Trước khi phải nhập viện cấp cứu, chị Th. có biểu hiện bị sưng đau vòng ngực, sốt cao kéo dài từ 40 - 41 độ C và khó thở. Khi vào viện cấp cứu, các bác sĩ phát hiện chị Th. bị “vi khuẩn ăn thịt người” tấn công.
Mới đây, các y bác sĩ tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận một ca bệnh nhiễm vi khuẩn Whitmore, hay còn gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”.
Bệnh nhân là chị N.T.Th., (sinh năm 1994, làm ruộng ở Nhữ Hán, Yên Sơn, Tuyên Quang). Trước khi vào viện 18 ngày, chị Th. bị sưng đau vú phải, sốt cao liên tục kéo dài từ 40 - 41 độ C kèm theo tình trạng khó thở.
Sau khi điều trị 3 ngày ở Bệnh viện ở Tuyên Quang nhưng không đỡ, gia đình xin chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Lúc này, chị Th. trong tình trạng tỉnh chậm, thể trạng nhiễm trùng nặng, sốt cao liên tục 40 độ C, khó thở nhiều, thiếu máu, thể trạng suy kiệt, nhiều ổ áp xe lớn nhỏ ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.
Cô gái đau sưng ngực, sốt cao khó thở, được chẩn đoán do vi khuẩn Whitmore tấn công. |
Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Whitmore. Các bác sĩ đã tiến hành cấy đờm, cấy máu, cấy dịch ổ áp xe tại tuyến vú và cho người bệnh làm các xét nghiệm cần thiết, điều trị kháng sinh theo phác đồ nhiễm khuẩn Whitmore.
Sau 5 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã cắt được sốt, các triệu chứng nhiễm trùng giảm nhiều. Qua 3 tuần điều trị tiếp theo, các ổ áp xe đã biến mất, các xét nghiệm đã trở về giới hạn bình thường. Chi Th. được ra viện tiếp tục điều trị theo phác đồ duy trì và hẹn tái khám.
Bệnh Whitmore nguy hiểm như thế nào?
Các bác sĩ cho biết, bệnh Whitmore (hay còn gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”) là bệnh nhiễm trùng rất nguy hiểm ở người và động vật do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây ra. Năm 1913, một bác sĩ người Anh có tên là Alfred Whitmore đã mô tả lần đầu tiên về căn bệnh gây chết người này ở Rangoon, Myanmar, vì vậy bệnh được đặt tên là Whitmore.
Người nhiễm Whitmore có tỷ lệ tử vong cao từ 40-60%, thậm chí có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Cách suy nghĩ về bệnh “ăn thịt người” phải được hiểu đúng là vi khuẩn gây hoại tử và chết các mô trong cơ thể, viêm loét da hay áp xe, ở phổi thì gây viêm phổi, trong máu là nhiễm trùng máu… Việc chẩn đoán bệnh do vi khuẩn này thường khó và dễ nhầm lẫn, diễn biến khó lường nên người dân hay chủ quan.
Các bác sĩ cũng cho biết them, thời kỳ ủ bệnh của vi khuẩn Whitmore là từ 1 – 21 ngày (trung bình 9 ngày). Thời kỳ ủ bệnh ngắn nhất được ghi nhận là 1 ngày, dài nhất đã ghi nhận được là 62 năm. Có trường hợp người mắc bệnh không hề có triệu chứng nổi trội cho đến khi phát bệnh rõ rệt.
Người nhiễm Whitmore có tỷ lệ tử vong cao từ 40-60%, thậm chí có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. |
Vi khuẩn B. pseudomallei gây ra bệnh Whitmore được tìm thấy trong nước và đất, vì vậy, con đường nhiễm bệnh thường là 1 trong 3 trường hợp sau:
-Tiếp xúc trực tiếp với nguồn đất nhiễm khuẩn qua những vị trí da bị xây xước hoặc qua các vết thương do tai nạn.
-Hít phải bụi, hơi nước có nhiễm khuẩn hoặc uống nước có nhiễm khuẩn Whitmore. Tại chỗ xâm nhập, chúng gây thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp xe lớn.
-Vi khuẩn theo dòng máu đi đến khắp các cơ quan trong cơ thể, nhất là là gan, lách, phổi gây nên các ổ áp xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau. Nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng, dẫn đến biến chứng nặng nề.
Bệnh có thể truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa khi mẹ bị áp xe tuyến vú do vi khuẩn B. pseudomallei hoặc lây truyền qua việc tiếp xúc vết xước trầy da với động vật chết do nhiễm bệnh như chó, mèo…
Xem thêm: Mẹo giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khi đi lại bằng máy bay
Ánh Dương
Theo Người đưa tin