Hà Nội và sắp tới là TP.HCM và một số tỉnh thành sẽ có kế hoạch nới lỏng các hoạt động giãn cách xã hội. Vậy trong trạng thái "bình thường mới" người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn?
Dịch COVID-19 ở nước ta đã có những dấu hiệu ổn định hơn. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, số ca nhiễm đã có giấu hiệu giảm đáng kể. Hà Nội đã có những bước nới lỏng dần giãn cách, cho phép người dân ra đường tập thể dục, hàng quán được bán đồ ăn mang về, trung tâm thương mại và các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm được mở cửa trở lại.
Sắp tới, sau ngày 1/10, TP.HCM cũng dự kiến sẽ có những bước nới lỏng, đưa các hoạt động dần trở về trong trạng thái bình thường mới.
Hà Nội và một số tỉnh thành đang có những bước nới lỏng giãn cách trong trạng thái bình thường mới. |
Vậy lúc này, người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn? Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), đã có những lời khuyên về vấn đề này:
Khi một số điểm công cộng mở cửa trở lại, cần cảnh giác với những nguy cơ nào?
Theo bác sĩ Khanh, khi nơi công cộng được mở cửa trở lại, người dân cần cảnh giác giống với việc khi ta siết chặt toàn bộ hoặc một phần. Khi mở cửa trở lại, các thành phố lớn chắc chắc phải tính toán đến việc tiêm chủng, tỉ lệ tiêm chủng trong công tác phòng chống dịch. Đây mới là điều cần quan tâm và là quan trọng nhất chứ không còn là tỉ lệ mắc bệnh nữa.
Các địa điểm công cộng cũng cần thực hiện các tiêu chí phí phòng bệnh theo khuyến cáo cho tới khi toàn bộ người dân đều được tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine. Kể cả những nơi chúng ta đi làm, đi mua sắm đều phải thực hiện theo các tiêu chí đó.
Nơi nào có nguy cơ cao sau khi nới lỏng hoạt động trở lại?
Bác sĩ Khanh cho rằng, nơi có nguy cơ cao khi nới lỏng giãn cách là nơi ta đi tới mà không biết được nhóm người chỗ đó đã tiêm chủng chưa, họ đã từng nhiễm và hết bệnh hay chưa.
Khi chúng ta tiếp xúc với người lạ, nếu gia đình mình đã tiêm chủng đầy đủ và những người lạ đó cũng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì không phải lo lắng.
Tuy nhiên, bất cứ lúc nào chúng ta tiếp xúc với người có yếu tố nguy cơ mà chưa tiêm phòng 2 mũi thì phải luôn cảnh giác tất cả những nơi ta đến.
Khi nới lỏng giãn cách, vẫn cần chú ý các biện pháp an toàn khi đến nơi công cộng. |
Khi ai đó đến một cửa hàng hay công ty, chỗ đó phải tiến hành kiểm tra dịch tễ, tiến hành các biện pháp chống dịch.
Ngoài đường thường khó lây cho nhau, những trường hợp đi ngoài đường vừa kẹt xe vừa giao tiếp trò chuyện mới có khả năng lây nhiễm cho nhau.
Chúng ta cần chuẩn bị gì về tâm lý và sức khỏe để xác định ‘sống cùng COVID’ trong tương lai?
Khi bắt đầu nới lỏng hoạt động trở lại, người dân cần hiểu rằng, COVID-19 là một con virus gây bệnh có các triệu chứng như cảm cúm và cũng có thể gây bệnh nặng hơn.
Muốn ngăn được bệnh nặng thì chính sức đề kháng của mình cũng phải mạnh hơn. Đặc biệt mình phải được tiêm chủng vaccine 2 mũi đầy đủ, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể sống ổn với con virus trong giai đoạn mới.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin