Hợp tác quảng cáo

Những cảnh báo về loãng xương

4:02 PM | 27/10/2015 -
Khỏe +

Thủ phạm là đâu khi chỉ vì một cú va chạm nhẹ ta có thể bị gãy xương?

Hơn 1-2 năm nay chị Hoàng Mai Hoa (47 tuổi - Thủ Đức, Tp.HCM) thấy sức khỏe của mình kém hẳn. Chị không cầm hay mang vác được vật gì nặng, cầm chổi quét nhà một lúc đã thấy tay mỏi nhừ, mỗi khi ngồi làm việc lâu một chút khi đứng lên xương khớp trên người cứ kêu răng rắc và lưng thì đau nhức… Thấy cơ thể mình bất ổn, chị Hoa đã đến Bệnh viện Nhân dân khám và được bác sĩ cho biết chị đang bị loãng do cơ thể thiếu canxi và biến dưỡng trong xương cũng bị kém đi…

Trường hợp của chị Hoa chỉ là một trường hợp loãng xương nhẹ trong số hơn 2,5 triệu người Việt đang bị loãng xương hiện nay. Con số đáng báo động này đang khiến ngành y tế Việt Nam lo ngại về những biến chứng do loãng xương gây ra trong thời gian tới. PGS, TS. Lê Anh Thư (Chủ tịch Hội Loãng xương Tp.HCM) cho biết, biến chứng của loãng xương có thể khiến 20% người bệnh bị tử vong và có đến 50% người bị thương tật ở xương vĩnh viễn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tránh bị loãng xương

BS. Hồ Phạm Thục Lan (Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115) cho rằng: Để phòng chống bệnh loãng xương được hiệu quả thì việc đầu tiên là cần xây dựng hệ xương vững chắc ngay từ khi còn trẻ.

Ngay từ lúc trẻ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý để đạt mức độ đỉnh tối đa của mật độ xương. Bởi, nếu khối lượng xương đỉnh lúc trưởng thành tăng 10% sẽ giảm được 50% nguy cơ gãy xương do loãng xương trong suốt cuộc đời. Khi về già cũng cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và vận động thể lực vừa phải để tránh bị mất xương. Trong dinh dưỡng, nên chú trọng đến các thành tố có ích cho sức khỏe của xương.

Cần bổ sung canxi đầy đủ cho cơ thể. Canxi là thành phần cấu trúc quan trọng của xương, giúp cân bằng kiềm toan để giữ trương lực cơ. Vì vậy, cần cung cấp đầy đủ canxi cho cơ thể qua chế độ ăn uống, vận động. Nhu cầu về canxi ở trẻ dưới 12 tuổi là 800-1000mg/ngày, trên 12 tuổi và người lớn cần 1200mg/ngày, phụ nữ có thai và đang cho con bú cần 1500mg/ngày.

Các thực phẩm giàu canxi là sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại cá, tôm, cua, ốc, đậu tương, rau cải, lòng đỏ trứng… Phụ nữ mang thai nên ăn thức ăn đa dạng, bảo đảm đủ canxi và chất đạm giúp hình thành xương cho thai nhi trong suốt quá trình phát triển.

Những người trên 50 tuổi nên dùng thêm canxi mỗi ngày 1.200mg còn những phụ nữ đã tắt kinh thì cần dùng 1.500mg cộng thêm với sinh tố D khoảng 1.000 đơn vị vì sinh tố D giúp cho canxi dính kết vào xương tốt hơn. Ngoài ra cũng cần phải tập thể dục hàng ngày để tạo sự dẻo dai cho cơ thể. Tập thể dục vừa sức như đi bộ đạp xe, bơi... vì tập thể dục giúp cho xương được rắn chắc, giúp tăng mật độ xương, hạn chế chứng loãng xương.

Chứng loãng xương xảy ra rất sớm và cần được đề phòng nhất là trong khoảng thời gian 5 năm sau khi tắt kinh vì vào lúc đó cơ thể bắt đầu thiếu chất estrogen khiến làm cho xương dễ bị gãy. Phần lớn nữ giới trong độ tuổi 60 thường bị mất khá nhiều canxi và xương (bone mass) vì thế tất cả những người sau 65 tuổi nên làm thử nghiệm do tìm chứng loãng xương gọi là bone density test.

Những cảnh báo về loãng xương

Đừng đùa với hiểm nguy: Cùng với ung thư vú và ung thư cổ tử cung, loãng xương góp phần làm tăng nguy cơ bệnh tật ở phụ nữ tuổi trung niên. Loãng xương là một chứng bệnh làm cho xương bị yếu, giòn và dễ bị gãy hơn bình thường. Chỉ cần một va chạm nhẹ hoặc ngã cũng có thể làm xương bị gẫy nặng. Chứng loãng xương thường được gọi là chứng bệnh âm thầm, quá trình loãng xương diễn ra từ từ nên không gây triệu chứng gì. Chỉ tới khi loãng xương nặng, xương bị gãy hoặc bị xẹp mới có biểu hiện.

 Thận trọng trong thời kỳ mãn kinh: Trong thời kỳ mãn kinh thì lượng estrogen trong cơ thể người phụ nữ giảm đi đáng kể. Trong khi đó estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ bền của xương vì nó giúp cơ thể duy trì quá trình tái tạo xương ở mức thấp. Nếu thiếu estrogen, các tế bào hủy xương có cơ hội hoạt động và quá trình tạo xương mới không bù đắp được dẫn đến xương bị mỏng đi mà giảm độ chắc. Vì thế, ở thời kỳ mãn kinh tỷ lệ mất xương tăng đến 2-3 %/năm. Sau 8-10 năm, tỷ lệ mất xương trở lại 0,5% đối với xương xốp và 1% đối với xương chắc.

Cứ ba phụ nữ thì có một người bị loãng xương: Theo số liệu của Tổ chức chống loãng xương thế giới (IOF), cứ ba phụ nữ thì có một người bị loãng xương, ở nam giới, tỷ lệ này là 1/5. Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu mới đây thực hiện ở khu vực Tp.HCM, từ sự hợp tác giữa trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhân dân 115 và Viện Garvan Australia cho thấy, tần suất của bệnh loãng xương ở phụ nữ là 28,6% và ở nam giới là 10,4%.

Theo một thống kê: Ở Hoa Kỳ có 1,5 triệu trường hợp gãy xuơng do loãng xương hàng năm và khoảng 1/3 số phụ nữ trên 65 tuổi bị gãy đốt sống, hàng năm Mỹ phải chi đến 14 tỷ đô la cho việc điều trị loãng xương. Tại Pháp, số phụ nữ bị loãng xương khoảng 4-5 triệu người và khoảng 1,4 triệu nam giới, trong đó 10% bị tàn phế.

Ở Việt Nam, một điều tra cho thấy có khoảng trên 15% phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2050, châu Á - trong đó có Việt Nam - có thể sẽ chiếm đến 50% tỷ lệ người bị gãy xương do loãng xương trên thế giới.

Dùng sữa canxi an toàn mà không đầy bụng

Để phòng chống bệnh loãng xương, nhu cầu về dinh dưỡng rất quan trọng, đặc biệt là thực phẩm chứa canxi, trong đó sữa canxi là nguồn bổ sung rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên hiện có rất nhiều người Việt khi uống sữa lại bị đau bụng đi ngoài, dù sữa đã được pha chế đúng cách và hợp vệ sinh.

Lý do dẫn đến sự cố này là do tập quán ăn uống của người Việt ít sử dụng sữa hay các thực phẩm chế biến từ sữa nên trong ruột chúng ta ít tiết ra men lactase để tiêu hóa đường lactose vốn có tự nhiên trong sữa. Vì thế khi phải tiếp xúc ồ ạt với một lượng lactose lớn, do không có đủ men lactase ngay, nên người lớn uống sữa dễ bị đi ngoài. Nếu chẳng may bị rơi vào trường hợp này, bạn có thể áp dụng nhiều biện pháp:

- Sử dụng sữa dưới dạng sữa chua. Trong sữa chua, do đường lactose của sữa đã được biến thành axit lactic nên ít gây đau bụng, tiêu lỏng và hàm lượng đạm, canxi vẫn giữ nguyên như trong sữa tươi.

- Dùng nhiều thực phẩm chế biến từ sữa như phô mai

- Chia lượng sữa cần uống trong ngày (1/2 lít) ra làm nhiều lần để mỗi lần chỉ uống từng ít một.

- Sử dụng các loại sữa không lactose. Ngoài ra cũng nên lựa chọn những loại sữa ít béo, phù hợp với từng lứa tuổi để đảm bảo các chất vi chất cần thiết cho cơ thể.

 Hải Hằng

Theo tạp chí Sống Khỏe

 

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp