Đây là phương pháp trị ung thư bằng cách 'bỏ đói tế bào ung thư' bằng cách ăn kiêng một số dinh dưỡng mà không phải hóa trị. Thực hư phương pháp này thế nào?
Trước kia các nhà khoa học uy tín hoạt động tại bệnh viện luôn đề cao phương pháp xạ trị. Coi đó là phương án cuối cùng cho giải quyết tất cả các loại bệnh ung bướu.
Ảnh minh họa |
Nhưng hiện nay, nhiều người nhận thấy, cách hiệu quả nhất là ngừng cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào ung thư, để nó không phát triển được, đó là cách tốt nhất để chống lại căn bệnh quái ác này.
Vậy thực hư của phương pháp này ra sao? Dưới đây là thông tin và lý giải của các chuyên gia:
'Bỏ đói tế bào ung thư' - Quan điểm trị ung thư mới
Sau nhiều năm nói với mọi người hóa trị liệu là cách duy nhất để điều trị và loại bỏ ung thư, Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) đã bắt đầu nói với mọi người rằng có những lựa chọn thay thế khác với hóa trị liệu: một cách hiệu quả để chống lại ung thư là cắt bỏ các loại dinh dưỡng có thể tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển.
Những thông tin trên các trạng mạng đều xuất phát từ bài dịch của tác giả Phong Thu. Theo đó, để diệt tế bào ung thư, bạn nên kiêng ăn đường, sữa, thịt đỏ… với lý giải:
- Đường là thực phẩm của tế bào ung thư. Không tiêu thụ đường là khiến tế bào ung thư bị đói. Nên thay được bằng mật ong và mía.
- Sữa làm cho cơ thể sản xuất chất nhầy, đặc biệt là trong đường ruột. Tế bào ung thư ăn chất nhầy. Thay thế sữa bằng sữa đậu nành thì tế bào ung thư mất thức ăn nên sẽ chết.
- Thịt đỏ tạo ra môi trường axit nên tạp môi trường sống thuận lợi cho tế bào ung thư. Thay thịt đỏ bằng thịt gà, cá sẽ khiến tế bào ung thư mất môi trường sống.
Cùng với việc cắt bỏ các loại thực phẩm trên, người bệnh nên: áp dụng chế độ ăn uống gồm 80% rau quả tươi và nước ép, ngũ cốc, hạt, các loại hạt quả, quả hạnh nhân và một ít loại trái cây đặt cơ thể trong môi trường kiềm.
Chỉ nên tiêu thụ 20% thực phẩm nấu chín, bao gồm cả đậu, Không nên dùng cà phê, trà và sô cô la lama nên uống nước tinh khiết hoặc nước lọc. Cuối cùng là nên tập luyện thường xuyên.
Ảnh minh họa |
Không đủ dinh dưỡng, khối u “ăn thịt” người
Trước những thông tin trên, ThS. Trần Anh Tuấn, Khoa ngoại Tổng hợp, Bệnh viện K, Hà Nội cho biết, đây mới là tài liệu thảo luận chứ không phải là các nghiên cứu cụ thể đã được chứng minh nên chưa đủ bằng chứng khoa học. Do đó, bác sĩ Tuấn khuyên người bệnh nên tuân thủ phương pháp điều trị và thực hiện chế độ ăn theo chỉ định của bác sĩ.
Còn GS, TS. Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh, với người bị ung thư, dinh dưỡng rất quan trọng vì ngoài việc cung cấp năng lượng như người bình thường, dinh dưỡng còn phải nuôi cả khối ung thư rất “phàm ăn” đang ký sinh trên cơ thể người bệnh. Cho nên nếu cho rằng ăn kiêng hoặc nhịn ăn để khối u phát triển chậm lại, thậm chí nó sẽ chết đi là một quan điểm sai lầm.
Theo GS,TS. Nguyễn Ba Đức: Khi khối u không nhận được các chất dinh dưỡng từ ngoài đưa vào nó sẽ “ăn thịt” người bệnh. Người bệnh sẽ chết trước khi khối u chết. Thực tế cho thấy, 50-90% bệnh nhân ung thư có sụt cân, >90% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có suy kiệt.
Việc ăn kiêng dẫn đến giảm cân sẽ gây giảm đáp ứng điều trị, làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ của hóa chất, xạ trị, không đủ sức khỏe để tiếp tục điều trị.... Đặc biệt, càng sụt cân, người bệnh càng mệt mỏi, chán ăn, tăng nguy cơ di căn xương, giảm hoạt động của các cơ quan chức năng như tim, phổi, tiêu hóa, thiếu máu, suy yếu đáp ứng miễn dịch nguy cơ nhiễm trùng cao.
GS, TS. Đức khẳng định, việc một số bệnh nhân ung thư kiêng không uống sữa là sai lầm lớn. Sữa được coi là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và dễ hấp thu, giúp nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, nhất là phòng chống suy dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư rất tốt.
Vẫn cần phương pháp mạnh
Mặc dù nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh ung thư đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải. Nhưng người ta vẫn có những bằng chứng đáng tin cậy cho thấy chế độ ăn uống cũng góp phần gây ra bệnh ung thư, tái phát ung thư và có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư.
Nói như vậy để thấy rằng, một số lời khuyên trong tài liệu trên là đúng nhưng chưa khẳng định được tác dụng trị bệnh. Nếu áp dụng được chế độ ăn kiêng như trên nhưng vẫn đảm bảo các thức ăn thay thế, đảm bảo cân nặng và dinh dưỡng thì cũng nên kết hợp. Song chớ vội tin rằng chúng giúp khỏi bệnh mà bỏ dở điều trị.
Theo GS, TS. Đức, khi có bệnh ung thư, người bệnh bắt buộc phải chữa trị bằng các phương pháp khoa học mạnh mẽ như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị... mới tiêu diệt được tế bào ung thư. Trong quá trình điều trị dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Nhu cầu dinh dưỡng ở người bệnh ung thư cao hơn người thường. Chế độ ăn vẫn cần đảm bảo đủ số lượng calorie trong đủ 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu: đạm, chất béo, tinh bột đường, chất xơ.
Tốt nhất, trong quá trình điều trị và dự phòng ung thư, người bệnh cần tìm hiểu rõ để thực hiện chế độ ăn uống cho phù hợp với từng loại ung thư, giai đoạn của bệnh và thể trạng của người bệnh.
Tuy nhiên, nguyên tắc chung là chọn thực phẩm dễ tiêu, hợp khẩu vị, chia nhỏ và ăn thành nhiều bữa nhằm bảo đảm cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể để duy trì được sức khỏe chống lại bệnh tật. Do khả năng tiêu hóa và hấp thu cao hơn vào ban ngày, nên cần tăng lượng ăn vào buổi sáng và trưa, hơn là vào buổi tối.
Hà Linh
Theo tạp chí Sống Khỏe