Hợp tác quảng cáo

Vụ mất tích kỳ lạ của nữ phi công huyền thoại Amelia Earhart

2:30 PM | 02/01/2015 -
Khỏe +

Trong lịch sử hiện đại thế giới, chưa vụ mất tích nào được nói nhiều, nhắc nhiều và được tìm kiếm nhiều bằng vụ mất tích của nữ phi công huyền thoại Amelia Earhart.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Amelia Earhart mất tích, đội tìm kiếm thuộc công ty TIGHAR rời bến Honullulu bằng tàu nghiên cứu đại dương R/V Ka Imikai-O-Kanaloa trong đó mang theo nhiều thiết bị hiện đại cho cuộc tìm kiếm. Trước sự kiện này, nữ ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton đã phát biểu: “Dù là ai nếu tìm được Amelia Earhart, người đó xứng danh được tôn vinh là anh hùng dân tộc”

Amelia Earhart được sinh vào ngày 24 tháng ba năm 1897 tại Atchison, tiểu bang Kansas – Mỹ. Dù là phận gái, nhưng ngay từ nhỏ Amelia Earhart đã bộc lộ tính cách mạnh mẽ không thua gì con trai. Trong khi các bạn gái cùng tuổi đều thích trở thành những tiểu thư khuê các, thích diện những bộ váy điệu đà, những món đồ chơi nữ tính, thích may vá thuê thùa… thì Amelia Earhart lại chỉ thích mặc đồ nam tính, thích chơi những trò mạo hiểm như leo trèo, chạy nhảy, đánh trận cùng đám bạn trai.

Năm lên 9 tuổi, Amelia Earhart đã gây sốc cho cha mẹ khi thực hiện cú bay từ trên mái nhà xuống đất bằng thân xe trượt tự chế. Dù cú bay đó làm Amelia Earhart trầy trụa cả người và cha mẹ bà được phen hoảng sợ nhưng nó được xem là tiền đề tạo nguồn cảm hứng cho Amelia Earhart với việc bay liệng trên bầu trời sau này. Câu đầu tiên Amelia Earhart reo lên khi đứng dậy sau cú bay từ mái nhà là: “Ôi, cảm giác được bay mới thật tuyệt vời làm sao!”.

Amelia Earhart - Người của bầu trời

Năm 1916, Amelia Earhart tốt nghiệp trường Trung học Hyde Park rồi vào học Ogontz School ở Rydal, Pennylvania nhưng không lâu sau bà quyết định bỏ học. Hồi ấy chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra, Amelia Earhart đã tình nguyện xin gia nhập hội Hồng Thập Tự và trở thành y tá tại Bệnh viện Quân y Spadina Military Hospital giúp săn sóc thương bệnh binh Canada từ chiến trường châu Âu trở về.

Vốn mạnh mẽ, Amelia Earhart không sợ máu mủ, cảnh thương tích ghê người nên bà làm rất tốt công việc được giao và được mọi người khen ngợi. Nhưng như thế vẫn chưa đủ với Amelia Earhart. Trong lòng bà vẫn không ngừng mơ ước muốn làm một điều gì đó khác người và thích hợp với cá tính của bà hơn. Thế nhưng tất cả mới chỉ là những mường tượng mơ hồ, trong đầu cô gái trẻ Amelia Earhart khi ấy chưa có một kế hoạch rõ ràng và phương hướng đúng đắn. Cho mãi đến khi bà có dịp đi xem triển lãm về hàng không.

Khi tận mắt nhìn thấy những chiếc máy bay lao vút lên bầu trời, Amelia Earhart mới nhận thấy đây chính là niềm đam mê, ước mơ bà cần theo đuổi. Năm 1920 Amelia Earhart đã bắt đầu trải nghiệm những bài học bay đầu tiên về bay. Để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê và khóa học bà phải chi trả 1.000 USD nhưng vì không nhận được sự đồng thuận từ phía gia đình nên Amelia Earhart phải cố gắng tự kiếm tiền để trang trải cho khóa học. Ngoài ra bà còn cố ý thay đổi về ngoại hình để được trong giống với hình ảnh của một nam phi công như: cắt tóc ngắn, mặc quần âu, áo sơ mi thay cho váy…

Ngày 22 tháng 10 năm 1922 đã thực sự là mốc son trong cuộc đời của Amelia Earhart khi bà có thể tự điều khiển máy bay bay được 1400 feet tương đương với 4.267 mét – đạt kỷ lục cho nữ phi công lái máy bay với thành tích xuất sắc.

Ngày 15 tháng 5 năm 1923, Amelia Earhart trở thành một trong số 16 phụ nữ đầu tiên được cấp bằng phi công. Đây quả là một thành tích đáng nể của bà, vì thời đó hầu hết phụ nữ đều làm công việc nội trợ hay đơn giản chỉ là những công việc an phận. Thành tích của Amelia Earhart thật sự khiến nhiều người phải thán phục và ngạc nhiên.

Amelia Earhart, một mình bay qua Thái Bình Dương

Thời bấy giờ máy bay vẫn còn lạc hậu và với nhiều người, nó còn được coi là điều xa xỉ và là cái gì đó rất xa vời. Vì vậy thiết bị máy móc của máy bay còn rất hạn chế, biện pháp an toàn còn nhiều thiếu sót, mỗi chuyến bay là cả một sự đánh cược lớn với mạng sống của phi công. Ấy thế nhưng Amelia Earhart đã làm được điều thần kỳ khiến cả nước Mỹ phải lên cơn sốt vì bà khi liên tục chinh phục thành công hết đường bay này đến đường bay khác một cách ngoạn mục để trở thành nữ phi công nổi danh nhất nước Mỹ lúc bấy giờ.

Vào những năm cuối của thập niên 1930, với sự nổi tiếng của mình, Amelia Earhart được mời diễn thuyết tại nhiều nơi để đề cao vai trò phụ nữ trong thời đại mới. Uy tín củ bà đã khiến cho Đại học Purdue nhận tài trợ đóng riêng cho bà một chiếc máy bay để bà tiếp tục làm công việc thám hiểm.

Năm 1932, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên - và là người thứ nhì - một mình bay qua Đại Tây Dương, nhân dịp kỷ niệm chuyến bay lịch sử của phi công Charles Lindbergh 5 năm trước đó.

Năm 1931 cô đã quyết định kết hôn cùng George P. Putnam – người đã tốn không ít thời gian và công sức để theo đuổi bà. Ông là chủ một nhà xuất bản và cũng là người yêu thích ngành hàng không. Vẫn giữ quan điểm yêu thích sự tự do ngay cả khi quyết định sẽ đi “chung đường” với một ai đó, trước ngày cưới, trong một bức thư gửi George P. Putnam, Amelia Earhart đã giao hẹn là hai người sẽ không bao giờ ngăn trở những ước muốn của nhau và nếu trong vòng một năm mà thấy không hợp với nhau thì xin được chia tay.

Nếu hiểu được vai trò của người phụ nữ trong xã hội đầu thế kỷ 20, ta mới thấy được sự tự tin, thẳng thắn và can đảm của bà. Đây chính là lời đáp chính xác nhất cho câu hỏi vì sao nước Mỹ lại phát cuồng vì Amelia Earhart.

Chuyến bay định mệnh của Amelia Earhart

Tháng Giêng năm 1935, Amelia Earhart quyết định bay một mình qua Thái Bình Dương, từ Honolulu đến Oakland, California. Cuối năm đó, bà đã tự bay một mình từ Los Angeles đến Mexico City và trở về Newark, New Jersey. Tháng Sáu năm 1936, bà chuẩn bị cho chuyến bay vòng quanh thế giới của mình...

Năm 1936 Đại học Purdue đồng ý cung cấp tài chính cho Amelia Earhart chuẩn bị chuyến bay vòng quanh thế giới với chiếc máy bay mang tên Lockheed L-10E Electra. Đây không phải là chuyến bay vòng quanh thế giới đầu tiên, nhưng nó được dự định là chuyến bay dài nhất với tổng đường bay gần 47.000km. Fred Noonan, một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm cả về đường biển và đường không được chọn làm hoa tiêu cho Amelia Earhart.

Ngày 17 tháng Ba năm 1937, Amelia và Fred Noonan bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới. Chặng bay đầu tiên của họ bắt đầu từ Oakland, California đến Honolulu, Hawaii. Họ nghỉ 3 ngày rồi bắt đầu chặng hai. Bất ngờ trong khi cất cánh, máy bay đã bị nổ lốp khiến họ phải quay về California để sửa chữa.

Vào ngày mùng 1 tháng Sáu năm 1937 họ bay từ Miami đến Nam Mỹ, rồi đến Châu Phi, Ấn Độ, Đông Nam Á, và Lae ở New Guinea, đảo lớn thứ hai của Australia. Đến được Lae, Amelia Earhart và người hoa tiêu của bà đã bay được tổng số 35.000km và còn phải hoàn thành nốt 11.000km đường bay nữa.

Ngày mùng 2 tháng Bảy năm 1937 máy bay của họ cất cánh từ Lae. Họ dự định bay tới đảo Howland ở phía tây nam Honolulu, Hawaii cách Lae 4.113km. Nhận được thông báo của họ, tàu tuần tra của Mỹ ở Howland đã chuẩn bị sẵn sàng để hướng dẫn chiếc Lockheed L-10E Electra hạ cánh.

Nhưng cuối cùng người ta đã không bao giờ được thấy chiếc máy bay của Amelia Earhart hạ cánh xuống Howland và cũng không bao giờ biết chắc nó đã hạ cánh xuống bất cứ nơi nào. Lần liên lạc thành công cuối cùng với chiếc Electra cho thấy nó đang bay phía trên đảo Nukumanu. Chính phủ Mỹ đã không ngại tốn kém khi bỏ ra 4 triệu đôla để tìm kiếm nữ phi công Amelia Earhart, nhưng tất cả chỉ là vô vọng và sự biến mất của bà vẫn là điều bí ẩn chưa được giải mã.

Mặc dù không ai biết chính xác về nguyên nhân sự mất tích của Amelia Earhart, nhưng với nhiều người và nhiều thế hệ thời ấy - bây giờ - sau này thì bà vẫn là cái tên đi vào huyền thoại về lòng can đảm, nhiệt huyết cống hiến đã làm nên những kỳ tích đáng nể.

Khổng Thu Hà

Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC