Đã bao giờ bạn rơi vào trường hợp, dù buồn ngủ díp cả mắt nhưng tay vẫn không ngừng lướt website, xem tin tức, trò chuyện cùng bạn bè? Cùng tìm hiểu kỹ hơn về thói quen “lạ lùng” này để biết cách cải thiện giấc ngủ, nâng cao chất lượng sống nhé!
Revenge Bedtime Procrastination là gì?
Revenge Bedtime Procrastination còn gọi là “Trả thù giấc ngủ” hay thói quen dùng giấc ngủ để đổi lấy thời gian cho bản thân. Hiện tượng này xuất phát từ việc ban ngày một số người quá bận bịu với công việc, nên tối đến, họ sẽ cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể cho những hoạt động giải trí như: đọc tin tức, chơi game, trò chuyện với bạn bè, xem phim… Vì họ nghĩ rằng, bản thân cần có thời gian để thư giãn và từ đó họ đã đẩy lùi giấc ngủ trong 5 phút, 10 phút, thậm chí là 30 phút đến vài tiếng đồng hồ.
![]() |
Người trẻ là đối tượng dễ gặp phải tình trạng Revenge Bedtime Procrastination. |
Thuật ngữ Revenge Bedtime Procrastination lần đầu xuất hiện trong một nghiên cứu vào năm 2014 tại Hà Lan và bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều trên Internet ở Trung Quốc vào năm 2016. Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khái niệm này càng được nhiều người biết đến hơn. Vì hình thức work-from-home trong mùa dịch đã xóa nhòa đi ranh giới giữa nơi làm việc, trường học và nhà ở, từ đó khiến nhiều người bị cuống vào guồng quay công việc, ít có thời gian dành cho bản thân
Sabrina Romanoff- Một nhà tâm lý học lâm sàng tại Lenox Hill (Mỹ) đã có những chia sẻ về vấn đề này: “Ranh giới giữa công việc và cuộc sống gia đình đang dần bị xóa nhòa. Trong đó, công việc đang chiếm hết thời gian của việc nghỉ ngơi, kết nối với đồng nghiệp”.
Tác hại không ngờ của Revenge Bedtime Procrastination
Theo Harris, tác giả của cuốn sách “Hướng dẫn phụ nữ khắc phục chứng mất ngủ”: Trì hoãn giấc ngủ vì bất kỳ lý do gì cũng đáng lo ngại. Vì thiếu ngủ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, làm suy giảm khả năng của hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, tăng cân, bệnh tim…
Chia sẻ về tác hại của việc thiếu ngủ đối với hệ miễn dịch, Tiến sĩ Singh của Trung tâm Giấc ngủ Indiana (Greenwood, Indiana) cho biết: “Bạn sẽ có nguy cơ bị cảm lạnh cao gấp 4 lần nếu ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy, những người ngủ ít khi tiêm phòng cúm sẽ nhận được ít kháng thể bảo vệ từ vaccine hơn so với những người ngủ nhiều hơn”. Ngoài ra, tiến sĩ còn cho biết: “Nếu bạn thường xuyên ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm, bạn sẽ có khả năng tử vong cao hơn gấp 3-5 lần trong vòng 5 năm tới”.
Đặc biệt, Revenge Bedtime Procrastination còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, khiến bạn dễ bị suy giảm trí nhớ, khó tập trung và làm giảm năng suất làm việc một cách đáng kể. Thậm chí, một số nghiên cứu khoa học còn cho thấy, người bị mất ngủ do Revenge Bedtime Procrastination còn có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm gấp 2 lần so với những người không gặp bất cứ vấn đề gì về giấc ngủ.
Làm thế nào để hạn chế tình trạng Revenge Bedtime Procrastination?
Nếu bạn đang gặp phải tình trạng Revenge Bedtime Procrastination thì những lời khuyên hữu ích dưới đây sẽ giúp bạn vượt qua nó, có một giấc ngủ ngon và sâu giấc hơn:
- Chuẩn bị cho giấc ngủ thật tốt: Mỗi tối, bạn nên tạo cho mình thói quen với 4 bước đơn giản như tắm với nước ấm, viết nhật ký, đọc sách, tập yoga hay hít thở sâu nhẹ nhàng. Những việc làm này sẽ xoa dịu hệ thần kinh, giúp bạn thư giãn, thoải mái và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
- Không nên làm việc trên giường ngủ: Có một thực tế, càng dành nhiều thời gian trên giường ngủ bạn càng khó đi vào giấc ngủ khi cần. Vì thế, bạn nên tạo cho mình một không gian làm việc ngay tại nhà để tạo ra sự khác biệt khi làm việc, ở nhà và trước khi đi ngủ.
![]() |
Trong mùa dịch, tách biệt giường ngủ và nơi làm việc là một trong những cách hiệu quả để cải thiện tình trạng Revenge Bedtime Procrastination. |
- Cố gắng dành thời gian thư giãn trong ngày: Sau mỗi 1-2 giờ làm, bạn nên cho bản thân tầm 15 phút để nghỉ ngơi, tránh bị “quá tải” vào cuối ngày. Khoảng thời gian này bạn có thể dùng để đi bộ, vận động nhẹ nhàng hoặc đơn giản là không nhìn vào màn hình máy tính trong một thời gian ngắn….
- Đặt báo thức một giờ trước khi đi ngủ: Khi tiếng chuông báo thức vang lên cũng đồng nghĩa với việc khoảng thời gian thư giãn của bạn đã kết thúc. Khi đó, bạn nên tắt điện thoại, các thiết bị điện tử xung quanh mình và làm mờ đèn trong nhà để vào giấc ngủ nhanh chóng.
- Tắt tính năng “tự động phát” trên các dịch vụ phát trực tuyến: Tính năng “tự động phát” sẽ vô tình khiến bạn xem từ tập phim này đến tập phim kia, rồi các tập khác nữa. Vì thế, bạn nên tắt tính năng này để tránh bị mất ngủ nhé!
- Bổ sung các loại thực phẩm giúp ngủ ngon giấc hơn: Hãy ưu tiên bổ sung các thực phẩm như đậu nành, quả kiwi, sữa chua, ngũ cốc, đồng thời tránh dùng các thức uống chứa caffeine, đồ ăn chiên xào trước khi ngủ.
Với những chia sẻ trên mong rằng bạn đã có thể cải thiện tình trạng Revenge Bedtime Procrastination, có giấc ngủ chất lượng và phục hồi sức khỏe tốt hơn.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin