Người đàn ông này uống trà xanh mỗi ngày với mục đích để ngăn ngừa ung thư nhưng không ngờ rằng do uống sai cách mà ông vô tình biến trà xanh thành "độc dược", nuôi dưỡng tế bào ung thư phát triển trong cơ thể.
Cách đây khoảng 3 tháng, ông Hồ (50 tuổi) tới thăm khám tại Bệnh viện nhân dân số 1 Thượng Hải, Trung Quốc khi gặp phải một số triệu chứng như đau ngực, sút cân nhanh chóng, mệt mỏi trong thời gian dài. Sau khi kiểm tra tổng quát, các bác sĩ kết luận ông Hồ mắc ung thư gan giai đoạn cuối.
Trong quá trình trao đổi bệnh tình, bác sĩ nhận thấy ông Hồ là một người khá quan tâm tới sức khỏe của bản thân và ông uống trà xanh mỗi ngày để phòng ngừa ung thư. Tuy nhiên, ông lại hãm trà xanh một lần rồi uống trong vài ngày và thói quen này lại khiến ông vô tình nuôi dưỡng tế bào ung thư phát triển trong cơ thể.
Bác sĩ Vương của Bệnh viện nhân dân số 1 Thượng Hải cho biết, uống trà xanh có tác dụng làm sạch dạ dày và ngăn ngừa ung thư, nhưng nếu trà xanh được hãm quá 12 tiếng hoặc để qua đêm sẽ sản sinh ra các amin thứ cấp và các amin thứ cấp này có thể chuyển đổi thành nitrosamine, một chất gây ung thư.
Không chỉ vậy, hãm trà quá lâu còn khiến trà tiết ra chất polyphenyles, làm giảm hàm lượng dưỡng chất có trong trà, đồng thời làm tăng số lượng vi sinh vật, vi khuẩn và nấm, dễ sinh bệnh cho người.
Ngoài ra, trà xanh cũng có thể biến thành “độc dược” nếu uống theo những cách dưới đây:
1. Uống trà xanh khi đói
Uống trà xanh khi đói có thể gây ảnh hưởng tới dạ dày, bởi chất tannin trong trà xanh sẽ làm tăng nồng độ axit trong dạ dày, gây đau dạ dày, buồn nôn, chóng mặt, hoa mắt, khó chịu hay còn gọi là say trà. Ngoài ra, uống trà xanh lúc đói còn làm mất cảm giác ngon miệng, cơ thể hấp thu thức ăn kém đi.
2. Uống trà quá đặc
Trà xanh có hàm lượng tannin và caffeine cao nên uống quá đặc sẽ gây ra hiện tượng đau đầu, buồn ngủ. Nếu duy trì thói quen này trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
3. Uống trà xanh ngay sau bữa ăn
Nhiều người thường uống trà xanh ngay sau bữa ăn nhưng thói quen này có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng của cơ thể. Ngoài ra, chất dinh dưỡng được hệ tiêu hóa chuyển hóa sau bữa ăn có thể bị pha loãng.
Không chỉ vậy, chất catechins trong trà xanh cũng có thể làm giảm sự hấp thụ sắt và protein từ thực phẩm, tăng nguy cơ thiếu máu. Tốt nhất, bạn nên uống trà xanh sau bữa ăn ít nhất 1 tiếng.
4. Dùng nước trà xanh để uống thuốc
Dùng nước trà xanh để uống thuốc có thể gây kích thích về hormone và kháng sinh trong cơ thể. Điều này không những làm giảm tác dụng của thuốc mà còn có thể gây nguy hiểm cho gan và gây rối loạn tiêu hóa. Tốt nhất bạn nên uống thuốc bằng nước lọc.
5. Uống quá nhiều trà xanh
Nhiều người có thói quen uống trà xanh thay nước lọc nhưng điều này sẽ khiến cơ thể của bạn bị mất nước, do trà xanh có tác dụng lợi tiểu. Không chỉ vậy, việc này còn có thể dẫn đến các nguy cơ như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, rối loạn giấc ngủ và thậm chí là tác động tiêu cực đến gan. Theo Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ), mỗi người chỉ nên uống 2-3 cốc trà xanh mỗi ngày, tương đường với 100-750mg chiết xuất trà xanh.
6. Uống trà xanh vào ban đêm
Chất caffeine trong trà xanh sẽ khiến bạn mất ngủ, vì vậy tốt hơn hết không nên uống trà xanh vào ban đêm. Ngoài ra, buổi sáng sau khi thức dậy cũng không phải là thời điểm thích hợp để uống trà xanh vì lúc này bụng của chúng ta đang rỗng.
7. Những người không nên uống trà xanh
Mặc dù trà xanh rất tốt cho sức khỏe và có khả năng ngăn ngừa ung thư nhưng không phải ai cũng hợp để uống trà. Những người mắc cao huyết áp, táo bón, sỏi thận, loét dạ dày... không nên uống trà để tránh bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn. Ví dụ như người bị cao huyết áp uống trà xanh sẽ khiến chất caffein trong trà kích thích tim đập nhanh hơn và làm cho huyết áp tăng cao thêm.
Hà Phương
Theo Tạp chí Sống khỏe