Đừng nên chủ quan bỏ qua những dấu hiệu bất thường trên bàn chân của bạn vì đó có thể là cảnh báo một loạt vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Sưng phù chân
Nếu bạn thấy chân bước bất thường, không ổn định, sưng phù mọng nước, có thể là dấu hiệu cảnh báo chức năng thận có vấn đề. Theo các chuyên gia, do thận chịu trách nhiệm về điều phối "nước" trong cơ thể kèm chức năng giải độc của cơ thể con người, nên nếu thận có vấn đề, sẽ dẫn đến phù chân.
Bàn chân sung cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh xơ gan, gan có thể hình thành sẹo và dòng máu chảy vào gan bị hạn chế, gây tăng huyết áp và sưng chân. Xơ gan cũng có thể tác động tới sự sản sinh albumin, một loại protein đóng vai trò điều hòa dòng máu chảy trong gan. Khi mức độ albumin giảm, bàn chân và mắt cá chân có thể bị sưng phù.
Chân bị sưng hoặc hoặc phù nề cũng có thể cảnh báo suy tim. Khi tim không đủ sức bơm máu, máu từ chân sẽ không thể lưu thông đến phần trên cơ thể. Các van tim bị rò rỉ cũng thường khiến bàn chân và mắt cá chân sưng phồng lên. Nếu tình trạng này còn đi kèm với các triệu chứng như đau ngực, mệt mỏi và khó thở thì bạn nên đến bệnh viện khám ngay.
Sưng chân còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh về huyết quản, như suy giảm tĩnh mạnh, tĩnh mạch hồi lưu bị trở ngại, huyết khối tĩnh mạch sâu…
Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng thường bị sưng bàn chân và mắt cá chân. Do đó, nếu bà bầu trong giai đoạn cuối thai kỳ mà phát hiện chân của mình bị sưng bất ngờ hoặc sưng quá to thì cần đến bệnh viện kiểm tra ngay, bởi có thể bị tiền sản giật nguy hiểm.
Loét lâu lành ở dưới lòng bàn chân
Đây có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường. Hệ thần kinh ở bàn chân bị tổn thương do lượng đường trong máu cao gây ra các vết xước nhỏ, vết cắt, kích ứng da do ma sát. Nếu không được điều trị, các vết thương này có thể bị nhiễm trùng, gây nguy hiểm.
Ngoài ra, người bị thần kinh ngoại biên hoặc tim mạch dễ bị loét bàn chân. Do đó, nếu phát hiện bàn chân bị loét, hãy đến bệnh viện khám để điều trị đúng cách.
Chân có mùi hôi
Hôi chân có thể là một dạng nhiễm trùng do một loại nấm gây ra. Cách tốt nhất để chữa bệnh này là lau khô ngón chân và các kẽ chân sau khi tắm, để chân trần để khô hoàn toàn. Dùng tất làm bẳng vải sợi tự nhiên và thay tất mỗi ngày cũng giúp khắc phục tình trạng này.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác gây mùi hôi chân có thể do cơ thể đổ mồ hôi quá nhiều và bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm cách điều trị hiệu quả.
Chuột rút liên tục
Chuột rút bình thường sẽ biến mất sau khi duỗi chân hoặc xoa bóp bàn chân. Tuy nhiên, nếu xảy ra nhiều lần thì nguyên nhân là do lượng máu lưu thông kém. Hiện tượng chuột rút bàn chân xảy ra thường xuyên cũng có thể đi kèm co rút cả phần cẳng chân. Đây có thể là dấu hiệu dây thần kinh bị chèn ép.
Ngoài ra, chuột rút cũng có thể do cơ thể mất nước hoặc không đủ các khoáng chất như kali, magie, canxi trong khẩu phần ăn. Trường hợp này có thể điều trị dễ dàng bằng cách cung cấp đủ nước, bổ sung khoáng chất hay thay đổi chế độ ăn.
Bàn chân lạnh mạn tính
Có nhiều vấn đề sức khỏe khiến bàn chân bị lạnh, như tuyến giáp hoạt động kém, bệnh tiểu đường hoặc thiếu máu làm máu lưu thông kém. Nếu bạn bị lạnh chân thường xuyên, nên đi khám, xét nghiệm để xác định rõ nguyên nhân.
Rụng lông chân hoặc lông ở ngón chân
Đây có thể là dấu hiệu của sự lưu thông máu kém, và thường xuất hiện ở nam giới. Ngón chân không nhận đủ lượng máu khiến bàn chân có màu không bình thường, làm da chân mỏng, nhẵn, sáng, móng chân dày lên, lông xung quanh rụng đi.
Hình dạng chân
Theo Viện Quốc gia, Trung tâm Thông tin Sức khỏe các bệnh về Tiểu đường, Tiêu hóa và Thận, hình dạng bàn chân thay đổi là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Tổn thương thần kinh do tiểu đường có thể dẫn đến biến dạng bàn chân, ví dụ biến chứng Charcot khiến bàn chân sưng và đỏ. Dần dần xương bàn chân và xương ngón chân có thể bị lệch vị trí, thậm chí gãy, làm cho bàn chân có hình dạng lạ, điển hình là hội chứng "bàn chân ngựa gỗ".
Tiến sĩ Dawn Howarth, hiện đang công tác tại trung tâm Head of Care ở Mỹ cảnh báo, khi đứng trên sàn bằng chân trần, bàn chân nếu lõm lên một phần theo vòm cong. Điều này có thể do nhiều thứ gây ra, ngoài khuyết tật bẩm sinh thì có thể là do xương bị gãy hoặc trật khớp, viêm khớp hoặc các vấn đề về thần kinh.
Nguy cơ này có thể tăng do béo phì, tiểu đường, mang thai và lão hóa. Các triệu chứng có thể xấu đi, nhiều người thường bị đau ở vòm chân, sưng hoặc thậm chí đau ở lưng và chân.
Ngón chân cái nên thẳng và cân đối với các ngón chân còn lại. Nếu như nó cong hướng về phía các ngón chân khác thì có có thể mắc viêm bao hoạt dịch ngón chân cái.
Ngón chân cái sưng to
Bệnh Gout có thể khiến cho ngón chân tấy đỏ, nóng, sưng to và đau đớn cực độ. Do Acid uric thích tích tụ ở bộ phận mát mẻ nhất trong cơ thể, do đó bệnh Gout thường xuyên biểu hiện ở ngón chân cái. Hơn nữa, dấu hiệu đầu tiên của bệnh Gout cũng có thể xuất hiện ở chính ngón chân cái.
Đau gót chân
Nguyên nhân phổ biến nhất của đau gót chân là viêm gân gan chân, viêm nơi dây chằng dài này bám vào xương gót chân. Cơn đau có thể mạnh nhất khi bạn thức dậy và gây áp lực lên bàn chân. Viêm khớp, tập thể dục quá mức và đi giày không phù hợp cũng có thể gây đau gót chân, như viêm gân.
Bên cạnh đó, các nguyên nhân ít phổ biến hơn như gai xương ở dưới gót chân, nhiễm trùng xương, khối u hoặc gãy xương.
Chân tím hoặc xanh
Các bệnh như động mạch ngoại biên, Raynaud, tiểu đường có thể khiến màu sắc của bàn chân chuyển sang xanh hoặc tím. Nguyên nhân là không đủ lượng oxy tại chân. Người có bàn chân đổi màu nên đến cơ sở y tế kiểm tra để tìm nguyên nhân và phương pháp điều trị thích hợp.
Ngoài ra, nếu bàn chân thường xuyên tái xanh, đó chính là dấu hiệu của khả năng tuần hoàn máu kém. Trong trường hợp xấu nhất, lưu thông máu kém có thể dẫn đến hoại tử, vì vậy đó là một dấu hiệu không nên bỏ qua.
Bàn chân đỏ hoặc nổi mẩn đỏ
Nguyên nhân khiến bàn chân đỏ hoặc nổi mẩn đỏ là do phát ban khi bị dị ứng. Đôi khi chân nổi mẩn đỏ bởi chứng rối loạn tự miễn, còn gọi là bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
Lupus là tình trạng tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch tấn công các mạch máu và bộ phận khác của cơ thể. Người mắc bệnh này rất dễ bị mẩn đỏ tại bàn chân.
Màu sắc móng chân thay đổi
Tình trạng chấn thương có thể khiến móng chân màu đen, một số trường hợp nguyên nhân nguy hiểm hơn như ung thư da. Theo như tạp chí nghiên cứu Foot and Ankle, ước tính khoảng 1.4% các trường hợp ung thư sắc tố da được chẩn đoán ở Anh là những trường hợp liên quan đến móng chân. Do đó, nếu thấy những sọc sẫm màu hoặc những mảng tối ở móng chân, mà không phải do chấn thương, bạn nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt vì đây có thể là dấu hiệu ung thư da.
Móng chân đen và vàng cũng có thể do nấm, móng chân màu xanh lá cây vì viêm nhiễm. Bất cứ thay đổi màu sắc nào của móng chân, bạn cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Da bàn chân khô, nứt nẻ
Da bàn chân khô nứt còn có thể gây ra bởi một số bệnh như viêm da, vảy nến, eczema, chứng dày sừng, nhiễm nấm.
Chân tê mất cảm giác hoặc như bị châm chích
Mất cảm giác hoặc thấy bị châm chích ở bàn chân có thể là dấu hiệu của cảnh báo hệ thần kinh ngoại biên bị tổn thương hoặc hệ tuần hoàn bị rối loạn. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, đường huyết cao trong thời gian dài sẽ khiến cho thần kinh bị tổn thương tiếp đó sẽ làm cho hai chân bị đau nhức.
Bên cạnh đó, tứ chi mất cảm giác hoặc như bị châm chích luôn là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của chứng đa xơ cứng.
Móng chân lõm hình thìa
Móng chân hình thìa không những xấu mà còn là một dấu hiệu của bệnh toàn thân. Móng chân lõm hình thìa chủ yếu là do dinh dưỡng kém đặc biệt là thiếu máu do thiếu sắt mà thiếu máu và dinh dưỡng không tốt có liên quan đến xuất huyết bên trong, ung thư dạ dày.
Ngoài ra, móng chân lõm hình thìa còn có thể liên quan đến các bệnh di truyền, bệnh tự miễn , bệnh hệ thống tuần hoàn và bệnh cơ xương.
Đau khớp ngón chân
Những cơn đau xuất hiện đột ngột đi kèm sưng và cứng khớp cùng lúc ở 2 ngón chân cái có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp, một bệnh ảnh hưởng đến các xương trong khớp. Đây là một dạng của thoái hóa khớp.
Quỳnh Hoa
Theo Tạp chí Sống khỏe