình. Các yếu tố khác là những yếu tố bạn có thể thay đổi.
Các yếu tố mà bạn không thể thay đổi bao gồm:
- Tuổi tác: Những người trên 65 tuổi có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
- Bệnh sử gia đình: Yếu tố di truyền có thể liên quan đến bệnh nhồi máu cơ tim. Các chuyên gia cho rằng, nguy cơ mắc bệnh của một người sẽ tăng lên nếu có người thân trong gia đình từng bị bệnh tim mạch,, huyết áp cao, béo phì hoặc tiểu đường.
Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim mà bạn có thể sửa đổi:
- Thường xuyên hút thuốc
- Hàm lượng cholesterol trong cơ thể cao
- Béo phì
- Lười tập thể dục
- Ăn kiêng và uống rượu
- Hay bị căng thẳng
5. Các biến chứng của nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh - (Ảnh: Freepik). |
Các biến chứng của cơn đau tim có thể nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng. Bao gồm:
- Loạn nhịp tim: Nhịp tim của người bệnh bắt đầu thường, ngày càng đập nhanh hơn và sau đó ngừng đập (hay còn gọi là ngừng tim).
- Sốc tim: Hiện tượng các cơ tim bị tổn thương nghiêm trọng và không còn có thể co bóp bình thường để cung cấp đủ máu để duy trì nhiều chức năng của cơ thể.
- Vỡ tim: Các cơ, thành hoặc van tim tách ra, bị vỡ.
Những biến chứng này có thể xảy ra nhanh chóng sau cơn đau tim và là nguyên nhân tử vong hàng đầu.
Nhiều người chết đột ngột do biến chứng của nhồi máu cơ tim trước khi đến bệnh viện hoặc trong tháng đầu tiên sau cơn đau tim.
Khả năng sống sót thường phụ thuộc vào:
- Tuổi tác: các biến chứng nghiêm trọng có nhiều khả năng xảy ra khi bạn già đi.
- Mức độ nghiêm trọng của cơn đau tim: bao nhiêu cơ tim đã bị tổn thương trong cơn đau.
- Thời gian cấp cứu: điều trị cơn đau tim càng nhanh thì càng ít bị biến chứng.
6. Nhồi máu cơ tim làm ảnh hưởng tới tuổi thọ như thế nào?
Theo tài liệu của Thư viện Y khoa Hoa Kỳ, nghiên cứu tuổi thọ của những người bệnh từng có biến chứng nhồi máu cơ tim cho kết quả:
- Nam giới: 80% sống được thêm 1 năm sau khi nhồi máu cơ tim xảy ra, 61.6% sống được trên 5 năm, 46.2% sống được trên 10 năm.
- Nữ giới: Tỷ lệ tử vong sớm ở phụ nữ cao hơn 45% so với nam giới.
Bên cạnh đó, người bệnh có nguy cơ tái phát cơn nhồi máu cơ tim thứ hai, khoảng 13% nam giới và 40% phụ nữ trong vòng 5 năm. Những người này cũng có nguy cơ bị suy tim cao hơn người khác.
Nhồi máu cơ tim thực sự đáng sợ, vì có trường hợp may mắn được cứu sống, cũng có người tử vong ngay sau 15 phút mắc phải. Nhưng nó không phải là căn bệnh vô phương cứu chữa vì bạn có thể hoàn toàn có thể phòng bệnh được. Khi bản thân bạn sống lành mạnh, bạn vẫn có thể tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim xảy ra.
7. Bệnh nhồi máu cơ tim có chữa được không?
Điều trị nhồi máu cơ tim càng sớm, tỷ lệ thành công càng cao. Ngày nay, với nền y học phát triển, nếu được phát hiện kịp thời, hầu hết các cơn đau tim đều có thể được xử lý một cách hiệu quả bằng sự kết hợp giữa các giải pháp khác nhau, bao gồm:
- Nong mạch: Nong mạch mở động mạch bị tắc bằng cách sử dụng một quả bóng hoặc bằng cách loại bỏ mảng bám tích tụ.
- Stent: Stent là một ống lưới thép được đưa vào động mạch để giữ nó mở ra sau khi nong mạch.
- Phẫu thuật bắc cầu tim: Trong phẫu thuật bắc cầu, bác sĩ định tuyến lại máu xung quanh chỗ tắc nghẽn.
- Phẫu thuật van tim: Trong phẫu thuật thay van, các van bị rò rỉ của bạn sẽ được thay thế để giúp tim bơm.
- Máy tạo nhịp tim: Máy tạo nhịp tim là một thiết bị được cấy bên dưới da. Nó được thiết kế để giúp tim của bạn duy trì nhịp điệu bình thường.
- Ghép tim: Việc cấy ghép được thực hiện trong những trường hợp nghiêm trọng khi cơn đau tim đã gây ra cái chết vĩnh viễn cho hầu hết các mô của tim.
Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc để điều trị nhồi máu cơ tim, bao gồm:
- Aspirin
- Thuốc để phá vỡ cục máu đông
- Thuốc chống kết tập và chống đông máu, còn được gọi là chất làm loãng máu
- Thuốc giảm đau
- Nitroglycerin
- Thuốc huyết áp
8. Phục hồi sau điều trị và phòng ngừa nhồi máu cơ tim hiệu quả
Sống lành mạnh để làm giảm nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim - (Ảnh: Freepik). |
Việc theo dõi sức khỏe sau cơn nhồi máu cơ tim rất quan trọng, giúp đánh giá hiệu quả điều trị cũng như phát hiện sớm những nguy cơ tái phát trong tương lai. Vì vậy, kể cả sức khỏe đã ổn định, bạn vẫn nên đến bệnh viện khám lại đúng lịch hẹn.
Có 5 bước chính bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc giảm nguy cơ tái phát cơn nhồi máu cơ tim thứ hai:
- Bỏ thuốc lá
- Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì
- Tập thể dục thường xuyên - người lớn nên thực hiện ít nhất 150 phút (2 giờ 30 phút) hoạt động aerobic cường độ trung bình mỗi tuần để tim được khỏe mạnh hơn
- Xây dựng chế độ ăn tốt cho tim: Ăn một chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt và ít nhất 5 phần trái cây và rau mỗi ngày
- Hạn chế uống rượu, bia: chỉ nên sử dụng dưới 2 ly rượu vang, 1 cốc rượu mạnh hoặc 1 lon bia mỗi ngày.
Có thể khẳng định bệnh nhồi máu cơ tim thực sự rất nguy hiểm. Tuy nhiên, khi bị nhồi máu cơ tim không có nghĩa là người bệnh không còn cơ hội sống. Sống được bao lâu là tùy thuộc vào bản thân người bệnh, người bệnh càng tích cực điều trị và thả lỏng tinh thần, tuổi thọ càng được kéo dài. Bên cạnh đó, vì nhồi máu cơ tim nguy hiểm nên tốt nhất chúng ta cần sống lành mạnh để giảm tối thiếu nguy cơ phát bệnh.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin