Hợp tác quảng cáo

Thực phẩm chức năng: Kinh doanh đa cấp thổi phồng sự thật?

7:50 AM | 25/12/2014 -
Khỏe +

(SKGĐ) Trong khi vai trò, tác dụng của các loại thực phẩm chức năng (TPCN) vẫn còn khiến các nhà khoa học tranh cãi thì các tổ chức bán hàng đa cấp ở Việt Nam đang mạnh miệng "thổi" chúng lên hàng thần dược.

Thực tế, không chỉ được bán ở các hiệu thuốc, cửa hàng dược phẩm, được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông … các loại TPCN còn đang được lan truyền đến tận hang cùng ngõ hẻm nhà dân qua hình thức bán hàng đa cấp.

Tin đa cấp rước họa vào thân

Chị Anh Thư (Hoài Đức, Hà Nội) đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian trước, do lo lắng kinh nguyệt không đều và cảm thấy sức khỏe kém đi, chị đã nghe theo người bạn học cũ giờ đang là nhân viên của một tổ chức bán hàng đa cấp giới thiệu một loại TPCN được cho là "rất tốt, rất bổ, có thể chữa được bách bệnh, kể cả ung thư". Sau hơn 2 ngày được người bạn tỉ tê tư vấn, chị Thư đồng ý mua một bộ gồm ba hộp TPCN, giá mỗi hộp là 600.000 đồng về dùng. Khi chị uống được khoảng 2 tuần, khỏe đâu không thấy, chị lại thấy mình bị đau rát và trợt loét miệng họng, cộng với bị tiết nhiều đờm dãi.

Mới đầu chị không nghĩ đấy là do tác dụng phụ của mớ TPCN, mà cho rằng mình bị nóng trong nên sinh nhiệt. Chị bèn dùng thêm thuốc giải nhiệt nhưng tình trạng càng thêm nặng khiến chị không thể ăn, uống được gì, cơ thể suy nhược. Đi khám tại Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, chị Thư được chẩn đoán là viêm loét miệng họng nghi do dị ứng với loại TPCN đang dùng.

3 "không" khi dùng TPCN

- Không tham lam: không nên sử dụng quá mức hay lạm dụng.

- Không ngộ nhận: phải hiểu biết tường tận, không hiểu sai về tính năng và hiệu quả của TPCN.

- Không cả tin: tức là làm theo lời người khác nói một cách thiếu thận trọng, thiếu khách quan, không phù hợp với mình.

Cùng nằm trong Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, chị Thanh Hương, 23 tuổi (Yên Phong, Bắc Ninh) kể về trường hợp nằm viện của mình. Tuy thể trạng có hơi gầy và mặt hay nổi mụn nhưng chị là người rất ít bệnh tật. Nhưng vì muốn con gái rượu thêm xinh xắn ở tuổi cặp kê nên bố mẹ chị cứ nay mua thuốc bổ này, mai mua loại thuốc bổ khác cho con gái trị mụn và tẩm bổ dù chị đã nhiều lần phản đối. Đã mấy lần bố mẹ chị đã định bỏ tiền ra mua TPCN cho con gái giải độc gan theo lời mách nước của mấy người hàng xóm nhưng chị đã gạt phăng đi.

Nhưng hơn tháng trước, đợi lúc chị Hương không có nhà bố mẹ chị lén bỏ ra hơn 2 triệu đồng mua 4 TPCN do mấy người trên Hà Nội về giới thiệu là nhân viên bán hàng đa cấp của đại lý dược phẩm lớn của Mỹ tại Việt Nam. Bố mẹ chị Hương hoàn toàn bị thuyết phục trước những lời giới thiệu bài bản và ấn tượng của các nhân viên bán hàng đa cấp này nên đã liên tục giục giã chị uống cho đúng giờ, đúng liều. Ấy thế nhưng chỉ mới uống hết lọ thứ 1, chị Hương đã bị mụn mọc khắp mặt và cả ở 2 cánh tay và giơ chị phải nằm điều trị dị ứng trong viện.

Không đến nỗi bị mắc bệnh như chị Thư hay chị Hương, nhưng chị Hoàng Như Thảo (Thạch Thất, Hà Tây) lại mất rất nhiều tiền và tình cảm gia đình bị sức mẻ vì mua TPCN đa cấp. Gia cảnh nhà chị rất khá giả, chồng chị vốn là giám đốc một công ty xây dựng tư nhân nhưng chẳng may lại bị đái tháo đường. Vì muốn hỗ trợ sức khỏe cho ông xã, chị Thảo rất chịu khó lên mạng đọc các lời giới thiệu về TPCN hỗ trợ chữa đái tháo đường. Dù đọc nhiều và tìm hiểu nhiều nhưng chị vẫn không thể chọn mua được vì loại nào cũng được giới thiệu là hay và hiệu nghiệm nhất. Chị đem tâm sự kể cho chị bạn đồng nghiệp, ngay hôm sau, chị bạn này đã giới thiệu cho chị một anh bạn đang bán TPCN đa cấp.

Anh bán TPCN đa cấp này bắt đầu chiến dịch chăm sóc chị Thảo bất kể ngày đêm. Anh ta liên tục gọi điện thoại hẹn gặp, tư vấn chị mua hàng và mua quà bánh, trái cây tặng chị. Trước sự chăm sóc nhiệt tình đó, chị Thảo đã không còn có thời gian để nâng lên đặt xuống việc nên hay không nên mua hàng. Cứ thế, chỉ trong vòng 2 tháng, chị Thảo đã bỏ ra gần 40 triệu để mua TPCN. Dù tiền bỏ ra đã nhiều nhưng bệnh của chồng chị lại có biểu hiện gia tăng chứ không giảm. Đã thế, chị lại còn gặp một phen thất kinh hồn vía khi bị chồng giận hờn vì ghen tuông với sự săn đón thái quá của anh chàng bán hàng đa cấp kia.

Trăm dâu đổ đầu tằm

TS.Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, sản xuất và kinh doanh TPCN hiện là một trong những ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với doanh thu mỗi năm đạt hơn 65.000 tỷ đôla trên toàn cầu. Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng thực tế ai cũng thấy có sự "nở rộ" đa dạng của các loại TPCN. Nhưng trên thực tế, không ít doanh nghiệp kinh doanh TPCN đã tận dụng sự mới mẻ và phức tạp của ngành hàng này để thu lợi. Đặc biệt là họ đã lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp, quảng cáo theo kiểu truyền miệng đã đẩy TPCN lên tầm thần dược chữa bách bệnh cũng như giá cả trên trời, trong khi người tiêu dùng bị rơi vào ma trận thông tin chưa được kiểm chứng.

Không chỉ lôi kéo những người có nhu cầu mua sản phẩm vào mạng lưới bán hàng mà các công ty kinh doanh TPCN còn dùng đủ “chiêu trò” để lôi kéo thành viên mới. Sau thời gian hoạt động mạnh ở các thành phố lớn, giờ đây nhiều mạng lưới kinh doanh đa cấp TPCN đang chuyển hướng mở rộng về nhiều vùng thôn quê.

Cách đây không lâu, phóng viên có dịp đến một xã miền núi của huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ và rất bất ngờ khi biết nhiều nhà dân ở đây đã biết dùng sản phẩm TPCN của một nhãn hiệu đa cấp. Hỏi ra mới biết, hiệu trưởng một trường phổ thông tại đây cũng tham gia bán hàng đa cấp nhãn hiệu này. Ngay trong những ngày họp phụ huynh, vị hiệu trưởng này đã tranh thủ giới thiệu sản phẩm của mình nên ai cũng… nể mà mua dù giá khá cao so với thu nhập của người dân quê.

TS.Trần Đáng cho biết, khi chưa có chế tài rõ ràng về hình thức nói phóng, nói quá trong kinh doanh đa cấp TPCN thì người tiêu dùng vẫn còn phải chịu nhiều thua thiệt. Do quá thiếu thốn thông tin, cũng như nhiều loại TPCN được kinh doanh kiểu đa cấp đã phóng đại công dụng thật sự của TPCN là chữa được đủ thứ bệnh, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến "bôi xấu" cho TPCN, chưa kể đến những trường hợp người tiêu dùng lãnh đủ vì sử dụng không đúng. Trong khi thực tế TPCN cũng có những ưu điểm nhất định của nó. Không có loại TPCN nào có khả năng chữa tất cả các bệnh mà chỉ có TPCN có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng để giảm bớt nguy cơ gây bệnh.

Tiến sĩ Phạm Quốc Kính, nhà nghiên cứu dược học, tác giả của nhiều loại thuốc và TPCN sản xuất trong nước khẳng định: TPCN thực chất đều là những sản phẩm nâng cao sức khỏe con người như tăng sinh lực, trí tuệ minh mẫn, chống lão hóa, tăng cường miễn dịch cho cơ thể… Nhưng TPCN không phải là thuốc điều trị mà chỉ là thực phẩm bổ sung. Chúng cũng không phải là thực phẩm thông thường vì không cung cấp các chất tạo năng lượng cho cơ thể (như thịt, cá, rau quả). Nói cách khác, TPCN là loại giao thoa giữa thuốc và thực phẩm.

HL

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp