Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng khó lường như xơ gan, ung thư gan… Vậy bệnh viêm gan B là gì, đâu là nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa là thắc mắc được không ít người. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời chính xác nhất nhé!
1. Bệnh viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể trở thành mãn tính, lâu dần gây nhiễm trùng gan thậm chí là ung thư gan.
Viêm gan B thường được chia làm 2 dạng: Viêm gan B cấp tính và viêm gan B mãn tính.
- Viêm gan siêu vi B cấp tính: Thường xảy ra trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus, có nguy cơ tiến triển thành mãn tính nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị kịp thời.
- Viêm gan siêu vi B mãn tính: Nếu bệnh kéo dài hơn 6 tháng sẽ chuyển qua giai đoạn mãn tính, nếu không chữa trị kịp thời sẽ có khả năng cao dẫn đến xơ gan, suy gan, ung thư gan…
Hiện Việt Nam chúng ta đang thuộc nhóm có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao của thế giới, từ 8-12%. Trong đó, 10-15% nhiễm virus này có diễn biến thành viêm gan mãn tính, sau đó khoảng 25% thành xơ gan và 80% dẫn tới ung thư gan. Ước tính đến năm 2025, sẽ có 40.000 ca tử vong do căn bệnh dễ lây nhiễm này.
2. Virus HBV là gì?
Virus HBV (Hepatitis B Virus) là loại virus có hình cầu, vỏ bao quanh của HBV là lipoprotein có chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg. Nhờ đó, virus HBV không bị thay đổi, trong môi trường đông lạnh như -20 độ C chúng có thể sống sót trong vòng 15 năm, trong môi trường -80 độ C tuổi thọ sẽ giảm xuống còn 2 năm. Cho đến nay, virus HBV được xác định có 8 tuýp kháng nguyên khác nhau.
Virus HBV là nguyên nhân gây nên viêm gan B - (Ảnh: thelansis) |
Thông thường, virus HBV có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng. Loại virus này lây truyền chủ yếu qua 3 con đường gồm đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và lây từ mẹ sang con.
3. Viêm gan B lây qua đường nào?
Lây qua đường máu: Viêm gan B có thể lây qua đường máu, cụ thể là khi tiếp xúc trực tiếp với đường máu của bệnh nhân. Trong đó bao gồm:
- Khi vết thương hở tiếp xúc với máu của bệnh nhân.
- Khi dùng chung bàn chải đánh răng hay dao cạo râu với bệnh nhân.
- Dùng lại kim tiêm, ống chích y tế hay kim để xăm mình, xỏ lỗ tai...
Lây từ mẹ sang con: Nghiên cứu cho thấy, nếu thai phụ bị nhiễm virus viêm gan B, thì nguy cơ thai nhi bị nhiễm viêm gan B rất cao. Trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ sơ sinh là 10%, tỷ lệ này sẽ tăng dần lên khoảng 60-70% ở 3 tháng cuối và có đến 50% số trẻ này có thể bị viêm gan B mãn tính.
Lây qua đường tình dục: Virus HBV có thể gây lây nhiễm cho đối phương qua các vết xước nhỏ trong khi yêu. Vì vậy, các cặp đôi nên có biện pháp bảo vệ toàn khi quan hệ tình dục như: Dùng bao cao su, không quan hệ bằng miệng, không sử dụng các dụng cụ hỗ trợ kém vệ sinh…
4. Những triệu chứng của bệnh viêm gan B, bạn nên biết!
Không phải ngẫu nhiên mà viêm gan B được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Căn bệnh này thường ít có những biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu nên rất dễ khiến người bệnh chủ quan. Bệnh thường chỉ bộc lộ triệu chứng khi gan chịu thương tổn nghiêm trọng, trong đó chỉ có khoảng 30%-50% người bệnh có các triệu chứng biểu hiện điển hình như:
- Nổi ban
- Đau khớp
- Mệt mỏi
- Vàng da và mắt (bệnh vàng da)
Ngoài ra, bạn nên đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ ngay nếu thấy bản thân xuất hiện các triệu chứng khác của bệnh viêm gan B như: Phân có màu xanh xám, nước tiểu đậm màu, ngứa ngáy, chán ăn, buồn nôn, sốt nhẹ, đau bụng, mạch máu nổi lên trên da như màng nhện...
Trong trường hợp, bạn nghi ngờ bản thân bị phơi nhiễm virus hãy đến gặp bác sĩ ngay nhé. Vì nếu bạn điều trị phòng ngừa phơi nhiễm trong vòng 24 giờ thì khả năng bị mắc bệnh sẽ giảm xuống đáng kể đấy!
5. Biến chứng nếu không chữa trị viêm gan B kịp thời
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, virus HBV sẽ bám vào bề mặt tế bào gan, dựa vào tế bào chất của tế bào gan để sao chép mã di truyền, mọc chồi từ tế bào gan và sinh ra nhiều tế bào mới. Toàn bộ quá trình này làm rối loạn hoạt động, chức năng của các tế bào gan, từ đó gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của bệnh nhân, điển hình như:
- Suy giảm chức năng gan: Sau khi bám lên bề mặt gan, virus HBV sẽ bắt đầu phá hủy tế bào từ bên trong, gây tổn thương và làm suy giảm các chức năng quan trọng của gan. Cụ thể, đó là các chức năng như thải độc, lọc máu, chuyển hóa chất, tổng hợp chất…
- Gan nhiễm mỡ: virus HBV khiến cho chất béo không được chuyển hóa mà tích tụ lại gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ.
- Xơ gan: Viêm gan B nếu không điều trị, trong vòng 20 năm hoặc sớm hơn sẽ biến chuyển thành sẽ thành xơ gan, ngăn chặn dòng máu đi qua gan, làm suy giảm trầm trọng chức năng của bộ phần này.
- Ung thư gan: Viêm gan B làm tăng sinh tế bào gan ác tính, nếu không điều trị kịp thời, trong vòng 10 năm bệnh sẽ tiến triển thành ung thư gan. Theo một số thống kê, cứ 100.000 người Việt thì có khoảng 23 người bị ung thư gan.
6. Cách chẩn đoán bệnh viêm gan B
HBV có 3 loại kháng nguyên HBsAg, HBeAg và HBcAg, tương ứng với 3 loại kháng nguyên vừa kể trên là 3 loại kháng thể anti-HBs, anti-HBc và anti-HBe. Sự hiện diện của các kháng nguyên, kháng thể này đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định tình trạng và diễn biến bệnh.
Chẩn đoán sớm sẽ giúp việc điều trị bệnh dễ dàng và hiệu quả hơn - (Ảnh: educa.cetrus) |
Thông thường, để chẩn đoán viêm gan B bác sĩ thường dựa vào 3 yếu tố:
Yếu tố dịch tễ: Bác sĩ sẽ tìm hiểu xem tiền sử gia đình có mẹ bị viêm gan B không; Bản thân có từng quan hệ tình dục không dùng biện pháp bảo vệ không; Có từng dùng chung bơm kim tiêm với người bị nhiễm viêm gan B không…
Yếu tố lâm sàng: Xem bạn có biểu hiện điển hình của bệnh viêm gan B như: vàng da, chán ăn, người mệt mỏi, đau hạ sườn…. hay không.
Yếu tố cận lâm sàng: Bác sĩ sẽ chẩn đoán, xác định bệnh nhân có bị nhiễm viêm gan B hay không dựa vào một số xét nghiệm dưới đây:
- Xét nghiệm HbsAg: Đây là xét nghiệm kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Nếu kết quả xét nghiệm này dương tính nghĩa là bạn đang bị nhiễm virus viêm gan B.
- Xét nghiệm Anti – HBs: Đây là xét nghiệm kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể với virus viêm gan B. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính nghĩa là cơ thể đã có kháng thể chống lại virus hay nói cách khác người bệnh đã từng mắc viêm gan B và đã khỏi hoặc người bệnh đã từng tiêm vaccine phòng viêm gan B.
- Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm những xét nghiệm khác như ALT, AST, HbsAg, Anti – Hbe, Anti-HBc… để kiểm tra chức năng gan, lượng virus để hướng điều trị thích hợp.
7. Cách điều trị viêm gan B hiệu quả
Tốt nhất, bạn nên gặp bác sĩ trong vòng 12 tiếng sau khi bị phơi nhiễm virus viêm gan B để được tiêm huyết thanh miễn dịch. Cách này sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi sự phát triển của virus HBV, nếu không được tiêm huyết thanh kịp thời, bạn có thể bị viêm gan B cấp tính hoặc mãn tính.
Viêm gan B cấp tính
- Bạn chỉ cần nghỉ ngơi, có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh sau khi chẩn đoán bệnh. Trong khoảng thời gian này, nên tránh tiếp xúc thân mật với người khác, có chế độ ăn nên cung cấp đủ calo, chất dinh dưỡng và nước cho cơ thể.
- Ngoài ra, trong 2 tuần từ khi người bị viêm gan nhiễm bệnh, nên tiêm huyết thanh kháng virus viêm gan B cho những người có quan hệ mật thiết với người bệnh.
Viêm gan B mãn tính
Tùy vào thể trạng virus gây bệnh, tình trạng, tiền sử bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị viêm gan B như: Sử dụng các loại thuốc kháng virus để chống lại virus viêm gan B và làm chậm khả năng gây tổn thương cho gan; Interferon alfa-2b (Intron A) để chống lại sự nhiễm trùng; Ghép gan được chỉ định khi gan bạn đã bị tổn hại quá nghiêm trọng...
Việc điều trị viêm gan B mạn tính cần bệnh nhân phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài. Nếu không có biện pháp phòng ngừa và điều trị, bệnh có khả năng dẫn tới xơ gan, ung thư gan…
8. Mách bạn cách phòng bệnh viêm gan B
Phòng bệnh viêm gan B chủ động bằng cách tiêm vaccine:
- Tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Chẩn đoán sớm sẽ giúp việc điều trị bệnh dễ dàng và hiệu quả hơn - (Ảnh: educa.cetrus) |
- Tiêm vaccine viêm gan B cho các đối tượng chưa bị nhiễm HBV: Trước khi tiêm, cần xét nghiệm HBsAg và anti-HBs và tiêm đủ 3 mũi (mũi thứ 2 sau tiêm mũi đầu 1 tháng, mũi thứ 3 sau 6 tháng) để có miễn dịch tốt nhất
- Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm gan B được khuyến cáo tiêm phòng vaccine như: Bác sĩ, nhân viên y tế, những người quan hệ tình dục không an toàn, những người chưa nhiễm viêm gan B cũng nên tiêm phòng vaccine để phòng chống căn bệnh này.
- Lưu ý, việc tiêm vaccine có thể có một số tác dụng phụ không mong muốn như: sốt cao trên 38,5 độ, ngứa, nổi ban ở vùng da bị tiêm…Bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay nếu có những biểu hiện bất thường sau khi tiêm để được can thiệp và xử lý kịp thời.
Phòng lây truyền từ mẹ sang con:
- Trước khi có ý định mang thai, cả vợ và chồng cần đến bệnh viện kiểm tra xem có bị nhiễm viêm gan B hay không.
- Mẹ bầu bị nhiễm viêm gan B cần đến bệnh viện thăm khám trước khi mang thai và trong suốt quá trình mang thai để bác sĩ đưa ra các biện pháp xử trí kịp thời và thích hợp.
- Trẻ được sinh ra từ mẹ bị viêm gan B, ngay sau khi sinh cần được tiêm phòng vaccine viêm gan B mũi đầu tiên và một mũi globulin miễn dịch viêm gan B (HBIg). - - Hai liều tiếp theo sẽ được tiêm ở 6 tháng kế tiếp.
- Sau khi hoàn thành các mũi tiêm, bé sẽ được xét nghiệm kiểm tra virus viêm gan B.
Phòng không đặc hiệu:
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp phòng tránh virus viêm gan B lây lan như dùng bao cao su...
- Không dùng chung bơm kim tiêm, bàn chải đánh răng, quần chip, các vật dụng lây từ máu người nhiễm bệnh sang người khác …
- Tránh tiếp xúc với máu và các dịch tiết của bệnh nhân nhiễm HBV.
9. Bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B cần làm gì?
- Sinh hoạt tình dục an toàn
- Tránh xa hoàn toàn các thức uống có cồn như bia, rượu
- Không hút thuốc lá để bảo vệ gan, hạn chế biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan.
- Luyện tập thể dục như chạy bộ, đi bộ, chơi cầu lông, bơi lội… để nâng cao sức khỏe - Tuyệt đối không dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, bấm móng tay… với người khác
- Bổ sung đủ lượng protein cần thiết (đặc biệt từ sữa và chế phần từ sữa như phô mai, sữa chua) để cơ thể chống lại bệnh tật, vitamin A, C từ rau củ quả màu xanh đậm.
Mong rằng với các thông tin về bệnh viêm gan B như trên, bạn sẽ có cái nhìn đúng và đủ về căn bệnh này để từ đó phòng tránh và kiểm soát bệnh tốt hơn nhé!
Ngọc Duyên
Theo Người đưa tin