Hợp tác quảng cáo

Tiếng ồn đang giết chết cơ thể con người như thế nào?

10:03 AM | 10/06/2020 -
Khỏe +

Đô thị hóa, hiện đại hóa khiến con người có cuộc sống dần sung túc hơn nhưng đi kèm với nó là vấn đề nan giải: ô nhiễm tiếng ồn. Ô nhiễm tiếng ồn thường bị xem nhẹ vì mọi người thường cho rằng nó không tác động nhiều đến sức khỏe con người. Nhưng nếu biết 10 tác hại mà nó mang lại sau đây, bạn sẽ không khỏi kinh ngạc.

1. Ảnh hưởng đến thính lực

Đây chắc chắn là tác hại lớn nhất của tiếng ồn. Cơ chế của sự giảm hoặc mất thính lực là do tổn thương các nhung mao ở xoắn tai. Một chuỗi tiếng động liên tiếp với độ lớn 85 dB có thể làm giảm thính lực. Đây là mức âm thanh của một cảnh tượng giao thông hỗn độn, trong khi đó một bản nhạc rock có âm lượng lên đến 110-120 dB.

Tiếp xúc với tiếng động đột ngột và liên tục có thể gây ra mất thính lực tạm thời, nhưng thường thì thính lực trở lại bình thường sau 16-18 giờ khi không còn tiếng động. Ảnh hưởng của tiếng động lên tai tùy thuộc ở cường độ của tiếng động và số lượng thời gian tiếp cận với chúng.

Tieng on dang giet chet co the con nguoi nhu the nao?

Ảnh minh họa

Theo nhà nghiên cứu A.J. Hudspeth, ĐH Y khoa California, sự tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn mạnh sẽ "đẵn, cắt, gọt" tan hoang những tế bào lông ở tai trong. Các tế bào này sẽ bị bứng gốc, hủy hoại. Đây là những tế bào có nhiệm vụ thu nhận các đợt sóng âm thanh, chuyển lên não bộ để được nhận rõ đó là âm thanh gì và từ đâu phát ra.

2. Mắc các bệnh tim mạch

Tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn đưa tới thay đổi chức năng của hệ thần kinh tự chủ, làm tăng nhịp tim, huyết áp, sức cản mạch máu ngoại vi.

Nghiên cứu của TS. Wolfgang Babisch, Đức cho thấy liên tục nghe tiếng ồn giao thông ở mức độ 70dB có thể tăng rủi ro bệnh nhồi máu cơ tim. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy âm lượng trên 50 dB vào ban đêm cũng có thể gây nhồi máu cơ tim do cơ thể sản xuất quá nhiều và liên tục cortisol. Những âm thanh từ động cơ xe và tiếng còi xe làm co mạch máu khiến huyết áp tăng lên.

3. Rối loạn giấc ngủ

Nhiều nghiên cứu chứng minh tiếng ồn từ 35dB trở lên đã đủ để gây ra rối loạn cho giấc ngủ bình thường. Tiếng động ban đêm tạo ra những cơn thức giấc bất thường, làm thay đổi chu kỳ các giai đoạn của giấc ngủ và gây khó khăn đi vào giấc ngủ. Điều này thường dẫn tới thiếu ngủ và hậu quả là sự mệt mỏi, bải hoải, buồn chán vào ngày hôm sau.

Tieng on dang giet chet co the con nguoi nhu the nao?

Ảnh minh họa

Một điểm đáng lưu ý là trẻ em dường như có một cơ chế bảo vệ với tiếng động khi ngủ ban đêm, nên các cháu vẫn ngủ ngon, ít bị thức giấc như người lớn. Tuy nhiên hệ thần kinh của trẻ vẫn dễ bị ảnh hưởng và phản ứng.

4. Ảnh hưởng đến cơ quan nội tiết

Tiếng ồn xí nghiệp làm tăng sản xuất noradrenaline và adrenaline ở công nhân nhưng khi họ mang vật bảo vệ tai thì adrenaline trở lại bình thường. Một nghiên cứu tại Việt Nam do các tác giả Nguyễn An Lương, Ayako Sudo, Hoàng Minh Hiển thực hiện cũng tìm thấy kết quả tương tự ở công nhân xưởng dệt.

5. Căng thẳng (stress)

Tieng on dang giet chet co the con nguoi nhu the nao?

Ảnh minh họa

Vì tiếng ồn có thể gây mất ngủ, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống nên nó thường dẫn đến stress, suy sụp tinh thần và căng thẳng thần kinh. Một số bi kịch đã xảy ra trong khu dân cư cũng chỉ vì tiếng ồn.

6. Tác động đến hệ tiêu hóa

Donald Eric Broadbend, Anh, nhận thấy tiếng ồn cũng ảnh hưởng tới sự tiêu hóa như làm giảm co bóp của dạ dày, giảm dịch vị dạ dày và nước miếng.

7. Làm giảm hiệu quả công việc

Tại nơi làm việc, tiếng ồn là rủi ro lớn cho sức khỏe, gây khó khăn cho sự đối thoại, giảm sự tập trung vào công việc và giảm sản xuất, tăng tai nạn thương tích.

8. Thay đổi hành vi của con người

Sống trong khu xóm ồn ào, nhiều tiếng động, con người trở nên bực bội, giận giữ, khó chịu, hay gây gổ, ít giao thiệp với lối xóm. Nó cũng khiến con người giảm đặc tính giúp đỡ và tăng sự hung hổ, gây hấn.

David Glas và Jerome Singer cho biết tiếng ồn có ảnh hưởng rất nhiều lên con người kể cả sau khi không còn tiếng ồn. Tiếng ồn đột ngột có tác hại nhiều hơn biết trước.

9. Gây dị tật thai nhi

Năm 1978, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ nói về mối liên hệ giữa tiếng ồn và tình trạng trẻ em sinh thiếu cân, dị dạng thai nhi khi thai phụ sống gần sân bay, đô thị ồn ào... Những dị tật thai nhi do tiếng ồn bao gồm sứt môi, hở vòm miệng, tổn thương cột sống.

 Theo Lester W. Sontag của Viện Nghiên cứu Fels, phôi thai có khả năng tiếp nhận âm thanh và phản ứng lại bằng những vận động cùng sự thay đổi nhịp tim. Sự tiếp xúc với tiếng ồn được cho là sẽ gây hại cho bào thai ở giai đoạn 16-60 ngày khi một số cơ quan nội tạng chính và hệ thần kinh trung ương đã được hình thành.

Ngoài ra, khi thai phụ nghe tiếng ồn, mạch máu sẽ bị co lại nên không đủ dưỡng khí cho thai nhi khiến trẻ sinh thiếu cân. Tiếng ồn cũng làm thay đổi một số hormone ở thai phụ vốn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của bào thai.

10. Hạn chế khả năng học tập của trẻ

Tieng on dang giet chet co the con nguoi nhu the nao?

Ảnh minh họa

Trẻ em tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn thì sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng nghe và nói. Theo Sheldom Cohen, Đại học Oregon, trẻ em sống trong các căn phòng ở tầng thấp trong một cao ốc gần trục lộ giao thông có khó khăn tập đọc, làm toán, phân biệt chữ có âm tương tự, so với các em sống ở tầng trên cao, xa tiếng ồn.

Ngân Trần

Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp