Hợp tác quảng cáo

Yoga sai cách: Coi chừng tẩu hỏa nhập ma

7:45 AM | 09/04/2014 -
Khỏe +

Yoga tốt cho mọi người nhưng từng động tác của yoga có thể chống chỉ định với những đối tượng khác nhau.

Yoga sai cach: Coi chung tau hoa nhap ma

Chị Nguyễn Thị Minh, trú tại Dương Quảng Hàm, Tp.HCM có vấn đề tim mạch. Bác sỹ khuyên chị không nên lao động nặng nhưng cần chăm chỉ vận động nhẹ nhàng. Chính vì thế chị đã nhờ bác hàng xóm dạy yoga vì bác này ngày nào cũng tập. Có vài động tác cần vặn xoắn mình khiến chị Minh thấy khó tập. Nhưng yoga thực sự giúp chị thấy nhẹ nhàng nên vẫn cố gắng. Một hôm, chị khó thở, tím tái khiến gia đình phải gọi cấp cứu. Sau đó bác sỹ mới giải thích: Động tác vặn xoắn thế đã làm nghẹt đường lưu thông mạch máu chính, không thích hợp cho bệnh tim. Chị ấy cần tập yoga nhưng nên nhờ chuyên gia tư vấn bài thích hợp cho tình trạng sức khỏe.

Còn anh Phạm Văn Dũng, Q.1, Tp.HCM thì lại chọn yoga vì gần đây công việc nhiều căng thẳng. Nghe nói yoga giúp tĩnh tâm nên anh tự tìm các bài tập trên Internet và thực hành. Nhưng tập được vài bữa thì anh thấy đau lưng, đau chân. Đến khi đi khám, chị mới biết mình tập yoga sai cách.

Ông Dương Bảo Ngọc, Giáo viên Yoga của Câu lạc bộ Yoga, Trung tâm Unesco cũng nhận định: “Có nhiều trường hợp tự tập theo băng đĩa dẫn đến tập sai, ảnh hưởng không tốt sức khỏe, đặc biệt mặt tâm trí”. Theo ông Ngọc, trước khi tập yoga, học viên phải được hướng dẫn tư vấn bởi những người có chuyên môn, để tìm bài tập thích hợp với thể trạng, bệnh tật, tuổi tác, giới tính.

Không nên tự mình tập yoga

“Những trường hợp mang bệnh như trên thường là do tập sai tư thế hoặc tự ý tập hay người hướng dẫn không có kinh nghiệm, không chỉ dẫn hợp lý”, đây là khẳng định của ông Dương Bảo Ngọc, giáo viên hướng dẫn của Câu lạc bộ Yoga, Trung tâm Unesco phát triển và nhân văn, Hà Nội khi trao đổi về những trường hợp gặp tai nạn khi tập yoga.Yoga chủ yếu kết hợp thở với các động tác chậm, nhẹ nhàng nhưng không có nghĩa là chúng không gây tai nạn. Ông Ngọc cũng cho biết thêm việc tập quá sức, tập không đúng có thể gây ảnh hưởng thần kinh như trầm cảm, tẩu hỏa nhập ma.

Theo ông Ngọc, do yoga có nhiều đặc thù, khác với các môn thể dục nên khi tập môn phái này cần có sự hướng dẫn của giáo viên chuyên môn, vì nếu không rất dễ xảy ra tai nạn, “ Có nhiều trường hợp tự tập Yoga theo băng đĩa hoặc tài liệu đã dẫn đến việc tập sai ảnh hưởng rất không tốt đến sức khỏe đặc biệt là sức khỏe về mặt tinh thần, tâm trí”, ông Ngọc nói.

Ông Ngọc phân tích, yoga bao gồm luyện thở và tập các tư thế với tốc độ chậm, nhẹ nhàng, theo nguyên tắc từ dễ đến khó nên thường ít khi gây ra "tai nạn" cho người tham gia. Tuy nhiên, cũng như luyện tập bất cứ phương pháp nào, trước khi tham gia, người tập phải biết rõ mục đích tập luyện và thể trạng của mình. Người hướng dẫn cũng cần căn cứ vào tuổi tác, giới tính, tính cách của từng người để hướng dẫn những cách tập thích hợp.

Yoga sai cach: Coi chung tau hoa nhap ma

Đừng cường điệu

Nói về công dụng của yoga, ông Ngọc cho hay: Qua thực tế giảng dạy cho các thành viên, ông nhận thấy yoga rất tốt cho sức khỏe, nhiều người bị cao huyết áp, đau lưng do thoát vị đĩa đệm đã cải thiện được tình hình sau vài tháng tập luyện. Tuy nhiên ông Ngọc cũng khẳng định kết quả này phải có sự tập luyện đúng cách. Một số người đang hiểu sai về yoga, cường điệu vai trò của nó, dẫn tới có những quan niệm sai lầm khi tập.

Nhiều người đang tin rằng tập yoga kết hợp với tiết chế ăn uống sẽ cho hiệu quả cao hơn. Thực chất các chuyên gia nghiên cứu về yoga đều nhấn mạnh, yoga không dạy nhịn ăn. Việc nhịn ăn dẫn đến suy kiệt gây hại hơn lợi.

Cũng vì cho rằng yoga tốt nên một số người đã lớn tuổi vẫn cố gắng tập các bài khó. Khi cơ thể đã lão hóa nhiều, các khớp, cơ đã ít mềm mại uyển chuyển hơn, nên việc tập theo người trẻ tuổi sẽ khiến bạn dễ gặp rủi ro. Đối với người mới tập cũng không cần phải thực hiện ngay những động tác khó, nặng, nhất là ở những tư thế trồng cây chuối, ngồi lâu ở các tư thế gò bó, căng giãn quá mức hoặc quá duỗi quá ưỡn…

Một số người khác vì quá thích yoga nên cho cả con nhỏ tập. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, yoga không nên khuyến khích cho trẻ dưới 14 tuổi. Lý do yoga khiến người ta tịnh tâm, trầm tính. Trẻ nhỏ cần hiếu động để khám phá thế giới, để phát triển nên không thật sự thích hợp với bộ môn này.

Bệnh gì kiêng động tác ấy

Ông Ngọc nhấn mạnh: Động tác yoga này có thể hợp với người này nhưng lại không tốt cho người kia. Để đánh giá sự phù hợp của bài tập, mỗi người nên tự đánh giá về trạng thái của mình sau tập. Nếu học viên cảm thấy nhẹ nhàng, đầu óc thanh thản, bước đi khoan thai nghĩa là đã tập đúng cách. Còn nếu có cảm giác mỏi mệt, đau nhức bất kỳ đâu nghĩa là tập sai, tập quá sức. Yoga yêu cầu phải thực hiện 4 không: không vội vã (từ từ, thận trọng và tiệm tiến), không kỷ lục (không nên bị thúc ép hoặc gắng gượng), không quá sức (biết dừng lại ở khả năng vốn có của mình mà cố gắng) và không phân tán (tập trung cao độ và biết cách thư giãn)

Người bệnh tim, tăng nhãn áp

Không nên để đầu ở vị trí thấp hơn tim

Không nên tập động tác vặn xoắn.

Chỉ nên giữ những tư thế đứng mạnh mẽ hay nằm sấp trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, đối với chứng cao huyết áp, hãy lót 2 cánh tay dưới đầu.

Huyết áp thấp

Tránh thoát khỏi tư thế lọn ngược một cách nhanh, mạnh mà cần từ từ chậm rãi.

Đau lưng, đau thần kinh tọa

Tránh động tác gập, vặn người. Nhưng có thể cong đầu gối lại khi thực hiện động tác gập người về phía trước.

Bị thoát vị hoặc đã bị phẫu thuật vùng bụng

Không tập động tác tạo sức ép lên vùng bụng

Viêm khớp

Chỉ vận động các khớp ngoài phạm vi đau.

Có vấn đề khớp cổ

Tránh ngửa đầu trong các tư thế ngửa cổ. Thận trọng khi nghiên, xoay cổ.

Khi có kinh nguyệt

Chọn bài nhẹ nhàng hơn bài bình thường vì lúc này năng lượng sẽ xuống thấp.

Tránh tư thế lộn người và tư thế áp lực cho vùng chậu.

Hội chứng tiền đình

Không tập trồng cây chuối, rắn hổ mang vì sẽ làm chứng bệnh nặng thêm

  

Anh Chiến

Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp