Là một bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ung thư vú có thể được điều trị khỏi. Vì thế, chị em phụ nữ cần nhận thức và hiểu đúng về bệnh để từ đó có biện pháp phòng ngừa, chữa trị và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
Theo thống kê, năm 2018 tại Việt Nam, ung thư vú là bệnh lý đứng đầu về tỷ lệ mắc mới ở nữ giới với 15.229 ca và đứng thứ 4 về tỷ lệ tử vong với 6.103 ca. Trên thực tế, ung thư vú có thể được điều trị, kéo dài sự sống nếu phát hiện sớm, kịp thời và điều trị đúng phương pháp. Bài viết dưới đây sẽ giúp chị em phụ nữ hiểu rõ hơn về căn bệnh này để phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát, từ đó tạo ra các khối u ác tính. Đa số các trường hợp ung thư vú bắt đầu từ các ống dẫn sữa, một phần nhỏ phát triển ở túi sữa hoặc các tiểu thùy. Nếu phát hiện và điều trị muộn, tế bào ung thư vú có thể lan rộng ra toàn bộ vú và di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể, gây đau đớn và khó khăn trong việc điều trị.
Ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm, bệnh không loại trừ bất kỳ độ tuổi, đối tượng nào - (Ảnh: cancernetwork). |
Bệnh có thể xảy ra ở cả nữ giới và nam giới. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc ung thư vú ở nam giới tương đối thấp. Cụ thể, trung bình 100 ca ung thư vú được chẩn đoán, thì chỉ có 1 ca ở nam giới.
Nguyên nhân gây ung thư vú
Bạn biết không, có rất nhiều nguyên nhân khiến các tế bào ung thư vú phát triển. Trong đó, khoảng 5-7% trường hợp do di truyền và 90% trường hợp do các yếu tố môi trường và lối sống không khoa học gây ra:
- Gen di truyền: Phụ nữ có đột biến gen di truyền như BRCA1 và BRCA2 sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng từ 50% đến 80%. Đặc biệt, nếu bạn thừa hưởng gen đột biến này từ mẹ thì khả năng mắc ung thư vú càng cao. Hay nói đơn giản hơn, càng nhiều người trong gia đình bị ung thư vú, bạn càng có khả năng cao mắc bệnh.
Người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú nên thăm khám sức khỏe định kỳ - (Ảnh: reachmedcare). |
Vì thế, nếu trong gia đình có mẹ, dì, bà, hoặc anh chị em mắc ung thư vú, bạn nên đi đến bệnh viện để thăm khám định sức khỏe tổng quát định kỳ để được các bác sĩ kiểm tra nhé!
- Môi trường: Sống trong môi trường độc hại, ô nhiễm cũng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Vì các yếu tố như tia tử ngoại, tia X, hóa chất… được xem là tác nhân sinh ung, có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
- Lối sống: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc uống 2-3 ly rượu mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Ngoài ra, ung thư vú còn có liên quan đến tình trạng thừa cân, hút thuốc và ít vận động.
- Ngoài ra, bệnh ung thư vú còn dễ gặp phải ở những đối tượng như: Có sức đề kháng kém; Người gặp vấn đề sinh sản (sinh con muộn, vô sinh, hiếm muộn); Phụ nữ không cho con bú; Phụ nữ có kinh nguyệt sớm hay mãn kinh muộn; Người có tiền sử mắc bệnh u nang hoặc u xơ tuyến vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung...
Triệu chứng điển hình của bệnh ung thư vú
Ở giai đoạn đầu, ung thư vú diễn tiến âm thầm, thường không gây đau đớn. Tuy nhiên, khi khối u đã phát triển, bệnh nhân sẽ gặp một số dấu hiệu phổ biến sau:
- Cục u không đau ở vú
- Ngứa và phát ban kéo dài quanh núm vú
- Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường ở núm vú
- Vùng da trên vú và núm vú sưng, dày lên
- Vùng da trên vú sần vỏ cam hoặc nhăn nheo
- Núm vú bị tụt hoặc lõm vào trong
- Sờ thấy khối bất thường ở vú hoặc ở nách
Vì thế, các chuyên gia luôn khuyến khích chị em nên tự khám vú của mình để kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường, cũng như có cách bảo vệ sức khỏe bản thân tốt hơn.
Mách bạn cách tự kiểm tra ung thư vú ngay tại nhà
Dựa vào hình dáng ngực và núm vú, chị em phụ nữ có thể phát hiện sớm các khối u ở vùng ngực và dưới cánh tay. Dưới đây là các cách tự kiểm tra ung thư vú ngay tại nhà bạn có thể tham khảo:
Tần suất kiểm tra:
- Phụ nữ từ 39 tuổi trở xuống: Nên tự kiểm tra vú hàng tháng.
- Phụ nữ từ 40 – 49 tuổi: Nên tự kiểm tra vú hàng tháng và nhờ bác sĩ tư vấn để thực hiện tầm soát bằng phương pháp chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần.
- Phụ nữ từ 50 – 69 tuổi: Nên tự kiểm tra vú hàng tháng và tầm soát bằng phương pháp chụp nhũ ảnh 2 năm một lần.
Thời điểm thích hợp nhất:
- Với phụ nữ chưa mãn kinh: Nên thực hiện kiểm tra vú khoảng 3 - 5 ngày sau khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Vì đây là giai đoạn nồng độ hormone trong cơ thể tương đối ổn định, ngực ít sưng và căng hơn.
- Với phụ nữ đã mãn kinh: Có thể kiểm tra vú vào một ngày cố định mỗi tháng.
Cách kiểm tra đơn giản nhất:
- Cởi áo và đứng thẳng trước gương.
- Chống hai tay lên hông và kiểm tra hình dáng tổng thể của bộ ngực. Hãy nhìn và kiểm tra xem có bất kỳ thay đổi nào về kích thước, hình dạng, đường nét, màu sắc hoặc cấu trúc của da ngực, núm vú và quầng vú hay không.
- Dùng tay phải véo nhẹ vào đầu ngực xem có dịch tiết bất thường hay không và làm tương tự ở bên đầu ngực kia.
Nhìn bằng mắt và sờ bằng tay để kiểm tra những bất thường ở vú - (Ảnh: Brightside). |
- Ngoài ra, bạn có thể dùng ngón tay kiểm tra ngực theo 3 hướng: Từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên; Từ trái sang phải và phải sang trái; Chuyển động tròn…
- Sau đó, đứng khom người và thực hiện các kiểm tra tương tự. Cách này sẽ giúp quan sát hình thái của vú khi thả lỏng và khi căng các cơ ngực.
Ung thư vú được chẩn đoán và phát hiện sớm bằng cách nào?
Phát hiện sớm ung thư vú chính là chìa khóa giúp bệnh chữa trị dễ dàng và hiệu quả hơn. Và hãy nhớ rằng, việc tự kiểm tra vú không thể thay thế các phương pháp khám lâm sàng, chụp nhũ hoa, siêu âm, chụp MRI... vì thế chị em phụ nữ cần thực hiện các phương pháp này định kỳ.
Tầm soát ung thư vú định kỳ giúp việc điều trị dễ dàng hơn. Nguồn: freepik
- Khám lâm sàng: Nếu bị đau hay phát hiện bất cứ bất thường nào ở ngực (có cục u hoặc tiết dịch ở núm vú) thì bạn nên đi khám lâm sàng sớm nhất có thể.
- Chụp nhũ ảnh: Bằng phương pháp chụp X-quang, chị em phụ nữ có thể phát hiện các khối bất thường như mảng lắng đọng canxi, u nang và u...
- Siêu âm: Phương pháp này giúp phân biệt giữa một khối đặc (có thể là ung thư) với một u nang chứa dịch (thường không phải là ung thư).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp kiểm tra kỹ hơn các vùng vú nghi ngờ có khả năng phát triển ung thư. Phương pháp này rất hữu ích đối với những phụ nữ trẻ do họ thường có mật độ mô vú cao hơn.
Các phương pháp điều trị ung thư vú phổ biến nhất hiện nay
Ung thư vú có thể không được chữa khỏi hoàn toàn (nhất là khi phát hiện muộn), tuy nhiên căn bệnh này vẫn có thể điều trị được bằng các phương pháp sau:
- Phẫu thuật: Phương pháp này nhằm lấy khối u ra khỏi vú. Tuy nhiên, dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra chỉ định phẫu thuật bảo tồn (chỉ cắt một phần tuyến vú có khối u) hoặc phẫu thuật triệt căn (cắt hết toàn bộ tuyến vú).
- Phẫu thuật tạo hình tuyến vú: Phương pháp này giúp tái tạo hình dáng cho vú sau khi đã phẫu thuật, bao gồm đặt túi ngực, tạo hình quầng vú và núm vú… Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ để xem tình trạng bệnh có phù hợp để thực hiện hay không.
- Xạ trị: Phương pháp này dùng tia phóng xạ mang mức năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Nhờ đó, xạ trị giảm nguy cơ tái phát và di căn ở giai đoạn sớm.
- Liệu pháp điều trị toàn thân: Dựa vào giai đoạn bệnh, đặc điểm khối u và tình trạng sức khỏe bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp như: hóa trị, liệu pháp sử dụng hormone, liệu pháp nhắm đích… Các phương pháp này sử dụng các loại thuốc để điều trị tế bào ung thư bất kể chúng xuất hiện ở vị trí nào trên cơ thể.
Mách bạn cách phòng ngừa ung thư vú hiệu quả
Một lối sống lành mạnh, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ góp phần giúp bạn phòng ngừa ung thư vú và có sức khỏe tốt hơn:
Về dinh dưỡng
- Hãy bổ sung nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và các loại hạt. Trong đó, các loại đậu như: Đậu lăng, đậu phộng, đậu Hà Lan, đậu đen… có chứa chất isoflavones giúp ngăn ngừa ung thư vú. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu còn cho thấy, các loại rau họ cải (Súp lơ, cải bắp, cải thìa, cải xoăn, cải xoong…) có chứa hợp chất lưu huỳnh nên có các đặc tính chống ung thư hiệu quả.
- Thêm các loại thảo mộc và gia vị như bột quế, bột nghệ, tiêu đen… vào bữa ăn hàng ngày.
- Bổ sung chất béo lành mạnh từ dầu ô liu, bơ và cá… Tăng cường bổ sung các loại cá béo, giàu axit béo omega-3 như: cá thu, cá hồi, cá trích, cá mòi...
- Hạn chế nạp vào cơ thể các loại thực phẩm giàu chất béo có hại và thức ăn nhanh, chế biến sẵn như pizza, gà rán, xúc xích…
- Tránh ăn các loại thịt đỏ, nước soda,
- Tránh sử dụng các loại đồ uống có cồn như bia, rượu…
- Nói không với thuốc lá (kể cả chủ động và thụ động).
Chế độ ăn có bổ sung chất béo tốt từ cá, các loại hạt giúp ngăn ngừa ung thư vú - (Ảnh: healthline). |
Về sinh hoạt:
- Thường xuyên vận động, tập luyện thể dục, thể thao để giúp duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Điều này không những giúp bạn có một sức khỏe tốt, mà còn giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác như: Ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại tràng và thận… Hãy dành ít nhất 30 phút/ngày, 150 phút/tuần với các bài tập nhẹ như yoga, aerobic, bóng bàn, nhảy dây, đi cầu thang, chạy bộ tại nhà…
- Có thói quen khám vú định kỳ mỗi 6 tháng/lần
- Phụ nữ trên 40 tuổi nên đi tầm soát bệnh ung thư vú.
- Tự kiểm tra ngực để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, điều trị kịp thời
Về tinh thần:
Ung thư vú không phải là án tử, tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú càng sớm thì khả năng điều trị bệnh thành công càng cao. Vì thế, thay vì hoang mang, suy sụp khi phát hiện bệnh, bạn nên giữ tâm lý thoải mái, chia sẻ cảm xúc nhiều hơn với mọi người xung quanh để tìm sự trợ giúp và nâng đỡ về mặt tinh thần.
Tóm lại, những năm gần đây, ung thư vú tại nước ta có xu hướng gia tăng về số ca (ca mắc mới, ca tử vong) và ngày càng trẻ hóa. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên chính là là sự chủ quan, thiếu chủ động trong việc tầm soát ung thư vú. Vì thế, chị em phụ nữ nên đi tầm soát ung thư vú mỗi năm một lần. Nhất là phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú hoặc ung thư khác.
Ngọc Duyên
Theo Người đưa tin