Ở nước ta, việc chuẩn đoán ung thư dạ dày thường muộn nên để lại những hậu quả nặng nề dù đã được cắt bỏ phần dạ dày bị ung thư.
Dạ dày được chia thành 5 lớp khác nhau. Mầm ung thư có thể phát triển ở bất cứ đâu trong năm lớp đó.
Lớp trong cùng được gọi là niêm mạc. Axit dạ dày và dịch tiêu hóa được tạo ra ở lớp niêm mạc này. Lớp tiếp theo được gọi là lớp dưới niêm mạc, lớp này được bao quanh bởi lớp áo cơ. Lớp cơ này co bóp và nhào trộn thức ăn trong dạ dày. Hai lớp dưới thanh mạc và màng thanh dịch là lớp ngoài cùng của dạ dày.
Hầu hết các bệnh ung thư dạ dày bắt đầu ở lớp niêm mạc. Từ đó ung thư có thể phát triển sâu hơn và lây nhiễm sang các lớp khác trong dạ dày. Khi nó phát triển sâu hơn thì triển vọng chữa khỏi bệnh càng xấu đi.
Ung thư dạ dày không đột nhiên xuất hiện mà phát triển từ từ qua năm tháng. Khi mầm ung thư phát triển, sẽ có sự thay đổi xảy ra trong lớp lót của dạ dày. Những thay đổi ban đầu này thường không có triệu chứng và người bị bệnh thường không chú ý đến.
Ảnh minh họa |
Những nguy cơ cần cảnh giác với ung thư dạ dày
Khi được thông báo là mình bị ung thư dạ dày, bạn sẽ tự hỏi nguyên nhân gây ra bệnh là do đâu, nhưng thường không ai biết nguyên nhân chính xác của nó, kể cả các bác sĩ chuyên khoa đang điều trị cho bạn.
Dù không thể gọi tên chính xác nguyên nhân gây ung thư dạ dày, nhưng các chuyên gia y tế cũng đã chỉ ra những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ cao mắc bệnh hơn người khác như sau:
Người bị nhiễm khuẩn Pylori: Đây là loại vi khuẩn gây ảnh hưởng xấu nghiêm trọng tới các niêm mạc dạ dày. Chúng có thể gây viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày ở một số người.
Người bị viêm loét dạ dày trong thời gian dài: những đối tượng này luôn nằm torng top dễ bị ung thư dạ dày nhất với các vết viêm loét kéo dài. Ngoài ra, những người đã bị cắt bỏ một phần dạ dày rất dễ bị viêm loét kéo dài cũng có nguy cao bị ung thư dạ dày sau nhiều năm phẫu thuật.
Người hút thuốc nhiều: Những người hút thuốc có nhiều khả năng mắc bệnh hơn so với những người không hút thuốc. Những người nghiện thuốc lá nặng có nguy cơ cao nhất.
Di truyền: Những người có thân nhân như cha mẹ, anh, chị em, hay con của người có tiền sử bị ung thư dạ dày sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh này. Đặc biệt, nếu nhiều người trong gia đình mắc ung thư dạ dày thì nguy cơ mắc bệnh của họ càng cao.
Người có chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh:
- Nghiên cứu cho rằng những người có chế độ ăn nhiều các loại thực phẩm hun khói, ướp muối sẽ có nguy cơ bị ung thư dạ dày rất cao. Các nghiên cứu cũng chỉ rõ, những người có chế độ ăn nhiều trái cây tươi và rau quả có thể có rủi ro thấp hơn.
- Nguy cơ ung thư dạ dày cũng tăng cao ở những người lười vận động thể chất.
- Ngoài ra, người béo phì có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư ở phần trên của dạ dày.
Sức tàn phá của ung thư dạ dày
Ngoài dạ dày, mầm ung thư có thể lan rất nhanh sang các bộ phận khác của cơ thể. Nó có thể phát triển xuyên qua thành dạ dày vào các cơ quan gần đó hoặc nó cũng có thể lan đến các hạch bạch huyết và sau đó xâm nhập vào hệ thống bạch huyết.
Bạn có biết? - Mỗi năm có khoảng 24.000 người dân Mỹ được phát hiện mắc bệnh dạ dày. - Tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày ở nam cao hơn nữ. Tần suất bệnh thay đổi ở những quốc gia khác nhau. Một số quốc gia có tỷ lệ ung thư dạ dày cao là Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam… |
Khi ung thư dạ dày phát triển nặng hơn, nó sẽ đi qua mạch máu và hình thành các tế bào ung thư ở các cơ quan như gan, phổi và xương. Nhưng ngay cả khi nó đã lan đến các cơ quan khác, nó vẫn được gọi là ung thư dạ dày, dưới dạng ung thư di căn. Những người đã bị lây lan theo cách này thì không thể cứu chữa được nữa.
Vì vậy, một trong những yếu tố giúp người bệnh có thể chống chọi và thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm này là biết cách phát hiện bệnh sớm. Khi gặp những triệu chứng bất ổn sau ở dạ dày bạn nên đi thăm khám ngay là:
- Sự giảm cân ngoài ý muốn và thiếu cảm giác ngon miệng.
- Đau ở vùng dạ dày (đau bụng).
- Thường xuyên cảm thấy khó chịu ở bụng, vùng bên trên rốn.
- Cảm giác đầy hơi phía dưới xương ngực mặc dù ăn ít thức ăn.
- Ợ nóng, khó tiêu, hoặc cả triệu chứng viêm loét.
- Thường xuyên có cảm giác buồn nôn.
- Nôn mửa, có hoặc không có máu.
- Trướng bụng.
- Ốm yếu và mệt mỏi.
Tỉnh táo để phòng chống ung thư dạ dày
Theo ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành, nguyên nhân gây ra bệnh ung thư dạ dày là không rõ ràng, vì vậy không có cách nào cụ thể để ngăn chặn nó. Nhưng bạn có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ ung thư dạ dày bằng một số thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của bạn như:
Ăn nhiều trái cây và rau quả. Hãy cố gắng kết hợp nhiều trái cây và rau quả vào chế độ ăn uống của bạn mỗi ngày. Lựa chọn trái cây và rau quả có nhiều màu sắc sẽ rất tốt cho dạ dày của bạn.
Giảm lượng muối và thực phẩm hun khói trong bữa ăn để bảo vệ dạ dày của bạn.
Ngưng hút thuốc lá. Nếu bạn hút thuốc thì hãy từ bỏ. Nếu bạn chưa hút thuốc thì đừng hút. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, cũng như nhiều loại ung thư khác. Bỏ hút thuốc có thể rất khó khăn, bạn nên hỏi bác sĩ để được giúp đỡ.
Hãy hỏi bác sĩ về nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Một số dấu hiệu làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, chẳng hạn như viêm dạ dày, thiếu máu và khối u dạ dày. Nếu bạn được chẩn đoán mắc một trong các dấu hiệu trên, bạn hãy hỏi bác sĩ xem dấu hiệu đó ảnh hưởng tới nguy cơ mắc ung thư dạ dày như thế nào. Bạn cũng có thể thực hiện nội soi định kỳ để tìm những dấu hiệu ung thư dạ dày.
Phạm Thanh Tuấn
Theo tạp chí Sống Khỏe