Hợp tác quảng cáo

Ung thư dạ dày vì ăn nhiều dưa cà muối

2:00 PM | 05/01/2015 -
Khỏe +

Dưa muối, cà muối là những món ăn cổ truyền của người Việt Nam từ ngàn năm nay. Nhưng nếu ăn dưa, cà muối không đúng cách sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ con người.

Bệnh tòng khẩu nhập

Cầm trên tay kết quả xét nghiệm ung thư dạ dày, chị Nguyễn Quế Hường ở P.Tân Phú, Q.7, Tp.HCM chết đứng, không nói được lời nào. Vốn là giáo viên dạy khiêu vũ tại một trung tâm có tiếng ở Tp.HCM nên chị Hường có thân hình khá chuẩn, sức khỏe cũng dẻo dai. Chị thường xuyên nhận được những lời trầm trồ, khen ngợi của bạn bè và hàng xóm về “body” chuẩn, với sự uyển chuyển khéo léo cơ thể, thân hình thon gọn đẹp và săn chắc. Chị cũng rất tự hào về sức khỏe ít khi ốm đau và chẳng biết đến bệnh viện là gì. Thế nên chẳng ai có thể nghĩ một người khỏe mạnh như chị lại có thể mắc bệnh ung thư.

Bệnh của chị chỉ từ thói quen ăn uống mà ra. Là người có thu nhập thuộc hàng cao nhưng chị có sở thích rất đỗi bình dân. Chị không thích ăn đồ tây, những món lạ là chị không hứng thú, món khoái khẩu nhất của chị là cà pháo và dưa muối xổi. Hầu như bữa ăn nào cũng phải có món khoái khẩu này, có khi nửa cân cà một mình chị ăn chỉ trong hai ngày.

Đặc biệt, chị chỉ thích ăn cà và dưa mới muối khi còn vị cay nồng. Theo chị, cà và dưa muối ở giai đoạn này rất hấp dẫn, càng ăn càng thích, càng thèm. Món khoái khẩu này chị thích từ ngày còn bé. Có hôm bị ốm ăn gì cũng thấy không ngon nhưng có món cà hay dưa muối xổi là chị lại ăn được chút cơm. Chị bảo sơn hào hải vị gì ăn nhiều cũng chán chỉ có món cà và dưa muối là ăn hơn nửa đời mà chưa thấy chán bao giờ.

Nhưng sở thích ăn cà muối đã gây tai họa cho chị. Khi đi khám sức khỏe gần đây bác sỹ cho biết phát hiện thấy khối u trong dạ dày và kết luận chị bị ung thư dạ dày. Theo bác sỹ một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư ở chị có thể là do sở thích ăn cà và dưa muối xổi.

Dưa, cà muối xổi có thể gây ung thư

PGS. TS BSCC. Trần Đình Toán

PGS. TS. BS Trần Đình Toán

PGS. TS. BS Trần Đình Toán (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị) cho biết, ngày xưa ở đồng bằng Bắc Bộ trong nhà luôn có chum tương, vại cà nén. Với người dân Bắc bộ muối cà như là món khai vị, cho dễ ăn. Và thực tế dưa, cà cung cấp chất xơ, chất kích thích tiêu hóa.

Trong nước dưa cà muối đảm bảo an toàn vệ sinh, vừa chín tới, không lẫn tạp khuẩn gây thối rữa, gây khú dưa, không chua quá, không còn vị cay... có trên 20 loại axit amin có lợi cho cơ thể và các loại vi sinh vật có ích cho hệ đường ruột. Thế nên dân gian mới có câu “Thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản”.

Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng của cà và dưa muối không nhiều. Bản thân chúng chỉ cung cấp 1 số vitamin, đường bột, một số chất khoáng, thành phần đạm cũng rất ít. Chính các cụ ngày xưa dù thích ăn dưa cà muối là vậy, nhưng cũng phải đúc rút ra rằng quả cà có chất độc qua những câu thành ngữ “1 quả cà 3 thang thuốc”, “ăn nhiều cà thì vác quốc ra đồng” ý nói nó không tốt cho sức khỏe nếu ăn nhiều.

Lưu ý:

Không nên ăn dưa chua chưa qua xử lý nhiệt kèm với rượu, ớt cay. Những chất này ăn vào sẽ tác động đến niêm mạc đường tiêu hóa trong đó có niêm mạc dạ dày, tá tràng cộng hưởng làm hại hệ tiêu hóa.

Không nên ăn cà muối xổi chấm với mắm tôm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho nitrat của cà chuyển thành nitrit. Khi ăn vào dạ dày đạm của mắm tôm và nitrit của cà cộng với nhau dễ tạo ra nitrosamin cao.

Nếu các cụ ngày xưa ăn dưa cà muối đúng chất lượng, đúng chuẩn thì ngày nay lại có rất nhiều chỉ thích ăn dưa cà muối xổi còn cay và nồng. Khoa học đã chứng minh trong cà muối, dưa muối chưa chín tới, muối non, muối xổi xuất hiện các chất tác nhân có thể gây ung thư. Cà muối xổi, dưa muối vẫn còn cay thì hàm lượng nitrat trong quả cà, lá dưa cao bị chuyển hóa thành nitrit do vi sinh vật trong nước dưa, nước cà muối tác động vào.

Nitrat khi vào dạ dày dưới tác dụng của môi trường dạ dày sẽ kết hợp với các acid amin trong thực phẩm, tức là đạm đã thủy phân từ các loại thực phẩm khác như cá, tôm, thịt nhất là mắm tôm nó biến thành nitrosamine. Chất nitrosamine qua nhiều nghiên cứu cho thấy có khả năng gây ung thư trên động vật thực nghiệm. Mặc dù trên người chưa có một nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra rằng nitrosamine gây ung thư cho người.

Khi dưa chín vàng đủ thởi gian, cà muối đủ độ chua thì nitrit lại giảm xuống rất nhanh. Dưa khú tức là dưa chưa bị vàng, dưa muối chưa chín tới vẫn còn cay nồng, cà muối xổi vẫn còn ngái… đó là những cái khuyến cáo không nên ăn, ăn nhiều vào sẽ không tốt cho sức khỏe.

Theo BS. Toán, cà muối, dưa muối được muối trong dụng cụ không đảm bảo cũng là tác nhân gây độc hại. Nên muối ở những vại sành, sứ, gốm. Nhưng cũng cần lưu ý, nếu vại nén cà làm từ nguồn đất nung có nhiễm kim loại nặng thì kim loại nặng từ dụng cụ muôi có thể thôi ra nước cà, dưa muối. Nước này nếu ăn vào có thể bị nhiễm thủy ngân, chì,… Cũng không nên dùng đồ sứ màu lòe loẹt, hoa văn trong gốm sứ có nhiều trì có thể gây độc.

Nếu muối bằng đồ nhựa thì nên dùng những dụng cụ y tế theo hướng dẫn của bộ y tế. Nên dùng đồ nhựa màu trắng có đô dẻo, độ bền, sản xuất chủ yếu từ nhựa PVC (Polyvinylclorua ), không nên dùng hộp nhựa màu mè muối cà, vì trong dưa, cà có acid khi đựng trong hộp sẽ không tốt cho người sử dụng.

Những người hệ tiêu hóa tốt không bị viêm loét dạ dày, hành tá tràng… ăn dưa, cà muối sẽ tốt cho tiêu hóa vì cung cấp chất xơ, cung cấp thêm các acid lactic, cung cấp thêm vi khuẩn có ích cho đường ruột, điều hòa hệ đường ruột tốt hơn.

Những ngươi có bệnh viêm loét dạ dày ,viêm đại tràng mãn tính, sơ gan cổ trướng… nói chung ăn nhiều chất chua vào cơ thể sẽ làm pH trong đường ruột thay đổi thì không nên ăn. Cũng không nên ăn nhiều dưa, cà muối vì thường rau đã để muối dưa là rau già nên nhiều xơ hơn. Đối với người già, ăn nhiều chất xơ có thể gây xoắn ruột, tắc ruột do bã thức ăn, cọ sát gây chảy máu, hoặc chất chua làm viêm loét thêm. Người già, người bị bệnh đường tiêu hóa, trẻ em không nên ăn nhiều.

D.H

Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp