(SKGĐ) Mất ngủ, chóng mặt, người mệt mỏi phát sốt… sẽ không “viếng thăm” nếu như bạn biết “vặn lại đồng hồ sinh học” của mình.
Hội chứng lệch múi giờ
Di chuyển từ hai hay nhiều địa điểm rất xa nhau bằng đường không trong thời gian rất ngắn hẳn nhiên sẽ dẫn đến cơ thể có một số thay đổi sinh học gây khó chịu và cần được điều chỉnh lại. Đây là hội chứng lệch múi giờ (jet lag syndrome).
Hội chứng lệch múi giờ được xem là rối loạn nhịp sinh học bên ngoài có liên quan đến thay đổi môi trường, ví dụ điển hình là các chuyến bay qua đường xích đạo làm thay đổi đồng hồ vũ trụ với đồng hồ sinh học.
Cơ thể người cũng giống những cơ thể các sinh vật hay thảo mộc đều có một cơ chế gọi là đồng hồ sinh học. Nó hoạt động nhịp nhàng theo chu kỳ trong khoảng thời gian 24 giờ để “phân bổ nhiệm vụ” cho các chức năng: thức, ngủ, nhiệt độ cơ thể… sao cho thích hợp với môi trường ta đang ở.
Đồng hồ sinh học nhận tín hiệu quan trọng từ môi trường xung quanh như ánh sáng, bóng tối, nhiệt độ... để sắp xếp một nề nếp sinh hoạt cho cơ thể, mà ta gọi là thói quen. Một khi thói quen được thiết lập, cơ thể cứ theo giờ giấc đó mà làm việc, không lệ thuộc vào ngoại cảnh.
Khi đến một địa phương có sự chênh lệch nhiều múi giờ so với nơi xuất phát, cơ chế sinh học này cần một thời gian chừng vài ba ngày để điều chỉnh, thích nghi với môi trường sống mới. Trong thời gian chờ điều chỉnh, cơ thể hay gặp một số biểu hiện khó chịu như mệt mỏi, ngủ thất thường, ăn uống khác giờ, rối loạn tiêu hóa, thân nhiệt thay đổi.
Nguyên do chính là sự thay đổi môi trường sống đột ngột, đặt cơ thể vào hoàn cảnh mới mà đồng hồ sinh học vẫn được xếp sắp theo môi trường cũ, với các sinh hoạt cũ. Khả năng của đồng hồ sinh học không cho phép cơ thể thích ứng vô điều kiện với những biến đổi đó.
Hiện tượng này cũng gặp ở mọi sinh vật, tương tự như một con cua sống ở biển Đông nếu được di chuyển sang biển phía Tây thì trong mấy ngày đầu vẫn giữ màu sắc như khi ở biển Đông hay loài hoa trinh nữ (cây xấu hổ) sẽ vẫn mở lá ban ngày, khép lá ban đêm dù ta có che hoa khỏi ánh sáng mặt trời.
Thiết lập “lịch mới”
Trước khi đi
Hãy bắt đầu làm quen với đồng hồ sinh học mới vài ngày trước khi đi. Đối với những người đi về hướng đông, nên ngủ sớm và thức dậy sớm khoảng một giờ trong ba ngày trước khi khởi hành. Còn đi theo chiều ngược lại thì ngủ và dậy trễ hơn. Nếu điều này không khả thi vì lý do phải thức khuya để sắp xếp hành lý chẳng hạn, ít nhất hãy tránh uống bia rượu và cà phê, những tác nhân gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Harvard (Mỹ) đã phát hiện trong não có một "đồng hồ ăn uống" kiểm soát giờ giấc các bữa ăn sau khi nghiên cứu trên chuột. Họ nhận thấy khi bị đói, đồng hồ ăn này lấn át đồng hồ sinh học chính của cơ thể, giữ cho động vật tỉnh táo cho đến khi được cung cấp thức ăn.
Theo TS.Charles F. Ehret, ở Chicago (Mỹ) bạn nên giữ bụng đói trong khi bay để ăn một bữa thật đầy đủ với nhiều chất đạm khi tới địa điểm mới. Cẩn thận hơn, ba ngày trước khi khởi hành, cần ăn no với nhiều chất đạm, hai ngày sau ăn nhẹ với nhiều chất bột như cơm, mỳ, khoai tây. Khi đến nơi ăn một bữa thịnh soạn với nhiều thịt, chất đạm sẽ giúp ta năng động hơn, còn chất bột dễ gây buồn ngủ.
Trên máy bay
Trong khi bay, tránh dùng cà phê, thuốc ngủ, rượu. Uống nhiều nước lạnh, nước trái cây. Chỉnh đồng hồ theo giờ nơi sẽ tới, bắt đầu sinh hoạt như ta đang ở nơi đó: ăn, ngủ theo giờ giấc mới.
Nếu nơi sẽ tới đang là ban đêm, nên che mắt để ngủ, không ăn hay đọc sách, coi tivi. Nếu là ban ngày thì hãy cố thức, đi tới lui trong máy bay, đọc sách, coi tivi...
Chuyên gia về du lịch Andria Mitsakos (người Mỹ) chia sẻ, kinh nghiệm chống chọi với cơn buồn ngủ khi di chuyển từ múi giờ này sang múi giờ khác là nên ăn uống đúng cách. Cô khuyên nên uống từ 2-3 lít nước trong những ngày phải bay đi bay về, hoặc cố gắng uống một chai nước nhỏ trong mỗi giờ ngồi trên máy bay.
Đồng thời, việc giữ ẩm cho da cũng hết sức quan trọng để tránh được tình trạng mệt mỏi quá mức. Liên tục bôi kem giữ ẩm cho mặt, đặc biệt ở vùng mắt, và xoa kem lên cổ và tay chân luôn nếu có thể.
Khi đến nơi
“Hãy cố gắng duy trì hoạt động theo giờ giấc nơi tới, đừng vội lao về phòng và nằm vật xuống giường”, theo lời khuyên của Shaun Malay, Phó Tổng Giám đốc đại lý du lịch CheapOair (Mỹ), người phải di chuyển liên tục bằng máy bay do yêu cầu công việc.
Nếu bạn đi về hướng Đông, nên dành thời gian đi bộ dưới ánh nắng mặt trời, kế đến là nhấp một ngụm cà phê. Nếu quá buồn ngủ, bạn cũng có thể chợp mắt một chút. Sau đó dùng melatonin, liều nhẹ từ 0,5 đến 3mg, trước khi lên giường ngủ vào ban đêm và hy vọng bạn sẽ có thể điều chỉnh đồng hồ sinh học ở múi giờ mới chỉ trong vài ngày tới.
Nếu bạn di chuyển về hướng Tây, bạn cũng nên bỏ ít phút tắm mình trong ánh nắng nhẹ để giúp tỉnh ngủ. Sau đó hãy dùng melatonin liều nhẹ nếu bạn tỉnh giấc trước 5 giờ sáng.
Các chuyên viên về hội chứng lệch múi giờ đều nhấn mạnh là khi tới nơi phải hoạt động ngay theo giờ giấc mới tại địa phương.
Thắm Nguyễn