Ngải cứu là loại cây mọc nhiều trong vừa nhà, được biết nhiều đến như một loại dược liệu chữa bệnh. Tuy nhiên, ít người biết ngải cứu có tác dụng gì cho làm đẹp da.
Ngải cứu là cây thân thảo, lá mọc so le, có ngấn, chẻ lông chim, mặt trên của lá sở hữu màu lục sẫm, màu dưới phủ đầy lông nhung màu trắng. Ngải cứu có tên khoa học của nó là Artemisia Vulgaris, thuộc họ Cúc Asteraceae. Ngoài những công dụng của ngải cứu là chữa đau bụng, cầm máu... thì nó còn có tác dụng làm đẹp cho da.
Ngải cứu trị mụn
Mụn luôn là nổi ám ảnh của phụ nữ. Nhưng ít ai biết ngải cứu giúp trị mụn. Với da dầu, ngải cứu lại có tác dụng phân giải chất béo, loại trừ những cặn bã bám trên da, ngăn ngừa và giảm mụn. Ngoài ra, trong ngải cứu có tanin - là chất có tác dụng giúp ngăn ngừa mụn nước nhỏ.
Cách làm:
Cách 1: Ngải cứu giã nát, đắp lên vết mụn và để khoảng 20 phút rồi rửa sạch bằng nước mát.
Cách 2: Đun sôi ngải cứu, lọc lấy nước cốt để vào lọ dùng dần, bảo quản trong tủ lạnh. Buổi tối, rửa mặt sạch sau đó dùng khăn thấm nước ngải cứu đắp lên mặt. Để tới khi khăn tự khô, rửa lại mặt bằng nước sạch.
Nếu bị mụn vùng lưng, có thể dùng lá ngải cứu, vò nát để tắm hằng ngày khoảng 1 tuần sẽ đỡ.
Ngải cứu giúp trắng da
Với một số hoạt chất giúp xúc tiến tuần hoàn máu toàn thân, ngải cứu làm trắng da. Ngải cứu sẽ thấm hút sạch các chất nhờn từ da và giúp làn da có thêm độ ẩm mới, tái tạo bề mặt da.
Cách làm:
Cách 1: Lấy lá ngải cứu rửa sạch, xay nhuyễn, đắp lên mặt để 20 phút. Tuần đắp 1-2 lần.
Cách 2: Ngắt lấy thân và lá ngải cứu, rửa thật sạch bụi bặm bằng nước ấm, đem phơi chỗ có bóng che cho khô từ từ, sau đó chặt nhỏ, sao từng nắm trong chảo hay nồi đất dày cho vàng và có mùi thơm, để nguội rồi cất trong lọ đậy kín. Đun uống hằng ngày.
Cách 3: Ngải cứu tươi đun nước sôi, chắt lấy nước uống.
Lưu ý: Người bị viêm gan, đường ruột yếu không nên uống nước trà ngải cứu. Nếu bị viêm gan mà dùng ngải cứu, khi đó dược chất đi vào gan sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da, khiến cho gan to, nước tiểu đục, nước tiểu có lẫn dịch mật (chứng bệnh biliuria). Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cũng không nên dùng vì không tốt cho thai nhi.
Ngải cứu giúp phục hồi làn da hư tổn
Mặt bị mụn thường để lại sẹo và thâm. Hoặc khi đi nắng, da bị cháy nắng. Chúng ta có thể phục hồi da hư tổn nhờ ngải cứu.
Cách làm:
- Với da bị sẹo, trộn hỗn hợp dầu ngải cứu và dầu ô liu với tỷ lệ 1:2 đắp lên vết sẹo, để qua đêm
- Với da bị cháy nắng, xay nhuyễn ngải cứu sau đó trộn với dầu oliu thành hỗn hợp. Rửa vùng da cháy nắng với nước ấm để da mềm và co giãn. Thoa hỗn hợp này lên da và massage nhẹ nhàng, sau đó, rửa sạch.
Hỗn hợp dầu ô liu và ngải cứu sẽ giúp tuần hoàn máu dưới da lưu thông dễ dàng, các tế bào da nhanh chóng được tái tạo, phục hồi hư tổn.
Ngoài ra, ngải cứu còn có thể dùng để chế biến thực phẩm như nấu canh, chiên, xào. Với những lợi ích của ngải cứu như vậy, chị em đừng ngần ngại thêm nó vào những nguyên luyện quen thuộc của gia đình.
Minh Thư
Theo tạp chí Sống Khỏe