Đừng ngần ngại, hãy thực hiện ngay một vài biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả dưới đây để đánh bật cảm giác đau nhức đang hành hạ cái lưng của bạn.
1. Hãy thư giãn
Chính sự lo lắng, căng thẳng về cơn đau đã ám ảnh bạn, khiến bạn dễ bị co thắt cơ hơn. Hiện tượng co thắt cơ thường gặp khi bạn cúi xuống và không thể đứng thẳng lưng lên được nữa. Stress cũng là nơi khởi nguồn của những cơn đau, dần dần lan ra các bộ phận của cơ thể.
Ngoài ra, caffein, mất nước, thiếu ngủ và hàm lượng natri trong cơ thể thấp cũng là nguyên nhân gây tăng co thắt cơ và đau lưng. Điều đầu tiên bạn cần là nghỉ ngơi và giải nhiệt, trước khi áp dụng những biện pháp tiếp theo.
2. Áp dụng một vài tư thế căn bản
Bạn thừa biết mang vác vật nặng sẽ gây áp lực cho lưng nhưng vẫn cố gắng di chuyển tủ lạnh, bưng bê tủ quần áo… Khi cột sống phải chịu áp lực của trọng lượng cơ thể hay vật nặng sẽ khiến các đĩa đệm bị đè nén quá mức, gây đau lưng cấp. Thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, gai đôi cột sống, thoái hoá cột sống, ung thư, lao... cũng là những lý do gây đau lưng cấp. Dưới đây là những lời khuyên dành cho bạn:
Kéo giãn cột sống: Tốt nhất, bạn nên dùng áo treo cột sống, các cơn đau thường giảm dần và khỏi hẳn sau 3 ngày. Bạn cũng có thể đu hai tay trên xà, hoặc treo người ngược kiểu tư thế tập xà trong vòng 5-10 phút. Phương pháp này áp dụng trong 2 ngày, nếu không đỡ thì phải chuyển phương pháp khác hoặc khám chuyên khoa.
Thả lỏng cơ thể: Nằm nghỉ ngơi trong tư thế chân kê gối cao (3-5 cái) sao cho hông và đầu gối uốn cong 80-90 độ.
Hoặc nằm ngửa thả lỏng trên giường cứng (không nằm giường có đệm mềm để tránh đè ép vào mạch máu và cơ) đảm bảo giữ nguyên đường cong sinh lý (cột sống, đầu, vai, mông, gót chân chạm giường). Dùng một gối lót dưới cột sống cổ, chú ý không được kê gối trên đầu. Một gối mỏng kê dưới lưng. Một gối kê dưới kheo chân. Sau 30 phút, nhẹ nhàng xoay nghiêng người để thay đổi tư thế. Khi dậy, xoay người nằm nghiêng để dậy từ từ. Thực hiện tối đa trong 3 ngày, nếu tình hình không mấy khả quan, bạn nên đến gặp bác sỹ.
Lắng nghe các dấu hiệu của cơ thể: Kèm theo đau lưng, nếu bạn cảm thấy như có luồng điện tỏa xuống chân làm tê chi dưới hoặc vùng kín, có thể vấn đề cốt lõi của bạn không phải là lưng mà chính là đường ruột hoặc bàng quang.
3. Thuốc giảm đau
Nếu các tư thế không giúp gì cho bạn, hãy thử với một số loại thuốc chống viêm giảm đau như ibuprofen (Advil), naproxen (Aleve), acetaminophen (Tylenol), Celebrex, Vioxx, Ultram, Motrin, Naprosyn... Các loại thuốc này thường có hiệu quả sau vài ngày. Bạn nên kết hợp với chườm nóng lạnh hoặc xoa bóp, cảm giác đau sẽ bớt dần và khỏi sau một ngày.
4. Động tác 90-90 và “múa bụng”
Động tác 90-90: Nằm trên sàn nhà, hai tay để thoải mái dọc theo hai bên, bắp chân gác lên mặt ghế phẳng, sao cho hông vuông góc 900 với cơ thể của bạn, đầu gối thả lỏng. Bạn nên giữ nguyên tư thế và thư giãn trong 15 phút.
Bài tập này giúp thư giãn hoàn toàn cơ bắp cột sống và cơ gấp hông. Bắp đùi và bắp chân sẽ được thư giãn khi đặt trở lại sàn nhà. Bài tập này giúp ngăn chặn các cơn co thắt cơ, co giãn hệ thần kinh và làm mềm mại các khớp cột sống. Nếu nó tỏ ra hiệu quả, hãy thực hiện động tác trên 3 lần/ngày.
Bài tập bụng: Khi bạn cảm thấy cơn đau oằn lên hay lan xuống vùng mông, hãy quỳ gối, một tay chống xuống sàn, duỗi thẳng để nâng đỡ cơ thể; một tay đưa mạnh về phía trước cho đến khi cổ tay chạm vào vai. Cúi đầu xuống và để cho bụng thả lỏng hết mức có thể. Giữ tư thế này trong năm phút. Đây là động tác mở rộng vùng thắt lưng, trái ngược với động tác 90-90. Bài tập bụng giúp ngăn chặn các cơn đau và co thắt trong các cơ duỗi cột sống, giúp các cơ mở rộng và bẻ cong cột sống trở lại.
5. Chú ý những tín hiệu của cơ thể
Đau lưng có thể là biểu hiện của nhiều căn bệnh nguy hiểm như phình động mạch, nhiễm trùng cột sống, sỏi thận... Hãy chú ý các dấu hiệu đi kèm. Nếu cơn đau lưng trở nên dai dẳng về đêm, kèm theo giảm cân và sốt cao, có thể là do ung thư hoặc các bệnh nhiễm trùng gây nên. Nếu xuất hiện những cơn đau đột ngột và nghiêm trọng dọc sống lưng, thắt lưng và vùng háng, đây là các triệu chứng phình động mạch hoặc sỏi thận. Khi phát hiện những dấu hiệu này bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Ngoài ra, nếu bạn bị suy nhược hoàn toàn do đau lưng, bạn cần phải đến bệnh viện khám bác sĩ kê đơn thuốc.
6. Lựa chọn bác sĩ chuyên khoa
Khoảng 1/50 bệnh nhân đau lưng thực sự cần phẫu thuật cột sống. Vì vậy chỉ nên cân nhắc đến phương pháp này nếu có ít nhất hai bác sĩ đề nghị bạn sử dụng nó. Nếu cơn đau nặng hơn ở trong chân (dấu hiệu đau thần kinh tọa), tê hoặc yếu ở chân, bàn chân, đó là lúc bạn cần gặp bác sĩ giải phẫu thần kinh. Tuy nhiên, họ thường sử dụng thuốc uống steroid, thuốc có thể mang lại hiệu quả nhưng tác dụng phụ của nó cũng rất đáng sợ.
Các bác sĩ nội khoa, ngoại khoa và bác sĩ phòng cấp cứu có thể khám cho bệnh nhân đau lưng. Tuy nhiên, vật lý trị liệu thường lại là quyết định điều trị trong trường hợp này. Cho nên, khi bị đau lưng, bạn nên đến thẳng bác sĩ giải phẫu thần kinh hơn là đi khám ở bác sĩ nội khoa.
7. Nắn khớp xương
Việc nắn chỉnh xương khớp giúp hồi phục cấu trúc chức năng cân bằng nội mô của cơ thể, cho phép cơ thể tự hồi phục một cách tự nhiên mà không dùng đến thuốc. Qua đó giúp giảm đau và phục hồi chức năng cơ học của xương khớp.
8. Châm cứu và massage
Thông qua việc tác động vào các huyệt đạo trên cơ thể, phương pháp châm cứu tác động tới các dây thần kinh và làm giảm đau. Nhiều nghiên cứu cho thấy châm cứu đạt được nhiều hiệu quả hơn phương pháp vật lý trị liệu cho đau lưng.
Ngoài ra, massage cũng tỏ ra hiệu quả đối với bệnh nhân đau lưng, giúp làm tăng tiết endorphin, một chất giảm đau tự nhiên và có tác dụng “đánh lạc hướng” sự truyền các tín hiệu của các dây thần kinh lên não.
Hoài Phương
Theo tạp chí Sống Khỏe