Mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 4.000 người mắc ung thư cổ tử cung, và tỷ lệ tử vong chiếm hơn 54% (khoảng hơn 2.200 ca), con số này đủ chứng minh rằng đây là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm. Điều đáng lo là bệnh thường có diễn biến âm thầm, ít dấu hiệu rõ ràng, còn các chị em lại hay có tâm lý chủ quan nên không chịu sàng lọc từ sớm.
Theo chia sẻ của TS.BS Bùi Chí Thương (Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Giảng viên Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) tại buổi hội thảo khoa học với chủ đề "Tầm soát ung thư cổ tử cung ngay hôm nay", nguyên nhân phần lớn khiến các chị em dễ đối mặt với bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn đó là do các chị em còn thiếu hiểu biết về bệnh cũng như các dấu hiệu cảnh báo, cho rằng mình bình thường nên không nhất thiết phải thăm khám. Ngoài ra, một số chị em khác thì dù đã có nhận thức về sự nguy hiểm của ung thư cổ tử cung, nhưng lại gặp nhiều rào cản tâm lý khác như: ngại ngùng, lo sợ người khác chạm vào “cô bé”, sợ bác sĩ nam kiểm tra, sợ người ta nghĩ rằng còn trẻ mà đi khám phụ khoa là do “hư hỏng”,... nên không chịu tầm soát định kỳ. Trong khi đó, ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện sớm sẽ có cơ hội điều trị tốt, 90% người bệnh điều trị khỏi.
Những rào cản tâm lý, sự thiếu hụt kiến thức về ung thư cổ tử cung đã khiến các chị em xem nhẹ tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư cổ tử cung. Trong 3 năm vừa qua, chỉ ghi nhận 17% phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 65 từng tiến hành tầm soát bệnh. Đây thực sự là một con số khiêm tốn so với mục tiêu 70% phụ nữ trước 35 tuổi được khám sàng lọc sử dụng các hình thức xét nghiệm với độ chính xác cao, được tái xét nghiệm trước 45 tuổi, trong chiến lược toàn cầu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhằm tăng tốc loại trừ ung thư cổ tử cung vào năm 2030.
Hình ảnh của buổi hội thảo khoa học với chủ đề "Tầm soát ung thư cổ tử cung ngay hôm nay", được diễn ra tại Vĩnh Phúc ngày 16/12 do Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các đối tác thực hiện (Ảnh: Roche)
Đây chính là thắc mắc lớn nhất của nhiều chị em khi đến với buổi hội thảo. Với câu hỏi này, TS.BS Bùi Chí Thương cho biết, nhiễm HPV không đồng nghĩa với mắc ung thư cổ tử cung, nhưng nhiễm HPV quá 2 năm thì sẽ có nguy cơ dẫn đến tiền ung thư do tình trạng tái nhiễm HPV có thể khiến các tế bào hư hỏng trong cổ tử cung phát triển.
Một điều khác đó là khi virus HPV tấn công (nhất là với 2 chủng nguy hiểm nhất là chủng 16 và chủng 18), cổ tử cung thường cảnh báo đến các chị em bằng các dấu hiệu rõ rệt. Điều này dần mang đến lầm tưởng rằng họ không bao giờ bị mắc bệnh, từ đó tỏ ra chủ quan trong việc tầm soát ung thư cổ tử cung và bỏ lỡ mất thời gian “vàng” để điều trị dứt điểm bệnh.
Từ những nguy cơ trên cho thấy, việc tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ là điều cực kỳ cần thiết, giúp phát hiện sớm bệnh và có thể điều trị dứt điểm. Chưa kể, việc phát hiện sớm cũng sẽ làm giảm chi phí điều trị, và hạn chế các biến chứng buộc phải cắt bỏ cổ tử cung, buồng trứng gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và đời sống vợ chồng.
Hiện nay đã có nhiều phương pháp phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Chị em có thể đến các cơ sở y tế để được tầm soát. Còn nếu chị em nào e ngại khám phụ khoa tại các cơ sở y tế, thì có thể tự lấy mẫu tại nhà với phương pháp xét nghiệm HPV DNA mới.
Phương pháp xét nghiệm HPV DNA được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), FDA Hoa Kỳ và Bộ Y tế Việt Nam khuyến khích thực hiện, góp phần dỡ bỏ các rào cản về tâm lý và địa lý để sớm tiếp cận với việc sàng lọc, phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung (Ảnh: Shutterstock)
Buổi hội thảo khoa học “Tầm soát ung thư cổ tử cung ngay hôm nay” được tổ chức với mục đích phổ cập các kiến thức bệnh học, dấu hiệu nhận biết và mức độ nguy hiểm của ung thư cổ tử cung, đồng thời cũng chia sẻ các biện pháp tầm soát đến các chị em để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh. Sự kiện thuộc chiến dịch "Để Cổ nói" do Trung Tâm vì sự phát triển Phụ nữ Bắc Trung Bộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ Sản Việt Nam với sự đồng hành của các đối tác phát động vào tháng 6/2023, hướng đến mục tiêu loại trừ ung thư cổ tử cung của Tổ chức Y tế Thế giới, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho phụ nữ trên khắp Việt Nam. Sự kiện đã thu hút sự tham dự của hơn 200 hội viên hội phụ nữ tỉnh và nữ thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp.
Hội thảo Khoa học "Tầm soát ung thư cổ tử cung ngay hôm nay" cũng là chiến dịch bổ trợ cho công tác truyền thông về quyền lợi của phụ nữ trong doanh nghiệp theo Thông tư 09/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14/2013/TT-BYT do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 05/05/2023. Theo đó, phụ lục 3b có quy định lao động nữ sẽ được sàng lọc ung thư cổ tử cung nói riêng và khám chuyên khoa phụ sản nói chung. Vì vậy, việc xem xét phạm vi chi trả của Quỹ BHYT cho việc sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung nói riêng và một số bệnh lý khác là rất quan trọng và có thể mang lại hiệu quả, lợi ích cao cho người bệnh, Quỹ BHYT và xã hội
"Để Cổ nói" là một chiến dịch truyền thông nhằm tăng nhận thức về tầm quan trọng của xét nghiệm sàng lọc định kỳ HPV giúp phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung. Chương trình được thực hiện bởi Trung tâm Vì sự phát triển Phụ nữ Bắc Trung Bộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) với sự đồng hành của Roche Việt Nam. Tìm hiểu thêm về chiến dịch tại đây. |