Nguyên nhân máu bị nhiễm mỡ (mỡ máu cao) có thể do chế độ ăn uống không hợp lý, thừa chất, ít vận động…
Máu nhiễm mỡ còn có tên gọi khác là mỡ máu cao hay rối loạn chuyển hóa lipid máu. Thông thường, trong máu luôn có một tỷ lệ mỡ nhất định. Tỷ lệ này được đánh giá bằng các chỉ số xét nghiệm triglycerid, cholesterol...
Khi bị máu nhiễm mỡ những chỉ số này sẽ cao hơn mức cho phép. Trong đó, chỉ số cholesterol cao chính là đặc trưng của tình trạng rối loạn mỡ máu.
Mỡ máu (cholesterol xấu) tăng cao sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như bệnh nhân có thể có nguy cơ phát triển xơ vữa động mạch, làm tăng huyết áp, tắc nghẽn mạch máu đặc biệt mạch máu ở não và mạch vành, làm tăng nguy cơ suy tim, đột quỵ về sau. Vì thế biết được các nguyên nhân và nguy cơ bị mỡ mau cao sẽ giúp chúng ta có cách phòng bệnh tốt nhất cũng như phương pháp điều trị hợp lý cho mỗi người. Nguyên nhân máu bị nhiễm mỡ:
![]() |
Tuổi tác và giới tính
Thật bất ngờ khi tuổi tác và giới tính cũng có liên quan đến nguyên nhân mỡ máu cao. Các bác sĩ đã nghiên cứu và chứng minh rằng Estrogen ảnh hưởng đến việc chuyển hóa chất béo và ảnh hưởng gián tiếp đến các mạch máu. Nữ giới đang trong độ tuổi từ 15 đến 45 tuổi thường có tỉ lệ triglyceride thấp hơn so với nam giới. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn mãn kinh, lượng triglyceride và cholesterol xấu này càng ngày càng tăng và làm tăng khả năng bị mắc bệnh xơ vữa động mạch ở nữ giới.
Bệnh béo phì
Đây là một lý do khiến cho bạn có động lực để giảm cân đấy! Các nhà nghiên cứu phan tích, trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ làm tăng hàm lượng cholesterol trong máu, đặc biệt, các chất béo thường hay xuất hiện tập trung ở vùng bụng của bạn thay vì ở phần ngực hay hông, đùi.
![]() |
Chế độ dinh dưỡng không hợp lí
Khẩu phần ăn mỗi ngày của chúng ta rất quan trọng. Tuy nhiên, có rất nhiều người chưa chú trọng đến nó. Nếu bạn nạp quá nhiều chất béo hằng ngày như thịt bò, thịt dê, thịt lợn, trứng, sữa...sẽ có nguy cơ mắc bệnh mỡ máu rất cao. Ngoài ra, các loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn chứa dầu dừa, dầu cọ, bơ, ca cao cũng nên hạn chế. Bởi vì trong những thực phẩm đó chứa nhiều chất béo bão hòa khó tiêu hóa.
Thói quen sinh hoạt không khoa học
Thói quen hút thuốc làm giảm lượng cholesterol tốt (HDL-c) trong cơ thể. Không chỉ vậy, thuốc lá còn có khả năng đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch – nguyên nhân hàng đầu dẫn tới biến chứng đột quỵ, tai biến
Những người thiếu vận động thể chất cũng có nguy cơ mắc bệnh mỡ máu cao. Bởi thông qua quá trình vận động, mỡ thừa được đốt cháy và đào thải. Thiếu vận động sẽ làm chỉ số LDL-c tăng và giảm HDL-c gây bệnh mỡ máu cao.
![]() |
Căng thẳng, stress
Stress, áp lực cũng là một trong những thủ phạm chính gây máu nhiễm mỡ. Nguyên nhân là do, khi cơ thể bị mệt mỏi, áp lực sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn và ít vận động, lười tập thể dục hơn. Ngoài ra, một số người còn có thói quen sử dụng rượu bia, các chất kích thích khiến cho nồng độ cholesterol trong máu tăng cao.
Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản gây mỡ máu cao. Bạn cũng sẽ có nguy cơ bị máu nhiễm mỡ cao hơn bình thường nếu như trong gia đình bạn có ông bà, bố mẹ bị mỡ máu cao.
Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác
Một số bệnh lý như tiểu đường, giảm hoạt động của tuyến giáp cũng khiến lượng mỡ trong máu tăng cao hơn.
![]() |
Cách phòng tránh bệnh máu nhiễm mỡ
Để phòng tránh bệnh mỡ máu cao hiệu quả, bạn nên thực hiện theo những biện pháp sau:
- Kiểm soát cân nặng cơ thể và duy trì ở mức hợp lý.
- Hạn chế sử dụng chất béo bão hòa, các loại thịt màu đỏ như: thịt lợn, thịt bò, thịt bê…
- Nên sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất béo có lợi.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để bổ sung chất xơ và chất khoáng cho cơ thể.
- Tránh xa rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích…
- Không nên ăn nhiều đạm, ăn tối muộn hoặc ăn quá nhiều vì sẽ gây khó tiêu, cholesterol bị đọng lại trên thành động mạnh.
Thanh Hà
Theo tạp chí Sống khỏe