Hợp tác quảng cáo

Viêm dạ dày: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

9:00 PM | 28/06/2021 -
Khỏe +

Viêm dạ dày là một trong số những bệnh lý rất phổ biến và đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Vậy viêm dạ dày là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị, cải thiện của căn bệnh này ra sao? Cùng tham khảo những thông tin hữu ích liên quan đến bệnh viêm dạ dày qua bài viết sau đây nhé!

Viêm dạ dày là gì?

Viêm dạ dày là tình trạng dạ dày bị tổn thương (bị viêm hoặc sưng đau) và là một trong những bệnh về đường tiêu hóa thường gặp. Bệnh không quá nguy hiểm nếu bệnh nhân phát hiện và có cách điều trị kịp thời, phù hợp. Tuy vậy, bệnh nhân không nên chủ quan, càng chủ quan và chậm điều trị, bệnh viêm dạ dày có thể tiến triển thành viêm loét dạ dày, thậm chí là bệnh ung thư dạ dày.

Đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm dạ dày?

Để có hướng điều trị bệnh viêm dạ dày phù hợp và hiệu quả, bạn cần biết chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng này. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây nên viêm dạ dày, bạn có thể tham khảo:

- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori: Vi khuẩn Helicobacter Pylori  hay còn gọi là Vi khuẩn HP, chúng thường sinh sống và phát triển dưới lớp nhầy niêm mạc dạ dày. Chính lớp nhầy niêm mạc dạ dày sẽ vô tình bảo vệ vi khuẩn HP, khiến các tế bào miễn dịch không thể tiếp cận và tiêu diệt chúng. Ngoài ra, vi khuẩn HP còn có thể tiết ra Urease- một loại enzyme giúp nó trung hòa độ acid trong dạ dày. Nhờ đó, chúng tồn tại lâu trong dạ dày của con người và gây nên đến bệnh dạ dày bao gồm viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc thậm chí là ung thư dạ dày.

Viem da day: Nguyen nhan, cach dieu tri va phong ngua

Theo một số nghiên cứu, có khoảng 1% những người nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori có nguy cơ mắc ung thư - (Ảnh: versiya.info).

- Thường xuyên dùng một số loại thuốc giảm đau như aspirin hay các thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs): Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) được dùng khá phổ biến trong những trường hợp như: giảm đau (do bong gân, đau đầu, đau bụng kinh, đau răng…), hạ sốt, kháng viêm… Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến tác dụng phụ nếu lạm dụng chúng như: tăng nguy cơ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, gây độc tính trên gan… 

- Độ tuổi: Bạn biết không, đối tượng dễ bị viêm dạ dày chính người cao tuổi với tỷ lệ chiếm khoảng 60% trong tổng số các bệnh nhân. Điều này có thể hiểu đơn giản rằng, càng lớn tuổi cơ thể chúng ta càng lão hóa, lớp niêm mạc tại dạ dày cũng có xu hướng mỏng dần theo thời gian. Bên cạnh đó, người cao tuổi còn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP cao hơn so với người trẻ.

- Lạm dụng bia rượu: Bia rượu không hề tốt cho sức khỏe, nhất là với dạ dày. Chất cồn có trong bia rượu có thể làm mòn lớp niêm mạc dạ dày, khiến chúng trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi dịch tiêu hóa. Theo nhiều cuộc khảo sát, những người nghiện bia rượu thường bị viêm dạ dày cấp tính.

- Tâm lý căng thẳng: Stress là một trong những yếu tố gây ra bệnh viêm loét dạ dày. Tình trạng stress có thể khiến cơ thể mỏi mệt, tinh thần giảm sút, nếu kéo dài có thể khiến dạ dày bị tổn thương và viêm nhiễm. 

- Rối loạn tự miễn dịch: Đây là tình trạng hệ miễn dịch bị rối loạn hoạt động nên tự tạo kháng thể để tấn công lại chính các tế bào của cơ thể, trong đó có cả các tế bào niêm mạc ở dạ dày. Điều này làm cho niêm mạc dạ dày mỏng đi, sản sinh acid ít hơn và dần dần gây nên bệnh viêm dạ dày.

- Một số nguyên nhân khác như: Trào ngược dạ dày, lạm dụng cocain, bệnh Crohn, xạ trị liệu và hóa trị liệu… cũng có thể dẫn đến bệnh viêm dạ dày 

Dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày

Viem da day: Nguyen nhan, cach dieu tri va phong ngua

Đau rát phần bụng trên, buồn nôn là những dấu hiệu thường gặp của bệnh viêm dạ dày - (Ảnh: Thetimes.co.uk).

Khi bị viêm dạ dày bệnh nhân thường có những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến như:

- Đau rát ở phần bụng trên (vùng thượng vị), đi kèm còn có cảm giác tức ngực, khó chịu

- Buồn nôn và nôn.

- Chán ăn vì bệnh nhân lúc nào cũng cảm thấy đầy bụng, chướng bụng...

- Ợ (ợ nóng, ợ hơi, ợ chua) hoặc chướng bụng

- Cảm giác đầy vùng bụng trên sau khi ăn.

Những biến chứng thường gặp nếu không điều trị viêm dạ dày kịp thời

Nhiều bệnh nhân bị viêm dạ dày thường có tâm lý chủ quan nên dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vì thế, tốt nhất bạn cần theo dõi sức khỏe, nếu thấy có bất kỳ biểu hiệu bất thường nào cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không nên chủ quan, vì càng chậm chữa trị bạn càng dễ gặp phải các biến chứng như: 

- Xuất huyết dạ dày: Dấu hiệu xuất huyết dạ dày bao gồm nôn ra máu (có thể giống màu bã cà phê), phân có máu (thường màu đen). Ngoài ra, khi xuất huyết dạ dày bệnh nhân còn có các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, chân tay lạnh, da nhợt nhạt, tụt huyết áp tụt, mạch đập nhanh…

Viem da day: Nguyen nhan, cach dieu tri va phong ngua

Xuất huyết dạ dày là biến chứng thường gặp nếu bạn không điều trị bệnh viêm dạ dày kịp thời - (Ảnh: medical-news.org).

- Thủng dạ dày: Tình trạng viêm kéo dài có thể khiến niêm mạc dạ dày mỏng dần hoặc thậm chí là viêm loét và thủng. Thủng dạ dày nếu không được chữa trị kịp thời và nhanh chóng có thể khiến cho bệnh nhân tử vong. 

- Ung thư dạ dày: Nếu dạ dày xuất hiện nhiều vết viêm, loét mà không được điều trị thì nguy cơ ung thư dạ dày rất cao. Trên thực tế, việc điều trị ung thư rất khó khăn và tốn kém. Vì thế, bạn nên cải thiện tình trạng viêm dạ dày ngay từ sớm nhé!

- Ngoài ra, tình trạng viêm dạ dày mạn tính (viêm dạ dày lâu ngày) còn có thể dẫn đến những biến chứng như: Thiếu máu do thiếu sắt hoặc xuất huyết nội, dạ dày phát triển bất thường...

Các phương pháp trong y học được áp dụng để phát hiện bệnh viêm dạ dày

Để chẩn đoán bệnh viêm dạ dày chính xác, ngày nay y học đã áp dụng nhiều phương pháp xét nghiệm hiện đại như:

- Nội soi dạ dày: Một ống nội soi sẽ được đưa vào miệng, đi qua thực quản và xuống dạ dày. Trên đầu ống nội soi sẽ có một camera rất nhỏ để truyền hình ảnh bên trong dạ dày tới màn hình bên ngoài. Dựa vào đó, các bác sĩ sẽ quan sát và tìm ra các bất thường bên trong đường tiêu hóa. Nếu phát hiện có bất thường, bác sĩ có thể luồn những dụng cụ chuyên biệt qua ống nội soi để lấy mẫu sinh thiết, kiểm tra sâu hơn.

- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này sẽ giúp kiểm tra số lượng hồng cầu, tìm kháng thể kháng HP trong máu (ít được áp dụng).

- Xét nghiệm phân: Xét nghiệm giúp tìm vi khuẩn HP trong phân hoặc bác sĩ sẽ xem liệu có máu lẫn trong phân hay không.

- Xét nghiệm hơi thở: Test hơi thở (Urea Breath Test) là xét nghiệm không xâm lấn, giúp chẩn đoán một người có nhiễm hay không có nhiễm vi khuẩn HP.

Cách điều trị bệnh viêm dạ dày

Dựa vào kết quả chẩn đoán của bạn, các bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp. Đối với các trường hợp viêm dạ dày nhẹ, giai đoạn sớm, bạn có thể cải thiện bằng cách sử dụng thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ và áp dụng thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. 

Với những trường hợp nặng, điển hình như viêm dạ dày mạn tính, việc điều trị tận gốc sẽ rất khó khăn. Và nếu bạn đang bị viêm dạ dày mạn tính gây ra bởi vi khuẩn HP, bác sĩ sẽ kết hợp thuốc kháng sinh và các thuốc kháng axit. Việc dùng các loại thuốc này có thể gây một số tác dụng phụ như phân đen, tiêu chảy, rối loạn vị giác, lưỡi đen và phản ứng cai rượu...

Mách bạn cách phòng ngừa và hạn chế bệnh viêm dạ dày biến chứng nặng

Việc điều chỉnh lối sống, chế độ dinh dưỡng có thể giúp bạn phòng ngừa và hạn chế tình trạng bệnh viêm dạ dày biến chứng nặng:

Về lối sống: 

Viem da day: Nguyen nhan, cach dieu tri va phong ngua

Rửa tay thường xuyên là việc làm đơn giản giúp bạn ngăn ngừa các bệnh về đường tiêu hóa. (Ảnh: kodiy.schattenbank.info.).

- Rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn để tránh nhiễm trùng.

- Không tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Hạn chế stress, căng thẳng kéo dài.

- Ngưng hút thuốc lá.

- Ngưng uống bia rượu

- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nếu có triệu chứng bất thường

- Tập thể thao để kích thích đường ruột, giúp tiêu hóa tốt hơn…

- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân béo phì...

Về dinh dưỡng:

- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm tải và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

- Không ăn quá no hoặc để bụng rỗng quá lâu, không ăn khuya.

- Chỉ ăn thức ăn nấu chín, hạn chế ăn thức ăn quá cay, nóng, dầu mỡ…

- Ăn ít thịt đỏ, điển hình như thịt bò…

- Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như bột yến mạch, cháo, súp...

- Tăng cường bổ sung thực phẩm lành mạnh, giàu chất chống oxy hóa, chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa như: Trái cây (dưa hấu, bơ, chuối, đu đủ chín, dưa gang…); rau xanh (cần tây, rau bina, bắp cải, xà lách…); Ngũ cốc (yến mạch, gạo lứt, lúa mì…); Protein dễ tiêu hóa (thường có trong thịt gà, cá, các loại đậu và hạt)...

- Bổ sung thực phẩm có đặc tính chống vi khuẩn vào bữa ăn hàng ngày, chẳng hạn như: Tỏi, tinh bột nghệ, gừng, thì là, nam việt quất… 

Viem da day: Nguyen nhan, cach dieu tri va phong ngua

Curcumin trong tinh bột nghệ giúp giảm các tổn thương niêm mạc dạ dày, ức chế vi khuẩn HP, đồng thời giảm các yếu tố gây viêm - (Ảnh: vogue.in).

Trong đó, tinh bột nghệ được xem là thực phẩm vàng trong việc cải thiện tình trạng viêm dạ dày. Curcumin trong tinh bột nghệ không những giúp kháng viêm và chống oxy hóa, mà còn góp phần “xoa dịu” những tổn thương của dạ dày. Đặc biệt, curcumin còn hỗ trợ đẩy nhanh việc hồi phục những thương tổn ở lớp niêm mạc đường tiêu hóa, từ đó giúp người bệnh dễ chịu và cải thiện bệnh nhanh chóng.

Nhìn chung, chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh là nền tảng giúp bạn có một sức khỏe tốt, cũng như ngăn ngừa và cải thiện các bệnh về đường tiêu hóa như viêm dạ dày hiệu quả. Nếu cảm thấy sức khỏe của bạn không tốt, đừng chủ quan hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời nhé!

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp