Hợp tác quảng cáo

Những bệnh dễ mắc phải trong thời tiết nắng nóng kéo dài

11:50 AM | 26/04/2019 -
Khỏe +

Trong những ngày gần đây, nhiệt độ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đang ở mức rất cao, có nơi lên đến 40 độ C, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.

Những bệnh dễ mắc phải trong mùa nắng nóng

Bệnh lý tiêu hóa

Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp rất dễ xảy ra khi nhiệt độ kéo dài 37-38 độ C. Ở điều kiện này, nấm mốc, vi khuẩn phát triển, khiến thức ăn mau hư hỏng và dễ bị hôi thiu hơn bình thường, nếu không cẩn thận sẽ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy. Ngoài ra khi nóng, chúng ta sẽ tìm cách uống mọi loại nước nhằm thỏa cơn khát, do đó dễ uống phải các loại nước giải khát không rõ nguồn gốc đã bị nhiễm bẩn.

Nhung benh de mac phai trong thoi tiet nang nong keo dai

Ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa: Khi thời tiết quá nóng, hệ tiêu hóa kém hoạt động, ít bài tiết dịch tiêu hóa, khả năng hấp thu cũng kém đi nên ăn không ngon, chán ăn. Bạn cũng dễ bị đầy bụng, khó tiêu, đi ngoài phân sống.

Bệnh lý về tim mạch

Bệnh nhân có tiền sử tim mạch dễ trở nặng hơn hoặc không còn đáp ứng với điều trị thông thường. Các bệnh có thể gặp là cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và tai biến mạch máu não.

Ở người lớn tuổi, nếu thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng sang lạnh (do quá nóng, chạy nhanh vào phòng máy lạnh) sẽ làm các mạch máu co lại đột ngột, sẽ dẫn đến thiếu máu não, hoặc lên cơn nhồi máu cơ tim.

Nhung benh de mac phai trong thoi tiet nang nong keo dai

Trời quá nóng còn khiến đổ mồ hôi gây mất nước, nếu không uống đủ nước để bù lại, máu dễ bị cô đặc lại làm tăng gánh nặng cho tim và làm cho dòng máu lưu thông không lưu loát. Tình trạng này dễ khiến mạch máu bị ứ trệ và tắc nghẽn dòng máu gây nhiều biến chứng.

Bệnh lý hô hấp

Viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản cấp, viêm phổi là những bệnh thường thấy. Các bệnh nhân có tiền sử viêm phế quản mạn tính, hen suyễn dễ bị lên các cơn kịch phát vì dễ bị nhiễm trùng hô hấp. Nguyên nhân do khí hậu nóng nực làm khô và tổn thương niêm mạc đường hô hấp.

Nhung benh de mac phai trong thoi tiet nang nong keo dai

Ở nhiệt độ thông thường, vùng mũi họng sẽ có một chất nhầy với chức năng giống như chất sát khuẩn dùng để giữ vi khuẩn, virus và tống ra ngoài cơ thể. Với khí hậu khô nóng, cơ thể mất nước, niêm mạc vùng hầu họng khô lại và khi sử dụng máy lạnh, quạt máy liên tục sẽ khiến cho niêm mạc mũi họng càng bị khô, trầy xước nên vi khuẩn, virus dễ xâm nhập vào sâu bên trong gây bệnh.

Bệnh về hệ thần kinh trung ương

Trời nóng quá sẽ dễ làm chúng ta bị say nắng (say nóng) làm choáng váng, vã mồ hôi, ngất xỉu. Bệnh nhân bị tổn thương não bộ do quá nóng làm cơ thể mất hoàn toàn khả năng điều hòa thân nhiệt và làm suy đa cơ quan phủ tạng, rất dễ tử vong. Triệu chứng bao gồm sốt cao 41- 42 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt, bệnh nhân bị co giật, nói sảng, thậm chí hôn mê, tim chậm hoặc loạn nhịp tim, huyết áp thấp...

Nhung benh de mac phai trong thoi tiet nang nong keo dai

Nắng nóng sẽ nguy hiểm cho trẻ sơ sinh khi mà hệ tim mạch, hô hấp và não bộ chưa hoàn chỉnh để ứng phó, điều hòa theo nhiệt độ môi trường. Với trẻ nhỏ, hệ da và hệ tuần hoàn cũng còn yếu. Trẻ nhỏ lại chưa ý thức được khi nào cần uống đủ nước, ăn uống giữ vệ sinh. Ngoài ra, người lớn trên 60 tuổi cũng là đối tượng dễ mắc bệnh mùa nóng do sức đề kháng giảm, các cơ quan đã lão hóa.

Sốc nhiệt (Đột quỵ do nhiệt)

Đây là loại bệnh có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Nguyên nhân là do bị mất muối và nước kéo dài đi kèm sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt. Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ làm tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận đặc biệt là hệ thần kinh. Nhiệt độ cơ thể nạn nhân có thể lên đến trên 400C, có kèm các triệu chứng thần kinh (đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật thậm chí hôn mê…).

Nhung benh de mac phai trong thoi tiet nang nong keo dai

BS. Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết khi thấy triệu chứng của bệnh này thì phải sơ cứu tạm thời bằng cách cho người bị nạn nằm đầu thấp, di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao, làm giảm nhiệt cho nạn nhân như dùng quạt hay ngâm người bị nạn trong nước mát vài phút, dùng gạc có thấm nước lạnh hay nước đá đặt ở các vùng trên cơ thể như đã hướng dẫn ở trên; đồng thời gọi điện thoại cho bộ phận cấp cứu để chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.

Bệnh truyền nhiễm

Trong giai đoạn chuyển mùa điều kiện môi trường rất thuận lợi cho các loại siêu vi phát triển. Mùa nắng nóng là thời điểm làm trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khiến trẻ dễ bị sốt, phát ban, nôn ói, quấy khóc, bỏ ăn. Đặc biệt trẻ thường hay mắc các bệnh như sởi, thủy đâu, tay chân miệng. Nửa đầu năm 2014, cả nước ghi nhận hơn 20.500 trường hợp mắc tay chân miệng tại 62/63 tỉnh thành, trong đó có 02 ca tử vong. Các tỉnh thành ở phía Nam số ca bệnh chiếm tới 80,4% so với cả nước.

Nhung benh de mac phai trong thoi tiet nang nong keo dai

Bệnh về da

Thời tiết oi bức, tuyến mồ hôi và tuyến nhầy sẽ tăng cường hoạt động để thải nhiệt cho cơ thể, gây ra tình trạng ẩm ướt tại các vùng như lưng, trán, cổ, kẽ tay, chân và bẹn. Nếu không chú ý vệ sinh, những chất này không thoát hết sẽ ứ đọng trong ống bài tiết của da làm bít lỗ chân lông và kết hợp với vi khuẩn gây viêm da và nấm da. Trường hợp bị bội nhiễm nặng còn có thể gây sốt cao.

Nhung benh de mac phai trong thoi tiet nang nong keo dai

Cách phòng ngừa bệnh trong mùa nắng nóng?

Để phòng các bệnh mùa nóng việc vệ sinh phòng ở, nơi ăn, vệ sinh cá nhân vẫn là quan trọng nhất. Hạn chế ăn thức ăn ngoài đường phố. Nên để nhiệt độ trong phòng không cách biệt quá 5OC đối với nhiệt độ bên ngoài. Có chế độ ăn, uống đầy đủ chất để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Với những người mắc bệnh mãn tính cần phải sử dụng thuốc, chế độ ăn uống theo đúng y lệnh của bác sĩ để kiểm soát được sự thay đổi của đường huyết, huyết áp..., đặc biệt trong những ngày thời tiết thay đổi. Những người mắc bệnh mãn tính cần kiểm soát được bệnh ngay từ nhà, tránh thức khuya, lối sống sinh hoạt đúng cách, ăn uống đầy đủ.

Với những người mắc bệnh cấp tính như tay chân miệng, bệnh viêm đường hô hấp... nếu không giữ vệ sinh tốt sẽ lây lan cho gia đình, cộng đồng.

Quỳnh Hoa (T.H)

Theo Tạp chí Sống khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp