Hợp tác quảng cáo

Tại sao Việt Nam chưa dùng huyết tương trong điều trị COVID-19

9:00 AM | 29/09/2021 -
Khỏe +

Phương pháp sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19 từng được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Vinmec và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nghiên cứu từ tháng 8/2020 tuy nhiên lại bị ngừng ngay sau đó. Nguyên nhân vì sao?

Phương pháp truyền huyết tương đã từng được Mỹ phê duyệt là phương pháp điều trị khẩn cấp

Huyết tương là chất lỏng màu vàng nhạt và trong suốt chiếm từ 55%-65% tổng lượng máu trong cơ thể. Khi một người nhiễm COVID-19, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Kháng thể đó tập trung đa số trong huyết tương.

Tai sao Viet Nam chua dung huyet tuong trong dieu tri COVID-19

Huyết tương là dịch thể có màu vàng nhạt và trong suốt (Ảnh: Internet)

Ngày 23/8/2020, Mỹ cho phép điều trị khẩn cấp bằng huyết tương, bằng cách lấy kháng thể từ những người bị nhiễm COVID-19 đã hồi phục để tiêm cho các bệnh nhân mới nhiễm. Huyết tương đó được gọi là huyết tương giai đoạn bình phục. Thật ra việc sử dụng huyết tương không phải là phương pháp điều trị mới, nó từng được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1892 để ngăn chặn bệnh bạch hầu, sau đó ngăn chặn bệnh cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 và đại dịch Ebola vào năm 2014.

Tháng 6/2020, hệ thống bệnh viện trường đại học Mayo Clinic ở Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu bằng cách theo dõi quá trình truyền huyết tương trong 20.000 bệnh nhân và nhận thấy tỉ lệ bị phản ứng phụ rất thấp. Theo đó, Tiến sĩ Scott Wright - người chủ trì công trình nghiên cứu, đã thông báo với hãng tin AFP rằng: "Chúng tôi kết luận sử dụng huyết tương giai đoạn bình phục là an toàn".

Tai sao Viet Nam chua dung huyet tuong trong dieu tri COVID-19

Hình ảnh y tá đang sử dụng phương pháp lấy máu của bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh để tìm kháng thể cho các bệnh nhân khác (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, đây không phải là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, chưa qua giai đoạn bình duyệt đồng nghiệp (các chuyên gia cùng lĩnh vực đánh giá khoa học) và không sử dụng giả dược (placebo). Cụ thể, dùng huyết tương điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chỉ mới có kết quả ban đầu về an toàn. Còn về hiệu quả điều trị, các chuyên gia đánh giá cần thực hiện thêm nhiều thử nghiệm lâm sàng nữa mới có thể đánh giá chính xác.

Vẫn chưa được sử dụng trong điều trị Covid-19 tại Việt Nam

Có nhiều nguyên nhân khiến phương pháp này bị hạn chế sử dụng. Theo một bác sĩ điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, khi mới mắc bệnh, lượng nCoV xâm nhập ơr cơ thể rất cao nên không phù hợp truyền huyết tương. Vào tuần thứ hai, bệnh thường diễn biến nặng do đáp ứng miễn dịch quá mức còn lượng virus đã giảm, do đó huyết tương của người khỏi không có nhiều giá trị. Mặt khác, sau khi khỏi Covid-19, lượng kháng thể huyết tương sụt giảm nhanh, ít khả năng lấy được huyết tương có tác dụng bảo vệ mạnh. Bên cạnh đó, họ sẽ cần phải cân nhắc từng liệu trình khác nhau nếu sử dụng phương pháp này do hồ sơ bệnh lý của các F0 cũng không ai giống nhau.

Theo như Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, đã giải thích phương pháp truyền huyết tương vào ngày 21/9. Với nguyên tắc là sử dụng kháng thể đã có ở những người đã khỏi bệnh tiêm cho người mới mắc bệnh. Kháng thể trong huyết tương người đã khỏi có thể sẽ giúp giảm lượng virus trong cơ thể người đang bệnh, từ đó giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những người truyền huyết tương cần có kháng thể đủ mạnh, người nhận huyết tương cần có sự tương thích về nhóm máu, giống như truyền máu. 

Theo ông, cuộc nghiên cứu về phương pháp hiến huyết tương phải tạm dừng do năm 2020 lượng người nhiễm ít, nhưng đến năm nay khi số ca nhiễm tăng cao thì có thể tái nghiên cứu lại phương pháp này.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đánh giá cho thấy phương pháp huyết tương chỉ hiệu quả với bệnh nhân nhiễm virus giai đoạn đầu, khi nCoV đang nhân lên và phát triển thì cần kháng thể trung hòa virus đó.

Bên cạnh đó, khi điều trị nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng, phương pháp truyền huyết tương có một số rào cản. Mục tiêu quyết định trong điều trị lúc này không phải là diệt nCoV mà cần tập trung vào ức chế phản ứng quá mức của cơ thể, vì vậy, chỉ định dùng huyết tương sẽ gặp khó khăn. Nếu chỉ định dùng huyết tương trên bệnh nhân Covid-19 sớm có thể có hiệu quả, song lượng bệnh nhân quá nhiều, không đủ số huyết tương để đáp ứng. Thực tế, việc vận động người hiến huyết tương không dễ dàng, do nhiều người mắc Covid-19 vừa khỏi bệnh nên cơ thể mệt mỏi, chưa kể những bệnh nhân có bệnh nền còn khá nhiều.

Tai sao Viet Nam chua dung huyet tuong trong dieu tri COVID-19

Dù chưa biết tương lai ra sao, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, có thể xem như sử dụng phương pháp truyền huyết tương ở Việt Nam chưa thật sự khả quan. Mong rằng nền y học nước nhà sẽ ngày càng phát triển để hỗ trợ nhân dân càng sớm vượt qua giai đoạn đại dịch này.

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp